Xu thế không thể đảo ngược

'Thế giới đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới với xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không thể đảo ngược. Việt Nam sẽ tiếp cận như thế nào để không lỡ nhịp?'. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã nêu vấn đề trên tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Tài nguyên và Môi trường.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chuyển đổi xanh là một phần tất yếu trong chiến lược phát triển bền vững, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực từ các hoạt động kinh tế đến môi trường và hệ sinh thái. Theo Phó Thủ tướng, môi trường cùng với phát triển kinh tế, xã hội là trung tâm, trụ cột của phát triển.

Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, nếu không có biện pháp ứng phó, đến năm 2050, hơn 10% dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi ngập lụt và mất sinh kế do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, với tư cách là một thành viên của Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã cam kết giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo. Điều này đòi hỏi các biện pháp mạnh mẽ để chuyển đổi sang mô hình phát triển kinh tế xanh, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng sạch.

Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 của Việt Nam đã đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng trong giảm phát thải khí nhà kính để đạt phát thải ròng bằng “0”, chuyển đổi mô hình tăng trưởng bền vững hơn, nâng cao sức chống chịu và tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều thành công, trong đó có lĩnh vực ban hành quy định pháp luật liên quan lĩnh vực với những đạo luật quan trọng như đất đai, địa chất khoáng sản, tài nguyên nước… Công tác xây dựng luật, văn bản dưới luật đã phát huy được tham gia dân chủ, khách quan, khoa học. Điển hình phải kể đến Luật Đất đai và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, qua đó góp phần thay đổi tư duy, mở ra hướng giải quyết nhiều vướng mắc, tồn đọng trong lĩnh vực chuyển đổi xanh.

Tuy nhiên, chất lượng môi trường cuộc sống chưa cải thiện triệt để, trong khi vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan; đa dạng sinh học, nguồn nước đang suy giảm… Năng lực giải quyết hài hòa bài toán quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, phát triển nông nghiệp nông thôn, bảo vệ môi trường… chưa đáp ứng được yêu cầu.

Chính phủ đã đưa ra chiến lược kế hoạch hành động quốc gia định hướng chuyển đổi trong nông nghiệp, công nghiệp, sản xuất, tiêu dùng phát thải thấp, kêu gọi sự vào cuộc đồng bộ của các chính quyền địa phương, cộng đồng và DN. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã và đang được thể chế hóa bằng luật pháp và trở thành hành động trong xã hội; và tất cả mọi người cần ý thức về môi trường sống, trở thành nét văn hóa trong xã hội, để đất nước đạt được sự phát triển bền vững.

Ngô Đức Hành

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/xu-the-khong-the-dao-nguoc-post535759.html
Zalo