TPHCM sẽ phát triển theo mô hình đa trung tâm với sáu đô thị trực thuộc

Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định số 1711/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đã xác định TPHCM sẽ phát triển theo mô hình đa trung tâm, với trung tâm thành phố và 6 đô thị trực thuộc là thành phố Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ.

Thủ tướng phê duyệt quy hoạch TPHCM với tầm nhìn hướng tới là 1 đô thị đa trung tâm vào năm 2050. Ảnh: LÊ VŨ

Thủ tướng phê duyệt quy hoạch TPHCM với tầm nhìn hướng tới là 1 đô thị đa trung tâm vào năm 2050. Ảnh: LÊ VŨ

Mục tiêu của quy hoạch là xây dựng TPHCM thành 1 đô thị thông minh, bền vững, có chất lượng sống cao, GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước và vượt qua ngưỡng thu nhập cao, là trung tâm kinh tế, tài chính, đổi mới sáng tạo của Việt Nam và khu vực, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, baochinhphu.vn đưa tin.

Thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế với tốc độ trung bình 8,5-9%/năm trong giai đoạn 2021-2030, thu nhập bình quân đầu người lên mức 385-405 triệu đồng, tương đương 14.800 - 15.400 đô la Mỹ vào năm 2030.

Cơ cấu kinh tế sẽ chuyển dịch theo hướng dịch vụ hóa với tỷ trọng khu vực này đạt trên 60% còn công nghiệp - xây dựng khoảng 27% và nông nghiệp khoảng 0,4%. TPHCM cũng phấn đấu nâng tỷ trọng kinh tế số lên trên 40% GRDP.

Đến năm 2030, dân số thành phố dự kiến đạt 11 triệu người, đến 2050 là 14,5 triệu người, đô thị hóa đạt trên 90% và xây dựng hoàn toàn nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó 50% là nông thôn mới thông minh.

Quy hoạch cũng đề ra phương án phát triển hệ thống đô thị theo hướng "làng trong phố, phố trong làng", kết hợp bảo tồn giá trị truyền thống và phát triển bền vững.

Theo đó, TPHCM sẽ bao gồm 1 khu vực đô thị trung tâm và 6 đô thị trực thuộc là thành phố Thủ Đức (đô thị loại I) và 5 đô thị vệ tinh dự kiến nâng cấp lên thành phố, gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ.

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ phát triển không gian ngầm, không gian nước và không gian số, tổ chức theo mô hình đa trung tâm, đa chức năng theo mô hình "thành phố trong thành phố".

Sau năm 2030, TPHCM sẽ xây dựng các đô thị theo mô hình thành phố đa trung tâm, bao gồm khu vực đô thị trung tâm, đô thị Thủ Đức, đô thị Củ Chi - Hóc Môn, đô thị Bình Chánh, đô thị quận 7 - Nhà Bè và đô thị Cần Giờ.

Đến năm 2050, thành phố dự kiến hoàn thành mô hình này, với các đô thị trực thuộc được quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững theo chương trình phát triển đô thị quốc gia.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng sẽ thực hiện những đột phá để trở thành 1 đô thị thông minh, xanh, có sức cạnh tranh cao, thu hút đầu tư và phát triển bền vững. Thành phố sẽ tập trung vào đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao, xây dựng hệ thống hạ tầng hiện đại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường.

Trọng tâm để thực hiện các đột phá trên là hoàn thiện thể chế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững các ngành kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển, đô thị và kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, nâng cao chất lượng sống, tăng cường liên kết vùng và hội nhập quốc tế để TPHCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, đổi mới sáng tạo của cả nước.

Bình Dương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tphcm-se-phat-trien-theo-mo-hinh-da-trung-tam-voi-sau-do-thi-truc-thuoc/
Zalo