Xử phạt không phân loại rác tại nguồn đang gặp khó

Từ ngày 1/1/2025, việc phân loại rác tại nguồn trở thành bắt buộc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tuy nhiên, tình hình triển khai tại các địa phương vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt trong áp dụng chế tài xử phạt.

Nói dễ, làm khó

Sau gần 1 tháng thực hiện Nghị định 45/2022/NĐ-CP về thực hiện phân loại rác tại nguồn và áp dụng mức xử phạt đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định dường như mọi thứ vẫn ở chế độ “im lìm”. Theo quy định, người dân phải phân loại rác tại nguồn thành 3 nhóm: rác tái sử dụng, tái chế; rác thực phẩm; rác sinh hoạt khác. Việc không thực hiện quy định sẽ bị phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai quy định này ở nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện được bởi còn gặp nhiều vướng mắc.

Thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Ghi nhận thực tế hiện nay tại nhiều địa phương ở Hà Nội cho thấy, việc phân loại rác thải tại nguồn vẫn còn là “khoảng trống” xa vời. Thậm chí, nhiều nơi, rác thải còn được đổ thải thành đống ngổn ngang ven đường. Anh Nguyễn Hoàng (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Chung cư chỗ tôi chưa thấy Ban quản lý tòa nhà thông báo về việc phân loại rác theo quy định. Phương thức gom rác vẫn như cũ, nên cũng không biết phân loại như thế nào và quy định xử phạt như thế nào”. Tương tự, chị Trần Hoàng Lan - một cư dân tại quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: "Tôi có nghe nói về việc phân loại rác, nhưng trong thực tế, không có thùng rác riêng cho rác hữu cơ hay rác tái chế ở khu phố tôi. Nhiều khi tôi cũng phân loại nhưng khi ra thùng rác thì lại thấy mọi thứ bị trộn lẫn". Đây là thực tế tại hầu hết các khu vực tại các chung cư tại Hà Nội, việc bắt đầu thực hiện phân loại rác còn khó triển khai nói gì tới việc áp dụng quy định xử phạt. Trường hợp tại nhiều nơi đã áp dụng việc phân loại rác tại nguồn thì chính quyền địa phương lại thiếu nhân lực để giám sát và kiểm tra việc thực hiện phân loại rác.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Đức – Chủ tịch UBND xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội cho biết, việc triển khai phân loại rác tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng như xử phạt những trường hợp không thực hiện phân loại rác tại nguồn hiện địa phương vẫn chưa thực hiện được bởi nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân chính là sự đồng bộ giữa các khâu vẫn chưa có, nhất là khâu vận chuyển. Ông Nguyễn Ngọc Đức khẳng định, để thực hiện phân loại rác là điều không quá phức tạp, chỉ cần có đủ 3 thùng rác, hoặc túi rác khác nhau thì người dân dễ dàng phân loại thành từng thứ. Tuy nhiên, vấn đề là sau khi rác phân loại sẽ được vận chuyển và xử lý theo phương thức nào. “Rác đã phân làm 3 loại thì khi vận chuyển, xe chở rác cũng phải có 3 loại hoặc ít nhất là một xe có 3 thùng chứa rác khác nhau. Chứ nếu phân làm 3 loại xong lại đổ chung vào một thùng để mang đi thì phân loại làm gì?” – ông Nguyễn Ngọc Đức phân tích và cho biết, đây vẫn là bài toán khó giải nhất trong câu chuyện phân loại rác tại nguồn cũng là lý do khiến chủ trương này chưa thể thực hiện tại nhiều địa phương.

Theo thống kê của Bộ TN&MT, tính đến nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc khoảng 67.110 tấn/ngày, trong đó khoảng 65% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp. Nếu như thực hiện tốt phân loại rác, sẽ chỉ còn khoảng 25 - 30% rác thải phải mang đi chôn lấp hoặc xử lý tại các nhà máy và mang lại hiệu quả rất lớn với môi trường và sức khỏe con người.

Tương tự, việc xử phạt không phân loại rác tại nguồn cũng chưa thể thực hiện. Theo các chuyên gia môi trường, để áp dụng quy định cũng như giám sát hàng triệu hộ gia đình cần một hệ thống nhân lực và công nghệ đủ mạnh. Tuy nhiên, hiện tại những yếu tố này vẫn còn rất hạn chế. Do đó để thực hiện được cần sự vào cuộc của tất cả các bên, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng địa phương cũng như ý thức của từng người dân. Nếu chỉ mỗi các đơn vị quản lý môi trường thì rất khó để thực hiện. Ngoài những vướng mắc trên, việc định danh và xử phạt các trường hợp vi phạm cũng gặp khó khăn do thiếu quy trình cụ thể. Các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng các ứng dụng công nghệ để hỗ trợ giám sát và ghi nhận vi phạm, đồng thời tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc giám sát lẫn nhau.

Thách thức và giải pháp cho tương lai

Thách thức lớn nhất hiện nay trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn chính là cơ sở hạ tầng không đồng bộ. Nhiều địa phương chưa có đủ bãi rác xử lý theo tiêu chuẩn, phương tiện thu gom và hệ thống quản lý rác thải hiệu quả. Ngoài ra, thói quen của người dân cũng là một rào cản lớn. Một số hộ gia đình vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc phân loại rác, dẫn đến tình trạng phân loại không đúng cách hoặc không thực hiện.

Để giải quyết những vấn đề này, cần có sự đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là xay dựng các nhà máy tái chế và khu xử lý rác thải hiện đại. Đồng thời, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân nhận thức rõ hơn về trách nhiệm bảo vệ môi trường.

PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Viện trưởng Viện Khoa học và môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, khi luật đã có hiệu lực nhưng chưa đi vào cuộc sống thì cần phải xem xét đang có vấn đề chỗ nào, việc ban hành các văn bản dưới luật đã phù hợp chưa… Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ áp dụng mức xử phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt đủ sức răn đe song chưa thể áp dụng trong điều kiện hiện nay, khi người dân chưa được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện phân loại chất thải.

Không chỉ dừng lại ở việc xử phạt, cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện phân loại rác. Ví dụ như giảm giá dịch vụ vệ sinh môi trường cho các hộ gia đình phân loại rác tốt, hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình ủ rác hữu cơ tại hộ gia đình… Đồng thời, cần tạo điều kiện cho các DN tham gia vào lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải, góp phần xây dựng một hệ thống quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả và bền vững.

Bên cạnh đó, học tập kinh nghiệm từ các nước phát triển cũng là giải pháp cần thiết. Nhật Bản là một ví dụ điển hình với hệ thống phân loại rác khoa học và đồng bộ, đi kèm với các quy định nghiêm ngặt và ý thức cao từ người dân. Việt Nam có thể học hỏi để xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện trong nước.

Phân loại rác tại nguồn không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà còn là nhiệm vụ của toàn xã hội. Để quy định này thực sự đi vào cuộc sống, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, người dân và các tổ chức xã hội. Việc xử phạt không phân loại rác tại nguồn là cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn cả là nâng cao nhận thức cộng đồng và xây dựng hệ thống hỗ trợ hiệu quả. Chúng ta đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi diện mạo môi trường sống. Nếu mỗi cá nhân và tổ chức đều ý thức và hành động vì môi trường, chắc chắn mục tiêu xây dựng một Việt Nam xanh, sạch, đẹp sẽ không còn xa vời.

Nguyễn Quý

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xu-phat-khong-phan-loai-rac-tai-nguon-dang-gap-kho.html
Zalo