Chính quyền Trump bị kiện
Trong động thái bị chỉ trích là 'bước thụt lùi', Tổng thống Trump thực chất đã khôi phục Biểu F, phân loại lại hàng nghìn viên chức liên bang thành nhân viên bổ nhiệm chính trị.
Một ngày sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, một liên đoàn lao động chính phủ hàng đầu đã đệ đơn kiện chính quyền của ông phân loại lại hàng nghìn viên chức liên bang thành nhân viên bổ nhiệm chính trị, Guardian đưa tin.
Sắc lệnh hành pháp do tổng thống ký - mở đường cho việc dễ dàng hơn trong việc sa thải nhân viên khu vực công - tương đương với một "bước thụt lùi nguy hiểm", theo Liên đoàn Nhân viên Ngân khố Quốc gia (NTEU), đại diện cho nhân viên chính phủ liên bang tại 37 cơ quan và bộ phận.
Sắc lệnh này, nằm trong số nhiều sắc lệnh được ông Trump công bố trong vài giờ sau lễ nhậm chức hôm 20/1, đã nhanh chóng bị chỉ trích là hành động tấn công vào người lao động.
Khi lên kế hoạch cho sự trở lại tổng thống, các đồng minh của ông Trump tuyên bố đã xác định được 50.000 nhân viên liên bang có thể bị sa thải.
"Cần phải trải qua tiến trình trước khi có thể hủy bỏ một quy định", Will Dobbs-Allsopp, giám đốc chính sách tại Governing for Impact, một nhóm nghiên cứu thiên tả, cho biết.
Khi trở lại Nhà Trắng hôm 20/1, ông Trump đã khôi phục lại "Biểu F", trong đó tìm cách cho phép phân loại lại hàng chục nghìn viên chức liên bang. "Biểu F" đã thay đổi các quy tắc của công chức để cho phép một lượng lớn viên chức sự nghiệp liên bang bị sa thải mà không có sự bảo vệ theo diện viên chức liên bang, phân loại lại công việc của họ thành các nhân viên bổ nhiệm chính trị.
"Thực sự chưa có điều gì như vậy, khi tổng thống nói rằng 'Tôi sẽ coi luật này là vô hiệu'", Jordan Ascher, cố vấn chính sách tại Governing for Impact, nhận định. Ông cho rằng sẽ có những thách thức pháp lý ở "mọi bước... từ việc hủy bỏ quy tắc đến việc lập danh sách nhân viên cho đến việc thực sự sa thải". Có khoảng 2,1 triệu nhân viên công chức trong chính phủ liên bang.
Hôm 21/1, NTEU đã đệ đơn kiện sắc lệnh hành pháp, tìm kiếm biện pháp khắc phục bằng lệnh cấm thực hiện sắc lệnh này. NTEU lập luận rằng sắc lệnh này áp dụng sai các quy tắc của nhân viên đối với những người được bổ nhiệm chính trị thành nhân viên sự nghiệp; tước đi quyền tố tụng hợp pháp mà nhân viên liên bang đã được cam kết khi tuyển dụng và bỏ qua các quy định do văn phòng quản lý nhân sự thực hiện.
“Sắc lệnh hành pháp ngày hôm qua là một bước thụt lùi nguy hiểm đối với hệ thống chính trị mà Quốc hội đã bác bỏ rõ ràng cách đây 142 năm, đó là lý do tại sao chúng tôi đang khởi kiện để tuyên bố sắc lệnh này là bất hợp pháp”, chủ tịch quốc gia NTEU, Doreen Greenwald, cho biết.
“Những nhân viên mà chúng tôi đại diện làm việc cho các cơ quan liên bang đảm bảo an ninh quốc gia, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo vệ người tiêu dùng khỏi gian lận. Công việc của họ đòi hỏi phải được đào tạo và có chuyên môn trong lĩnh vực của mình để cung cấp dịch vụ tốt nhất có thể cho tất cả người Mỹ, chứ không phải vượt qua bài kiểm tra lòng trung thành chính trị”, bà Greenwald nêu rõ.
Các liên đoàn lao động khác đã chỉ trích sắc lệnh hành pháp này là một cuộc tấn công vào các nhân viên liên bang.
“Việc giao quyền bảo vệ công việc của những người lao động tận tụy, không theo đảng phái vào tay các tỷ phú và những kẻ cực đoan chống công đoàn là điều không thể chấp nhận được”, Lee Saunders, chủ tịch Liên đoàn Người lao động Nhà nước, Quận và Thành phố Mỹ (AFSCME), liên đoàn viên chức nhà nước lớn nhất tại Mỹ, cho biết.
“Chúng tôi sẽ không ngồi yên và chịu đựng những cuộc tấn công này”.
Liz Shuler, chủ tịch của AFL-CIO, cho biết sắc lệnh này - nếu được thực hiện - sẽ gây tổn hại đến các dịch vụ cơ bản, thiết yếu do các nhân viên liên bang cung cấp, bao gồm chăm sóc cựu chiến binh; đảm bảo các gia đình nhận được các khoản thanh toán an sinh xã hội; bảo vệ sân bay và hành khách; kiểm tra thực phẩm và cung cấp cứu trợ thiên tai.
Bà cho biết: “Cuộc tấn công của Tổng thống Trump vào các nhân viên liên bang bắt đầu ngay từ ngày đầu tiên ông nhậm chức”.