Xử lý tận gốc vấn nạn ô nhiễm
Tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí ở một số đô thị lớn, từ Hà Nội đến TP HCM, ngày càng nhức nhối trong những năm gần đây. Đã là ô nhiễm, ai cũng có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống.
Đó là lý do cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức, cho ý kiến kế hoạch và đề cương của Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) từ khi Luật BVMT 2020 có hiệu lực; được dư luận cả nước quan tâm.
Theo kế hoạch, Đoàn giám sát sẽ tập trung đánh giá việc bố trí và sử dụng nguồn lực cho BVMT; quy hoạch BVMT Quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; việc lập, thẩm định, phê duyệt đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường.
Đoàn cũng giám sát hoạt động kiểm soát ô nhiễm chất lượng môi trường nước, không khí; chống ngập úng ở các đô thị; việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải đô thị, chất thải nông nghiệp, y tế và xây dựng. Ngoài ra, giám sát công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán, giám sát việc chấp hành pháp luật về BVMT và xử lý vi phạm, đấu tranh phòng, chống tội phạm; phát triển thị trường carbon.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến rất sát thực tế, rất trăn trở, đã được nêu ra. Một ý kiến đề nghị Đoàn giám sát đánh giá tổng thể nguyên nhân và nguồn ô nhiễm không khí; rà soát nguồn phát thải công nghiệp; việc đốt rơm rạ, phế phẩm nông nghiệp; công trình xây dựng gây bụi.
Cũng tại cuộc làm việc, chúng ta kỳ vọng những giải pháp quyết liệt để BVMT sẽ được Đoàn giám sát kiến nghị để Quốc hội xem xét thông qua. Một đại biểu lấy ví dụ một TP lớn ở nước ngoài từng ô nhiễm nặng nề, nhưng sau khi chính quyền chuyển hết ngành công nghiệp ra ngoài TP, tổ chức trồng cây xanh, thì không khí TP này đã trong lành trở lại; từ đó gợi ý những đô thị lớn ở nước ta có thể cân nhắc áp dụng. Một ý kiến khác nói rõ “chúng ta cần có hành động quyết liệt hơn”, như kinh nghiệm một số nước trên thế giới đã đánh phí và không cho ô tô đi vào khu vực ô nhiễm nghiêm trọng hay tắc nghẽn giao thông.
Một đại biểu khác cho rằng, xử lý vấn đề môi trường cần theo nguyên tắc “ai làm ô nhiễm, người đó phải trả tiền xử lý”. Ví dụ về xử lý nước thải, một hộ dùng 100m3 nước/tháng, tức là nhà đó thải ra 100m3 nước thải, nên số tiền hộ này phải trả không chỉ tiền nước sạch mà còn là tiền xử lý nước thải. Tiền đó sẽ được thu để tái đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường.
Tại cuộc họp, một lãnh đạo Bộ TN&MT nhận định, để khắc phục tình trạng ô nhiễm, cần bắt đầu từ việc sửa đổi luật, nghị định, kèm theo đó là ý thức người dân và hành động quyết liệt của chính quyền địa phương. Về phía lãnh đạo Quốc hội, đề nghị qua lần giám sát này, Quốc hội ban hành được nghị quyết, làm cơ sở pháp lý để cấm các hành vi gây ô nhiễm. Đó mới là cái đích chúng ta hướng tới, để giải quyết vấn đề tận gốc, để chấm dứt tình trạng phải chịu đựng cảnh sống chung với ô nhiễm.