Các địa phương phải gấp rút phân bổ vốn và giải ngân vốn đầu tư công

Bộ Tài chính đôn đốc các địa phương phân bổ vốn, nhập dự toán Tabmis và giải ngân đầu tư công năm 2025.

Bộ Tài chính vừa ban hành Công văn số 423 đôn đốc các bộ, ngành, địa phương phân bổ, nhập dự toán TABMIS và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết vốn kế hoạch đầu tư công nguồn NSNN năm 2025 cho từng nhiệm vụ, dự án đã đủ điều kiện giao vốn theo quy định của pháp luật về đầu tư công và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, khẩn trương nhập dự toán trên hệ thống TABMIS theo thời hạn theo quy định tại Thông tư số 123 để cơ quan tài chính có cơ sở phê duyệt, đảm bảo dự toán để giải ngân cho các dự án, cụ thể: Đối với số vốn bố trí để thu hồi số vốn ứng trước: hoàn thành việc nhập dự toán cho các dự án ngay sau khi có quyết định giao kế hoạch vốn của cấp có thẩm quyền.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp với Kho bạc Nhà nước (KBNN) triển khai ngay các thủ tục thu hồi vốn ứng trước, hạch toán thanh toán cho các dự án theo quy định.

Đối với số vốn bố trí để thanh toán nợ xây dựng cơ bản, bố trí cho các dự án chuyển tiếp, hoàn thành năm 2025: hoàn thành việc nhập dự toán cho các dự án ngay sau khi có quyết định giao kế hoạch vốn của cấp có thẩm quyền. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư căn cứ kế hoạch được giao, hoàn thiện các thủ tục thanh toán gửi KBNN để kiểm soát, thanh toán.

Đối với các dự án khởi công mới: Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục mở tài khoản và cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách để có cơ sở nhập dự toán cho các dự án đủ điều kiện phân bổ theo quy định.

Đối với vốn nước ngoài, việc bố trí vốn phải phù hợp với nội dung của hiệp định, bảo đảm tiến độ và các cam kết khác đã ký với nhà tài trợ, khả năng cân đối nguồn vốn đối ứng, năng lực của chủ chương trình, dự án và tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo thứ tự ưu tiên như sau: Bố trí đủ vốn cho dự án kết thúc hiệp định trong năm 2025 và không có khả năng gia hạn hiệp định, dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2025; bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp theo tiến độ được duyệt; bố trí vốn theo tiến độ được duyệt và trên cơ sở khả năng giải ngân của dự án mới đã ký hiệp định.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện đăng ký mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách (mã số ĐVQHNS) theo quy định; các địa phương chỉ đạo cơ quan tài chính, đơn vị dự toán của địa phương thực hiện nhập, phê duyệt dự toán, lệnh chi tiền trên TABMIS theo quy định đảm bảo dự toán để giải ngân cho các dự án.

Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế - dự toán công trình, xác định các mốc thời gian hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu, đẩy nhanh tiến độ ký kết hợp đồng đối với các dự án, gói thầu mới thực hiện trong năm 2025.

Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, hệ thống chính trị địa phương cần vào cuộc, chỉ đạo sát sao, giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị thực hiện; chỉ đạo các chủ đầu tư, các hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng khẩn trương kiểm đếm, đền bù,... để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; tăng cường giải thích rõ các quy định pháp luật về giá đất bồi thường và chính sách bồi thường, hỗ trợ để người dân cùng thực hiện; chỉ đạo sát sao, tập trung, đánh giá hàng tháng tỷ lệ giải ngân của từng dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các dự án ODA, các dự án có kế hoạch vốn năm 2025 được bố trí lớn…

Cùng với đó, Bộ Tài chính yêu cầu các chủ đầu tư báo cáo tiến độ hàng tháng làm cơ sở để rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án triển khai chậm để bổ sung vốn cho các dự án có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án đường cao tốc, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, có khả năng hấp thụ vốn, bảo đảm đúng quy định và giải ngân hết kế hoạch vốn được giao; gửi Bộ Tài chính quyết định điều chỉnh vốn giữa các dự án để kiểm tra, tổng hợp theo dõi, kiểm soát việc giải ngân…

Công khai kết quả thực hiện của các đơn vị, gắn kết quả giải ngân của từng đơn vị với đánh giá kết quả công tác của cán bộ. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của các cá nhân, đơn vị liên quan, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các cá nhân, đơn vị được giao với tiến độ thực hiện giải ngân của từng dự án. Đồng thời, định kỳ hằng quý, Bộ Tài chính sẽ thực hiện công khai các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình cả nước.

Bộ Tài chính đề nghị cơ quan kiểm soát thanh toán vốn đầu tư cần tăng cường việc nhận và gửi hồ sơ làm cơ sở kiểm soát, thanh toán theo hình thức trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của KBNN; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần giải ngân cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng thì mới chuyển sang hình thức “kiểm soát trước, thanh toán sau” theo quy định của Chính phủ…

Bên cạnh đó, các đơn vị KBNN phối hợp với chủ đầu tư thực hiện rà soát, kiểm tra việc tạm ứng vốn đảm bảo vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng, mức vốn và thời hạn tạm ứng theo quy định.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cac-dia-phuong-phai-gap-rut-phan-bo-von-va-giai-ngan-von-dau-tu-cong-228605.html
Zalo