Xử lý rác thải làng nghề: Bài toán chưa có lời giải
Các làng nghề đang góp một phần rất lớn trong phát triển kinh tế địa phương. Thế nhưng nhiều làng nghề trong quá trình hoạt động, sản xuất do không đầu tư đồng bộ về hạ tầng cơ sở đã gây ô nhiễm môi trường kéo dài. Đâu là giải pháp cho vấn đề này?
Khi làng nghề gắn liền với… làng rác
Việt Nam hiện có khoảng 5.400 làng nghề với nhiều ngành nghề đa dạng từ chế biến thực phẩm, dệt nhuộm, sản xuất đồ gỗ, gốm sứ, đến tái chế kim loại. Hoạt động sản xuất tại các làng nghề tạo ra khối lượng lớn rác thải mỗi ngày. Tuy nhiên, phần lớn lượng rác này chưa được thu gom và xử lý đúng cách, dẫn đến ô nhiễm nặng nề.
Nhiều báo cáo cho thấy, tại các làng nghề ở Bắc Ninh, lượng nước thải sản xuất lên đến 50.000m³/ngày, nhưng hầu hết đều xả trực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý. Các làng nghề tái chế nhựa tại Hưng Yên và tái chế kim loại ở Nam Định còn có dấu hiệu nguy hiểm hơn rất nhiều, khi những nơi này đang là điểm tập trung lượng lớn chất thải rắn không thể phân hủy, gây ô nhiễm đất và nước nghiêm trọng.
Không chỉ riêng nước thải, khí thải từ các lò nung thủ công hoặc quá trình đốt rác tại chỗ cũng làm gia tăng mức độ ô nhiễm không khí tại nhiều khu vực làng nghề. Mùi hôi từ các bãi rác tự phát, khí độc từ các cơ sở sản xuất đã trở thành nỗi ám ảnh với người dân xung quanh. Một trong những ví dụ điển hình nhất về rác thải làng nghề chính là tại tỉnh Bắc Ninh.
Các làng nghề vốn nổi tiếng lâu đời như làng nghề giấy Phong Khê ở TP Bắc Ninh hay như làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá ở xã Văn Môn, huyện Yên Phong.
Từ lâu, đây vốn là hai trong số những làng nghề được biết đến là ô nhiễm vào loại nghiêm trọng nhất của tỉnh Bắc Ninh nói riêng và cả khu vực miền Bắc nói chung. Hoạt động tại các làng nghề này phát sinh ra một lượng lớn chất thải rắn, khí thải, nước thải… Phần nhiều trong số đó không được xử lý đúng quy định mà thải trực tiếp ra môi trường khiến cho môi trường sống khu vực làng nghề cũng như những vùng lân cận rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
Ở Hà Nội, các làng nghề trọng điểm như Dương Liễu, Sơn Đồng, Cát Quế, Chàng Sơn, Canh Nậu… cũng đối mặt với tình trạng ô nhiễm do rác thải ngày càng lớn. Trong đó, làng nghề chế biến nông sản ở hai xã Dương Liễu và Cát Quế (huyện Hoài Đức) vốn đã nổi tiếng về tình trạng ô nhiễm từ rất nhiều năm nay.
Tại đây, hầu hết những kênh mương đều đang bị “bức tử” bởi một lượng lớn nước thải từ việc ngâm ủ bã sắn, dong riềng và các loại củ trong thời gian dài làm cho hầu hết hệ thống kênh rạch tại thôn đen kịt, bốc mùi hôi thối khó chịu.
Không ô nhiễm nặng như những làng nghề chế biến nông sản trên song các làng nghề chế biến, kinh doanh đồ gỗ như Canh Nậu, Dị Nậu, Hữu Bằng, Chàng Sơn (huyện Thạch Thất) lại phát sinh một lượng lớn rác thải rắn, là các phụ phẩm từ gỗ sinh ra trong các hoạt động chế biến, chế tác gỗ của làng nghề. Trong số này có không ít rác thải cồng kềnh khó thu gom, vận chuyển và xử lý.
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề không chỉ làm suy thoái chất lượng đất, nước, không khí mà còn đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Tại nhiều khu vực, tỷ lệ mắc các bệnh về đường hô hấp, ung thư và da liễu gia tăng đáng kể.
Ngoài ra, ô nhiễm tại các làng nghề còn kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế. Các vùng đất bị thoái hóa, nguồn nước bị nhiễm độc khiến chi phí khắc phục trở thành gánh nặng lớn cho cả chính quyền lẫn người dân.
Vì sao rác thải làng nghề khó giải quyết?
Theo các chuyên gia, một trong những tồn tại lớn nhất trong công tác vệ sinh, môi trường tại các làng nghề nằm ở việc hạ tầng xử lý rác thải ở đây hiện vẫn còn rất hạn chế. Việc đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý tập trung đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước lại chưa đáp ứng được nhu cầu.
Đơn cử, Hà Nội cần tới 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề trọng điểm trong giai đoạn 2021 - 2030, nhưng việc huy động nguồn lực vẫn là một thách thức lớn. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường của nhiều cơ sở sản xuất chưa cao.
Việc phân loại rác tại nguồn gần như không được thực hiện, khiến quá trình xử lý càng thêm khó khăn. Một số DN vẫn sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, tiêu tốn năng lượng và thải ra lượng lớn chất thải. Chưa kể, sự thiếu đồng bộ trong quản lý giữa các cấp chính quyền cũng là một nguyên nhân.
Đáng nói, hiện vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng và chế tài đủ mạnh để buộc các cơ sở sản xuất tuân thủ quy định môi trường. Điều này dẫn đến tình trạng xử lý rác thải làng nghề vẫn mang tính cục bộ, nhỏ lẻ và thiếu hiệu quả.
Chuyên gia môi trường Nguyễn Đức Vinh - Mạng lưới Nhựa và Sức khỏe nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm làng nghề là bởi phần lớn các hộ kinh doanh đang sử dụng công nghệ, trang thiết bị không đạt chuẩn.
Trong những năm trở lại đây, để giải quyết tình trạng này, nhiều địa phương đã cố gắng định hướng làng nghề để sản xuất, trở thành cụm công nghiệp làng nghề. Tuy nhiên, cách làm này cũng chỉ giúp tình trạng ô nhiễm giảm được phần nào.
Để giải quyết bài toán rác thải làng nghề, cần một chiến lược toàn diện và sự chung tay của nhiều bên. Các chuyên gia chỉ ra rằng, việc phân loại và xử lý rác tại nguồn là giải pháp quan trọng để giải quyết bài toán rác thải làng nghề. Người dân làng nghề cần được hướng dẫn thực hiện phân loại rác trước khi thu gom, đồng thời triển khai mô hình xử lý phi tập trung, phù hợp với đặc thù từng làng nghề.
Theo đúng lộ trình, việc phân loại rác tại nguồn sẽ chính thức thực hiện trên cả nước từ đầu năm 2025 và hiện nay, nhiều địa phương đang rốt ráo chạy đua với thời gian để kịp thực hiện theo đúng lộ trình này.
Một giải pháp cũng không kém phần quan trọng khác là đầu tư xây dựng hạ tầng xử lý rác thải là nhiệm vụ cấp bách. Các dự án xã hội hóa, kêu gọi sự tham gia của DN tư nhân vào lĩnh vực xử lý môi trường cần được khuyến khích. Một số mô hình nhà máy xử lý nước thải tập trung tại Bắc Ninh và Hà Nội đã bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực, cần được nhân rộng.
TS Dương Đình Giám - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách công nghiệp cho rằng, để giải quyết được bài toán ô nhiễm làng nghề, cần bắt đầu từ câu chuyện hạ tầng và mặt bằng. Trước tiên, cần quy hoạch những điểm sản xuất làng nghề riêng, tách biệt khỏi nơi sinh hoạt của các gia đình. Muốn làm được điều này, các địa phương phải dành một quỹ đất nhất định để bố trí mặt bằng.
Sau đó, địa phương và các hộ kinh doanh cùng chung tay góp vốn để xây dựng hạ tầng. Một khi có mặt bằng, có hạ tầng để các hộ kinh doanh sản xuất thì bài toán ô nhiễm làng nghề sẽ được giải quyết.
Theo các chuyên gia môi trường, để giải quyết bài toán ô nhiễm rác làng nghề, ngoài các giải pháp căn cơ thì việc ban hành khung pháp lý rõ ràng, đi kèm với chế tài xử phạt nghiêm khắc, sẽ giúp nâng cao trách nhiệm của các cơ sở sản xuất hay các chính sách hỗ trợ tài chính và công nghệ từ Nhà nước cũng là động lực để các làng nghề chuyển đổi sang sản xuất sạch hơn.
Ngoài ra, chúng ta cần tăng cường các chương trình truyền thông, giáo dục về bảo vệ môi trường cần được đẩy mạnh để thay đổi thói quen của người dân và DN trong việc xử lý rác thải. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng sẽ là yếu tố then chốt để giải quyết bài toán rác thải làng nghề.