Xử lý rác thải công nghiệp ở thị xã Nghi Sơn

Là địa phương có nhiều nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp hiện đại quy tụ, công tác bảo vệ môi trường, xử lý rác thải công nghiệp luôn là vấn đề trọng tâm được chính quyền thị xã Nghi Sơn kiểm soát chặt chẽ.

Nhà máy xử lý rác thải Nghi Sơn (Công ty CP Môi trường Nghi Sơn), xã Trường Lâm.

Nhà máy xử lý rác thải Nghi Sơn (Công ty CP Môi trường Nghi Sơn), xã Trường Lâm.

Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) chuyên sản xuất sản phẩm từ dầu mỏ. Thời điểm hiện tại, công ty đang vận hành với công suất 200.000 thùng dầu thô/ngày (tương đương 10 triệu tấn/năm). Rác thải của đơn vị chủ yếu là dầu thải, các chất xúc tác bị thay thế, bao bì nhựa thải... Xác định công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc thu gom, xử lý rác là nhiệm vụ quan trọng nên ngay sau khi đi vào sản xuất, công ty đã hợp đồng với Công ty CP Môi trường Nghi Sơn (xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn) thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp.

Được biết, nhà máy xử lý chất thải rắn tổng hợp tại xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn của Công ty CP Môi trường Nghi Sơn là một trong những nhà máy xử lý rác thải hiện đại tại miền Bắc hiện nay. Các dây chuyền xử lý rác thải được nhập công nghệ từ những nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức... Đặc biệt, công ty là một trong số ít doanh nghiệp tại Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép đủ điều kiện xử lý chất thải nguy hại với công suất 1 tấn/giờ. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong KKTNS và trên địa bàn tỉnh đã ký hợp đồng với công ty để xử rác thải công nghiệp.

Ông Vũ Nam Anh, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường Nghi Sơn, cho biết: Sau khi được phân loại và thu gom về, công ty có hệ thống để xử lý đối với từng loại rác. Đối với rác thải nguy hại không thể tái chế được như phi sắt hoặc nhựa dính keo không sục rửa được sẽ xử lý bằng phương pháp đốt. Loại rác tái chế sẽ được sục rửa sạch, tân trang lại làm thành thùng rác, cấp cho khách hàng. Hoặc chất thải lỏng như dầu thải được công ty tái chế bằng hệ thống lọc RO, đảm bảo nguồn nước sau tái chế đạt quy chuẩn. Qua đó, vừa giúp doanh nghiệp giảm một phần kinh phí đầu tư cho hoạt động xử lý rác thải, đồng thời giảm bớt lượng rác thải phải xử lý.

Theo báo cáo của Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp tỉnh, KKTNS đã thu hút được 298 dự án đầu tư trong nước và 24 dự án đầu tư nước ngoài. Hiện tại, có 104 dự án đầu tư trong nước và 13 dự án nước ngoài đã đi vào hoạt động, với tổng lượng rác thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ khoảng 953.661 tấn/ngày đêm và hơn 23,36 triệu tấn rác thải nguy hại mỗi năm. Đến nay, 100% các doanh nghiệp trong khu kinh tế đã hợp đồng với các đơn vị thu gom trong việc vận chuyển đưa rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp để xử lý.

Ông Phạm Văn Nhiệm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, cho biết: "Là địa phương có khu kinh tế trọng điểm của cả nước, nơi có nhiều nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp hiện đại quy tụ nên công tác bảo vệ môi trường, xử lý rác thải công nghiệp luôn là vấn đề trọng tâm được chính quyền kiểm soát chặt chẽ. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về môi trường, các văn bản chỉ đạo của cấp trên, thị xã còn phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra việc chấp hành của các doanh nghiệp. Đến nay, 100% các doanh nghiệp cam kết ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý rác. Tình trạng xả rác thải công nghiệp không đúng nơi quy định trên địa bàn thị xã hầu như không có".

Bài và ảnh Minh Lý

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xu-ly-rac-thai-cong-nghiep-o-thi-xa-nghi-son-229632.htm
Zalo