Xử lý nghiêm người đi xe đạp vào đường cao tốc

Thời gian vừa qua, mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý, tuy nhiên tình trạng người dân đi xe đạp thể thao vào đường cao tốc hay các làn đường dành riêng cho ô tô lưu thông với tốc độ cao vẫn tái diễn phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, khiến nhiều người dân bức xúc. Dư luận cho rằng, các cơ quan chức năng cần có những chế tài mạnh tay hơn để xử lý triệt để tình trạng này.

Một ngày cuối tuần, chúng tôi có dịp di chuyển trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp đi sân bay Nội Bài (TP Hà Nội). Mặc dù mới 5 giờ sáng, trời còn tối nhưng đã có nhiều tốp người điều khiển xe đạp thể thao dàn hàng ngang, nối đuôi nhau chiếm hết làn đường sát dải phân cách, nơi dành riêng cho ô tô lưu thông với tốc độ tối đa 90km/giờ. Đoàn người ngang nhiên “chiếm” làn đường này khiến nhiều xe ô tô phải giảm tốc độ để tránh và chuyển hướng sang làn đường còn lại.

Đây được đánh giá là hành vi nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng bởi ô tô đang lưu thông với tốc độ cao, rất khó để xử lý tình huống khi bất ngờ gặp đoàn người đi xe đạp. Khi thấy Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 15, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội lập chốt xử lý trên đường Võ Nguyên Giáp thì cả đoàn xe đạp nói trên lập tức quay đầu đi ngược chiều, thậm chí một số người còn vác xe vượt rào để tránh bị lực lượng chức năng xử lý.

Xe đạp đi vào đường Võ Nguyên Giáp hướng đi sân bay Nội Bài (TP Hà Nội).

Xe đạp đi vào đường Võ Nguyên Giáp hướng đi sân bay Nội Bài (TP Hà Nội).

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Ngô Tuấn Nam, Đội CSGT số 15 cho biết: “Người đạp xe thể thao thường có hội nhóm trên mạng xã hội. Chỉ cần một nhóm phát hiện có lực lượng chức năng, họ sẽ thông báo cho nhau để tránh. Hơn nữa, xe đạp khá nhẹ nên khi thấy CSGT, họ có thể vác xe chạy sang phía bên kia đường hoặc thậm chí đi ngược chiều, gây khó khăn cho chúng tôi trong quá trình xử lý. Cũng rất khó để xác minh rõ danh tính những trường hợp này vì xe không có biển kiểm soát”.

Anh Phùng Thái Dũng-một lái xe thường xuyên di chuyển qua tuyến đường Võ Nguyên Giáp, chia sẻ: “Tôi thường xuyên chứng kiến nhiều người dân đi xe đạp thể thao vào làn đường dành riêng cho ô tô. Họ trang bị bảo hộ khá kỹ cho bản thân với mũ bảo hiểm, áo, giày chuyên dụng, xe đạp của họ cũng là loại xe thể thao đắt tiền. Tuy nhiên, cách hành xử như vậy rất đáng bị lên án và xử phạt thật nặng. Bởi khi đi xe đạp vào đường cao tốc, làn đường dành riêng cho ô tô là họ không những coi thường mạng sống của bản thân mà còn có thể gây họa cho người khác”.

Tình trạng nói trên không chỉ xuất hiện tại tuyến đường Võ Nguyên Giáp mà còn diễn ra ở nhiều cao tốc, đại lộ khác như cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn, Đại lộ Thăng Long (hướng đi Hòa Lạc)... Đại lộ Thăng Long có chiều dài 28km, dọc tuyến có tới 28 điểm giao cắt với các tuyến giao thông khác nên người đi xe đạp có thể dễ dàng đi vào đường cấm. Trao đổi với chúng tôi, tài xế Nguyễn Văn Đoàn ở thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) cho biết, anh thường xuyên gặp đoàn người điều khiển xe đạp vào làn đường dành riêng cho ô tô trên Đại lộ Thăng Long từ các điểm giao cắt thuộc địa phận huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ... "Đang lưu thông với tốc độ cao, bất ngờ gặp phải người điều khiển xe đạp khiến tôi rất bức xúc và áp lực vì nguy cơ xảy ra tai nạn", anh Đoàn bày tỏ.

TS, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Khoản 4, Điều 26 Luật Giao thông đường bộ quy định, xe thô sơ (trong đó có xe đạp) không được đi vào đường cao tốc, trừ trường hợp làm nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường cao tốc. Theo điểm a, khoản 4, Điều 8, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ thì người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), nếu điều khiển xe đi vào đường cao tốc có thể bị phạt hành chính với mức phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng. Theo tôi, mức xử phạt như vậy là quá thấp, chưa đủ sức răn đe, khiến tình trạng này liên tục tái diễn và trở thành vấn đề nóng của xã hội. Thực tế, nhiều người cố tình vi phạm và chấp nhận nộp phạt khi bị lực lượng chức năng xử lý. Cần có những hình phạt mạnh tay hơn như tịch thu phương tiện hay nâng mức phạt lên gấp nhiều lần”.

Theo TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đường sá và kết cấu hạ tầng ở nước ta hiện nay chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân đi xe đạp, trong khi đó mật độ xe máy, ô tô cao. Chính vì vậy, người đạp xe thể thao thường có xu hướng tìm đến những tuyến đường rộng, thoáng... Tuy nhiên, nếu biến đường cao tốc thành đường tập thể thao thì việc đạp xe vô tình trở thành “môn thể thao mạo hiểm”. Trong tương lai, nếu xây dựng đường mới hoặc thực hiện các dự án cải tạo thì cần mở rộng mặt đường, có thể thiết kế làn đường với dải phân cách cứng dành riêng cho xe đạp...

Bài và ảnh: THU THỦY

* Mời bạn vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/xu-ly-nghiem-nguoi-di-xe-dap-vao-duong-cao-toc-804087
Zalo