Xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước

Ngày 14/2, thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, các đại biểu đề nghị cần quy định có hiệu lực thi hành ngay khi Quốc hội thông qua Nghị quyết này.

Làm rõ phạm vi điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tiếp nhận

Các đại biểu nhấn mạnh, Nghị quyết này đã hoàn chỉnh, toàn diện, bao quát nhiều vấn đề trong bối cảnh chúng ta triển khai cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy rất nhanh và khẩn trương.

Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, qua đó xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, tránh khoảng trống pháp luật, bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của bộ máy nhà nước và toàn xã hội.

 Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam.

Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam.

Quan tâm đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền sau khi tổ chức sắp xếp bộ máy nhà nước được quy định tại Điều 4 của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam nhận thấy, một số điểm trong Điều này còn có những hạn chế lớn, cần làm rõ để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ.

Theo đó, Điều 4 hiện chưa quy định rõ quy trình bàn giao công việc đang xử lý như khoản 4 còn quy định chung chung, không có hướng dẫn chi tiết về quy trình bàn giao; không có cơ chế kiểm soát việc các hồ sơ, thủ tục đang xử lý có bị trì hoãn hoặc thất lạc hay không; dễ dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa cơ quan cũ và cơ quan mới. Khoản 2 Điều 4 cũng chưa có cơ chế xử lý các văn bản pháp lý chưa hoàn tất. Khoản 5, Điều 4 chưa có cơ chế xử lý trách nhiệm đối với công việc bị gián đoạn…

Do đó, đại biểu Trần Văn Khải yêu cầu các cơ quan lập danh sách hồ sơ công việc đang xử lý trước khi bàn giao: Danh sách cần bao gồm trạng thái xử lý của từng hồ sơ; Xác định rõ cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm xử lý từng công việc còn tồn đọng; Quy định về thời gian bàn giao hồ sơ cụ thể; Thiết lập hệ thống giám sát việc bàn giao.

Đồng thời cần xây dựng danh mục văn bản cần sửa đổi trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức: Mỗi bộ, ngành phải rà soát danh sách văn bản đang trong quá trình soạn thảo hoặc đã ban hành nhưng chịu tác động từ sắp xếp bộ máy; Bộ Tư pháp chủ trì việc điều chỉnh các văn bản này.

Ngoài ra, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, cần ràng buộc trách nhiệm cá nhân trong quá trình chuyển giao công việc: Trước khi sáp nhập, lãnh đạo cơ quan phải phê duyệt danh sách công việc đang xử lý và phân công người phụ trách; Nếu có sai sót trong chuyển giao, cá nhân chịu trách nhiệm phải bị xem xét kỷ luật theo quy định.

 Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh.

Đồng quan điểm, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh nhận thấy, Điều 4 chưa làm rõ cơ quan mới được tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ có thể sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ mới như thế nào trong phạm vi pháp luật cho phép. Điều này có thể gây ra tình trạng chồng chéo hoặc thiếu nhất quán giữa các cơ quan sau sắp xếp. Đồng thời chưa quy định cơ chế hợp tác giữa cơ quan đã bị giải thể/sáp nhập và cơ quan tiếp nhận để xử lý các vấn đề tồn đọng.

Vì vậy, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị một số nội dung sau: Làm rõ phạm vi điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tiếp nhận. Theo đó, cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ có quyền tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu cần điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ mới, phải có quyết định của cấp có thẩm quyền. Sửa đổi quy định về số lượng cấp phó. Theo đó, trong thời gian không quá 5 năm, các cơ quan có số lượng cấp phó vượt quá quy định phải thực hiện lộ trình giảm cấp phó bằng các hình thức như tinh giản biên chế, điều chuyển công tác hoặc không bổ nhiệm mới khi có vị trí trống. Bổ sung cơ chế phối hợp giữa cơ quan cũ và cơ quan tiếp nhận.

Cần quy định có hiệu lực thi hành ngay khi Quốc hội thông qua Nghị quyết

Về hiệu lực thi hành tại Điều 15, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH TP Huế tán thành đối với thời gian Nghị quyết có hiệu lực là từ ngày 1 tháng 3 năm 2025. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, đối với lực lượng công an, hiện nay không tổ chức công an cấp huyện. Trong khi đó, theo quy định pháp luật về hình sự, lực lượng công an là cơ quan trực tiếp đầu tiên thực hiện những hoạt động tố tụng. “Nếu Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/3 thì thời gian còn rất ngắn để các cơ quan, Viện, Tòa thực hiện công việc tiếp theo và sẽ khó có sự điều chỉnh phù hợp với việc giải thể công an cấp huyện”, đại biểu nêu rõ. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị đối chiếu với hiệu lực Nghị quyết, cần có cơ chế đặc thù riêng để phục vụ cho hoạt động tố tụng.

 Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH TP. Huế.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH TP. Huế.

Trong khi đó, đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị cần quy định Nghị quyết này có hiệu lực thi hành ngay từ khi Quốc hội thông qua để tạo cơ sở pháp lý càng sớm càng tốt cho các cơ quan từ trung ương đến địa phương thực hiện việc sắp xếp và chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. sẵn sàng đi vào hoạt động ngay từ thời điểm có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Theo quan điểm của đại biểu Trần Nhật Minh, nếu thời điểm hiệu lực của Nghị quyết này là ngày 1/3/2025 thì sẽ là muộn, chưa đáp ứng được mục đích xây dựng Nghị quyết như Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Hơn nữa, việc quy định hiệu lực sớm của Nghị quyết này cũng phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Chính phủ về việc bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện tại Công văn số 05 ngày 12/1/2025. Theo đó, trong phần triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu bảo đảm ngay sau khi bế mạc kỳ họp Quốc hội, Tỉnh ủy, UBND cấp tỉnh công bố các quyết định về tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện để hoạt động ngay, không có khoảng trống pháp lý, liên tục, hiệu quả, hiệu lực.

 Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.

Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.

Đồng tình với ý kiến nêu trên và đề xuất của Ủy ban Pháp luật về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, nếu chờ tới ngày 1/3/2025 thì Nghị quyết mới có hiệu lực thi hành là chậm. Vì vậy, theo đại biểu, khi biểu quyết xong thì Nghị quyết có hiệu lực thi hành ngay.

Thiên An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xu-ly-kip-thoi-cac-van-de-phat-sinh-khi-thuc-hien-sap-xep-to-chuc-bo-may-nha-nuoc-post334544.html
Zalo