Xử lý cấp bách các 'điểm đen' giao thông
HNN - Trước hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra liên tiếp trong thời gian qua tại các nút giao trọng yếu và các lối mở dân sinh qua đường sắt, TP. Huế xác định đây là thời điểm bản lề để chấn chỉnh toàn diện công tác tổ chức và điều hành giao thông đô thị.
Lần đầu tiên, các “điểm đen” và “điểm tiềm ẩn” tai nạn được đưa vào danh mục xử lý bắt buộc, cùng hệ thống giải pháp công nghệ, chế tài và phân cấp trách nhiệm đến từng địa bàn.

Nút giao bắc cầu Dã Viên - nơi từng xảy ra tai nạn nghiêm trọng, cùng các vị trí, tuyến đường có nguy cơ cao sẽ được rà soát, điều chỉnh phương án phân luồng và tổ chức lại giao thông trong thời gian tới
Bất cập trong tổ chức giao thông đô thị
Dù không phải là đô thị có mật độ giao thông cao như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, nhưng TP. Huế vẫn đang đối mặt với nhiều bất cập trong tổ chức giao thông đô thị kéo dài. Các vấn đề như xung đột luồng tuyến, dừng đỗ tùy tiện, tín hiệu điều tiết thiếu đồng bộ và việc xử lý vi phạm chưa triệt để đã khiến giao thông trở nên phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân và du khách.
Việc dừng, đỗ xe sai quy định vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt tại các tuyến phố có mật độ giao thông cao như Bùi Thị Xuân, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Trần Thúc Nhẫn, Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo... Vỉa hè bị lấn chiếm, lòng đường bị thu hẹp, trong khi các bãi đỗ thu phí chưa phát huy hiệu quả. Không gian lưu thông ngày càng bị bóp nghẹt, khiến nguy cơ va chạm gia tăng và gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong kiểm tra, xử lý.
Không ít nút giao chưa có độ trễ pha đèn hợp lý, gây xung đột dòng xe và ùn tắc vào giờ cao điểm. Trên các trục đường trung tâm như Hùng Vương, Bà Triệu, Hà Nội…, tình trạng phương tiện rẽ đột ngột, không kiểm soát tiếp tục tái diễn, ảnh hưởng đến an toàn chung.
Dù thành phố đã triển khai mạng lưới camera giám sát và tích hợp ứng dụng Hue-S để tiếp nhận phản ánh, nhưng việc xử lý vi phạm giao thông vẫn còn nhiều hạn chế. Trong năm 2024, Trung tâm IOC ghi nhận gần 19 triệu lượt phản ánh hiện trường, hàng chục nghìn vi phạm bị phát hiện. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 9.000 trường hợp, chủ yếu liên quan xe máy chưa thể xử lý do vướng mắc trong xác minh danh tính, thiếu liên thông dữ liệu, hoặc phương tiện chưa sang tên. Công nghệ sẵn có nhưng hành lang pháp lý, cơ chế phối hợp và chế tài thực thi còn thiếu đồng bộ.
Những con số và dữ liệu không còn là cảnh báo xa vời, mà đã hiện hữu bằng các vụ tai nạn thương tâm gần đây. Đơn cử như vụ va chạm nghiêm trọng tại nút phía bắc cầu Dã Viên ngày 24/5, hay tai nạn chết người lúc rạng sáng 4/6 tại đường tránh phía Tây, tất cả cho thấy hệ thống giao thông đang đứng trước áp lực phải điều chỉnh khẩn cấp.
Chuyển từ phản ứng sang chủ động điều hành
Trước thực trạng tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng, đặc biệt trong quý II/2025 với nhiều vụ nghiêm trọng tại các nút giao trọng yếu, UBND thành phố đã chỉ đạo chấn chỉnh toàn diện công tác tổ chức và điều hành giao thông đô thị. Tại cuộc họp ngày 5/6, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Hải Minh đã kết luận và yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp từ hạ tầng, công nghệ đến chế tài.
Thành phố yêu cầu khẩn trương khảo sát, điều tra nguyên nhân các vụ tai nạn nghiêm trọng, xử lý nghiêm vi phạm; đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát, chấn chỉnh và phòng ngừa tái diễn. Công tác rà soát lực lượng cũng được đẩy mạnh để bổ sung nhân sự và phương tiện tại các điểm nóng như QL1, QL49, đường tránh phía Tây. Ứng dụng công nghệ là yêu cầu xuyên suốt, đặc biệt liên thông dữ liệu giữa hệ thống giám sát của địa phương với hệ thống quốc gia theo quy định Bộ Công an và thành phố.
Công an thành phố phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Trung tâm IOC và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát toàn diện hệ thống camera giao thông để điều chỉnh, bổ sung và nâng cao hiệu quả giám sát. Trọng điểm là các khu vực vừa khai thác như cầu Nguyễn Hoàng, tuyến Thủy Dương - Thuận An, cầu Lợi Nông, nút Đồng Khởi - Bùi Thị Xuân; cùng các công trình sắp vận hành như đường cứu hộ Phong Điền - Điền Lộc, cầu Thuận An... Đồng thời, tăng cường xử lý việc dừng, đỗ sai quy định, nhất là tại các khu vực đã có bãi đỗ như Bùi Thị Xuân (gần Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng), Lê Duẩn (phía bắc cầu Dã Viên), bến thuyền số 5 Lê Lợi. Sở KH&CN được giao chủ trì đề xuất phần mềm điều khiển đèn tín hiệu thông minh, có khả năng tự điều chỉnh theo lưu lượng phương tiện thực tế, từng bước hiện đại hóa công tác quản lý giao thông theo hướng chuẩn hóa và bền vững.
Đáng chú ý, tình trạng đỗ xe tràn lan trong nội thị được xác định là nguyên nhân trực tiếp gây mất an toàn giao thông. Thành phố chỉ đạo cấm đỗ dưới lòng đường ở các đoạn tuyến có bãi đỗ trong bán kính 300m như Lê Lợi (Trường Quốc học - cầu Ga), Bùi Thị Xuân (cầu Ga - cầu Lòn), khu vực quanh sân vận động Tự Do… Các biển cấm dừng, cấm đỗ sẽ được bổ sung đồng bộ, kết nối với hệ thống camera để hậu kiểm và xử phạt nghiêm theo quy định. Đặc biệt, rà soát và đưa các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông vào danh mục các công việc cấp bách cần thực hiện xử lý, đặc biệt các đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt, hoàn thành trong năm 2025...
Giao thông không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là thước đo năng lực quản trị đô thị. Cách thành phố chủ động nhìn thẳng vào thực trạng, xử lý tận gốc các nguy cơ, cho thấy quyết tâm xây dựng một đô thị kỷ cương, hiện đại, an toàn. Để chuyển biến này thực sự bền vững, cần sự đồng hành của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng văn hóa giao thông văn minh, trách nhiệm.