Lợi ích cá nhân phải phục tùng lợi ích của dân tộc

Trong dòng chảy phát triển không ngừng của đất nước hiện nay và sự chuyển dịch nhanh chóng về trật tự kinh tế-chính trị toàn cầu, vấn đề con người càng trở nên đặc biệt quan trọng - từ khát vọng, nhận thức, thái độ và hành động của mỗi cá nhân trước lợi ích chung của đất nước.

Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại Huế được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. (Ảnh: NGỌC MINH)

Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại Huế được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. (Ảnh: NGỌC MINH)

Trong đó, “lợi ích cá nhân phục tùng lợi ích dân tộc” không chỉ là mệnh lệnh đạo đức cách mạng mà còn là thước đo bản lĩnh chính trị, là nền tảng cho mọi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, dám hy sinh cái riêng vì cái chung, hy sinh cái ngắn hạn vì tương lai dài hạn của dân tộc sẽ là một phẩm chất cần thiết, tất yếu để chúng ta vững bước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong bất kỳ xã hội nào, sự cân bằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích quốc gia luôn là một vấn đề mang tính cốt lõi. Lợi ích cá nhân là động lực tự nhiên của con người trong cuộc sống. Ngược lại, lợi ích quốc gia là yếu tố bao trùm, thể hiện qua sự phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội của một đất nước.

Một quốc gia muốn phát triển bền vững cần tạo được sự hài hòa giữa lợi ích riêng của từng thành viên và lợi ích chung của cộng đồng. Sự cân bằng này không chỉ đảm bảo quyền lợi riêng-chung mà còn phản ánh tinh thần đoàn kết và trách nhiệm của mỗi cá nhân, tạo nền tảng xây dựng một xã hội công bằng, nhân văn và thịnh vượng.

Ý nghĩa của việc đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân

Kể từ khi lập nước, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải đặt lợi ích của cách mạng, lợi ích của Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân. Điều này, được Người giải thích rất rõ trong “Bài nói tại buổi bế mạc lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính các cơ quan trung ương” như sau: “Mọi người nhận rõ lợi ích chung của dân tộc phát triển và củng cố thì lợi ích riêng của cá nhân mới có thể phát triển và củng cố. Cho nên lợi ích cá nhân ắt phải phục tùng lợi ích của dân tộc, chứ quyết không thể đặt lợi ích cá nhân trên lợi ích dân tộc. Đó là một tiến bộ”.

Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Người khẳng định: “Trong chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là chế độ do nhân dân lao động làm chủ, thì mỗi người là một bộ phận của tập thể, giữ một vị trí nhất định và đóng góp một phần công lao trong xã hội. Cho nên lợi ích cá nhân là nằm trong lợi ích của tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể. Lợi ích chung của tập thể được bảo đảm thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện để được thỏa mãn. Lợi ích của cá nhân gắn liền với lợi ích của tập thể. Nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể”.

Một xã hội mà lợi ích quốc gia được đặt lên hàng đầu sẽ tạo ra tinh thần trách nhiệm tập thể, nơi mọi người ý thức rõ rằng, sự phát triển bền vững của quốc gia cũng chính là bảo đảm cho tương lai của bản thân và thế hệ sau. Chẳng hạn, trong bối cảnh hiện nay, các quyết định đòi hỏi sự hy sinh từ mỗi cá nhân vì lợi ích quốc gia, như giảm tiêu thụ năng lượng, bảo vệ nguồn nước hay hạn chế sử dụng nhựa.

Những hành động này, mặc dù có thể làm giảm sự tiện nghi trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người, nhưng lại đóng góp vào việc bảo vệ tài nguyên và tương lai cho cả dân tộc. Một quốc gia chỉ có thể mạnh mẽ khi các cá nhân biết vượt qua những khác biệt nhỏ nhặt để cùng nhau đối mặt với thách thức lớn hơn, như phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường hay đảm bảo an ninh quốc gia.

Khi lợi ích quốc gia được đặt lên trên lợi ích cá nhân, trở thành một động lực mạnh mẽ để gắn kết các thành viên trong xã hội, bất kể họ thuộc tầng lớp, dân tộc hay tôn giáo nào. Sự ưu tiên này khuyến khích mọi người cùng hướng tới một mục tiêu chung, thay vì chỉ tập trung vào quyền lợi riêng. Việc đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân là biểu hiện của lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.

Khi mỗi cá nhân nhận thức được rằng những đóng góp của mình, dù nhỏ bé, đều góp phần vào sự thịnh vượng và vị thế của đất nước trên trường quốc tế, họ sẽ cảm thấy tự hào về vai trò của mình trong xã hội. Niềm tự hào này không chỉ nuôi dưỡng tình yêu đối với quê hương mà còn tạo nên động lực để các thế hệ kế tiếp tiếp tục cho đất nước. Tinh thần trách nhiệm cũng là một khía cạnh quan trọng được hình thành khi cá nhân đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích riêng.

Đối với dân tộc Việt Nam, những cuộc chiến tranh giành độc lập là minh chứng rõ ràng nhất cho tinh thần hy sinh vì lợi ích quốc gia. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hàng triệu người con ưu tú đã sẵn sàng từ bỏ cuộc sống yên bình, từ biệt gia đình để lên đường chiến đấu vì sự tự do của Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, là biểu tượng sáng ngời cho sự hy sinh cá nhân vì lợi ích lớn lao của đất nước. Cả cuộc đời Người đã cống hiến cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Trong Di chúc (1969), Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Không chỉ trong chiến tranh, thời bình cũng có những cá nhân và tập thể cống hiến quên mình vì lợi ích quốc gia.

Thí dụ, trong thời kỳ xây dựng và phát triển kinh tế sau chiến tranh, nhiều người đã tình nguyện làm việc ở những vùng sâu, vùng xa để đưa ánh sáng văn hóa, giáo dục và y tế đến những nơi khó khăn. Các bác sĩ, kỹ sư, giáo viên... chấp nhận hy sinh cơ hội phát triển cá nhân ở những đô thị lớn để phục vụ cộng đồng ở những nơi còn nghèo khó, lạc hậu. Hành động của họ không chỉ cải thiện cuộc sống của hàng triệu người dân mà còn góp phần tạo nên sự phát triển đồng đều trên toàn quốc.

Những thách thức cần được hóa giải

Việc đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân là một nguyên tắc quan trọng để xây dựng xã hội, những khác biệt về quan điểm, lợi ích và nhận thức giữa cá nhân và tập thể chính là thách thức lớn đối với quá trình thực thi nguyên tắc này. Trong đó, mâu thuẫn giữa quyền lợi cá nhân và lợi ích chung là một trong những thách thức nổi bật nhất khi đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân. Mỗi cá nhân trong xã hội đều có những nhu cầu, mong muốn và mục tiêu riêng.

Những lợi ích này không phải lúc nào cũng phù hợp hoặc tương thích với các mục tiêu và chiến lược phát triển quốc gia. Cụ thể như, trong các dự án phát triển hạ tầng lớn như xây dựng đường cao tốc, sân bay hoặc khu công nghiệp, quyền lợi của người dân ở khu vực bị giải tỏa thường bị ảnh hưởng.

Họ có thể mất đất đai, nhà cửa hoặc phải di dời khỏi nơi sinh sống quen thuộc. Dù chính phủ cam kết bồi thường và hỗ trợ , nhiều người vẫn cảm thấy thiệt thòi hoặc không hài lòng, dẫn đến mâu thuẫn và phản đối.

Ở góc độ quốc gia, các dự án này là cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống chung. Tuy nhiên, ở góc độ cá nhân, điều này lại mang đến những tác động trực tiếp tới quyền lợi riêng, dẫn đến những xung đột khó tránh khỏi. Hay như, việc áp dụng các chính sách công ích, như tăng thuế để đầu tư vào giáo dục, y tế hoặc , cũng thường gây ra tranh cãi.

Nhiều người cảm thấy gánh nặng tài chính lớn hơn mà không thấy rõ lợi ích trực tiếp cho bản thân. Điều này cho thấy rằng, để giải quyết mâu thuẫn giữa quyền lợi cá nhân và lợi ích chung, cần có sự minh bạch, đối thoại và đồng thuận giữa các bên liên quan. Khi cá nhân hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của các chính sách này đối với sự phát triển quốc gia, họ sẽ sẵn lòng hợp tác và chấp nhận những hy sinh cần thiết.

Ý thức cộng đồng cũng là yếu tố quan trọng để mỗi cá nhân hiểu rằng họ không chỉ sống cho bản thân mà còn là một phần của xã hội, nơi mọi hành động đều có ảnh hưởng đến lợi ích chung. Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được điều này.

Trong một xã hội đa dạng, nhiều người chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân mà không nghĩ đến tác động lâu dài từ những hành động của mình đối với cộng đồng. Thí dụ, hành vi xả rác bừa bãi, sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách lãng phí hoặc trốn thuế không chỉ ảnh hưởng đến môi trường và ngân sách quốc gia mà còn làm suy yếu tinh thần trách nhiệm xã hội.

Ngoài ra, nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích quốc gia cũng là một trở ngại lớn. Một số người có thể cho rằng việc hy sinh lợi ích cá nhân để đóng góp vào các mục tiêu lớn lao hơn là không cần thiết hoặc không mang lại lợi ích cụ thể. Điều này thường bắt nguồn từ sự thiếu thông tin hoặc hiểu lầm về các chính sách và mục tiêu phát triển.

Thí dụ, trong các phong trào bảo vệ môi trường toàn cầu, không ít người dân vẫn hoài nghi về tính cấp bách của biến đổi khí hậu, dẫn đến việc họ từ chối thay đổi thói quen sống để bảo vệ hành tinh.

Để giải quyết vấn đề này, cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và truyền thông. Khi mỗi người được trang bị đầy đủ kiến thức và thông tin, họ sẽ nhận ra rằng những hành động nhỏ của mình, như tiết kiệm năng lượng, tuân thủ luật pháp hay tham gia các hoạt động cộng đồng, đều góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia.

Bên cạnh đó, khi lợi ích cá nhân được đặt lên trên lợi ích quốc gia một cách thái quá, xã hội sẽ đối mặt với nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nếu mỗi người chỉ tập trung vào mục tiêu riêng mà không quan tâm đến tác động của mình đối với xã hội, khoảng cách giàu nghèo sẽ gia tăng, cơ hội tiếp cận các nguồn lực và dịch vụ công sẽ không được chia sẻ công bằng. Hơn nữa, sự ưu tiên lợi ích cá nhân có thể làm suy yếu tinh thần đoàn kết và trách nhiệm cộng đồng.

Một xã hội mà mỗi người chỉ hành động vì bản thân sẽ thiếu đi sự kết nối, đồng lòng để đối mặt với những thách thức lớn như thiên tai, dịch bệnh hay xung đột quốc tế.

Thí dụ, trong đại dịch Covid-19, những người từ chối tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang hoặc tiêm vaccine không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn làm tăng nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Đây là minh chứng rõ ràng cho hậu quả của việc đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích chung.

Khuyến khích cá nhân vì sự phát triển quốc gia

Giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và tinh thần trách nhiệm đối với đất nước là nền tảng vững chắc để xây dựng nhận thức và thái độ của mỗi cá nhân đối với quốc gia và cộng đồng. Khi được trang bị đầy đủ kiến thức và nhận thức, mỗi cá nhân sẽ nhận ra rằng hy sinh một phần lợi ích cá nhân không chỉ là trách nhiệm mà còn là cách để góp phần xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Một chính sách khuyến khích cá nhân đóng góp vào lợi ích chung cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cá nhân cống hiến vì lợi ích quốc gia, tạo động lực để cá nhân tự nguyện tham gia vào các hoạt động phát triển đất nước.

Cần xây dựng các chính sách công bằng và minh bạch, đảm bảo rằng những đóng góp của cá nhân được ghi nhận và đánh giá đúng mức. Điều này không chỉ khuyến khích hành vi tích cực mà còn tạo niềm tin rằng mỗi hành động của cá nhân đều mang lại giá trị cho cộng đồng.

Cần tạo ra các cơ hội để cá nhân tham gia đóng góp vào lợi ích chung. Các chương trình quốc gia như xây dựng nông thôn mới, cải thiện y tế cộng đồng hay thúc đẩy chuyển đổi số cần được thiết kế sao cho mỗi người dân, bất kể trình độ hay điều kiện thế nào, đều có thể tham gia. Sự tham gia này không chỉ giúp cá nhân cảm thấy mình có vai trò trong xã hội mà còn thúc đẩy sự gắn kết giữa các tầng lớp dân cư.

Việc tôn vinh và khen thưởng những cá nhân, tập thể có đóng góp xuất sắc vào sự phát triển quốc gia là một cách khuyến khích mạnh mẽ. Những giải thưởng quốc gia, danh hiệu vinh danh hoặc các hình thức công nhận khác sẽ trở thành động lực để người dân cống hiến nhiều hơn. Đồng thời, nó cũng tạo ra một xã hội, trong đó việc hy sinh lợi ích cá nhân vì cộng đồng được coi trọng và khuyến khích.

Lãnh đạo, truyền thông và các tổ chức xã hội có vai trò không thể thiếu trong việc lan tỏa tinh thần hy sinh vì lợi ích quốc gia. Những người lãnh đạo từ các cấp, từ chính phủ đến doanh nghiệp, cần đóng vai trò làm gương, thể hiện sự cam kết và tinh thần cống hiến trong hành động của mình. Khi lãnh đạo thể hiện trách nhiệm cao đối với quốc gia và cộng đồng, họ sẽ truyền cảm hứng và khuyến khích người khác làm theo.

Truyền thông, với sức mạnh lan tỏa, là công cụ hữu hiệu để nâng cao nhận thức cộng đồng và cổ vũ tinh thần yêu nước. Các chiến dịch truyền thông xã hội, phim tài liệu, bài viết hoặc các chương trình phát thanh, truyền hình về những câu chuyện cống hiến vì đất nước có thể tạo ra hiệu ứng tích cực trong dư luận.

Thí dụ, việc lan tỏa hình ảnh của những y bác sĩ hy sinh bản thân để chống dịch đã khơi dậy trong cộng đồng niềm tự hào và cảm kích sâu sắc, thúc đẩy nhiều người cùng chung tay chống dịch. Các đoàn thể, tổ chức xã hội… cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động cộng đồng.

Thông qua các chương trình như hiến máu nhân đạo, hỗ trợ đồng bào lũ lụt hay bảo vệ di sản văn hóa, các tổ chức này không chỉ tạo cơ hội để mọi người đóng góp mà còn xây dựng được một môi trường khuyến khích sự gắn kết và cống hiến.

Trong một xã hội phát triển, việc cân bằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích quốc gia là yếu tố then chốt để xây dựng một nền tảng vững mạnh, bền vững cho quốc gia. Do đó, việc xây dựng các chính sách hợp lý, khuyến khích sự tham gia của cá nhân vào các hoạt động có lợi cho quốc gia, là hết sức cần thiết. Chỉ khi mỗi công dân nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình đối với sự phát triển quốc gia, đất nước mới có thể phát triển mạnh mẽ, vững chắc và toàn diện.

TRẦN NGUYÊN HỘI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/loi-ich-ca-nhan-phai-phuc-tung-loi-ich-cua-dan-toc-post891577.html
Zalo