Xu hướng xung đột Nga - Ukraine năm 2025: Đàm phán hay giao tranh càng ác liệt?

Quân đội Nga đang cố gắng tiến lên ở mọi mặt trận. Xét cả lý do khách quan và chủ quan, Ukraine hiện không thể chặn đà tiến của Nga, hoặc nắm thế chủ động trên tiền tuyến.

Xung đột Nga - Ukraine trong năm 2024 đã diễn ra theo hướng không có lợi cho Kiev. Sự chậm trễ trong hoạt động viện trợ từ đồng minh chính như Mỹ, kết hợp với các vấn đề trong nội bộ quân đội Ukraine đã ngăn cản sức kháng cự trước đòn tấn công của Nga. Trái lại, các lực lượng Nga đã triển khai tấn công trên mọi mặt trận, và đạt được những bước tiến quan trọng.

Gần đây, hầu hết các nhà lãnh đạo phương Tây đều tỏ ra nghi ngờ khả năng Ukraine có thể dùng vũ lực để giành lại toàn bộ lãnh thổ mà Nga đang nắm quyền kiểm soát, từ đó kêu gọi Kiev tiến tới đàm phán hòa bình với Moscow. Ý tưởng này cũng đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhóm của ông nêu rõ. Thậm chí, sau lễ nhậm chức hôm 20/1, ông Trump đã đưa ra “tối hậu thư” rằng nếu Nga không chấm dứt xung đột ở Ukraine và đạt được một “thỏa thuận”, ông sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới, và thuế nhập khẩu cao đối với Moscow.

Binh sĩ Ukraine bắn pháo tự hành 2S1 về phía thị trấn Horlivka, nơi Nga đang nắm quyền kiểm soát. Ảnh: Kyiv Independent

Binh sĩ Ukraine bắn pháo tự hành 2S1 về phía thị trấn Horlivka, nơi Nga đang nắm quyền kiểm soát. Ảnh: Kyiv Independent

Thực tế, việc Ukraine sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi đưa biên giới trở lại trạng thái như năm 1991 cũng dần biến mất khỏi tuyên bố từ các đại diện của chính phủ Ukraine. Giới chức Ukraine cũng đã thận trọng bày tỏ mong muốn đàm phán. Điển hình, sau một cuộc trò chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Trump cho hay Kiev đã sẵn sàng thực hiện một thỏa thuận để chấm dứt giao tranh. Về phần mình, sau cuộc gặp với ông Trump, Tổng thống Zelensky cũng cho hay Ukraine đang tìm kiếm một nền hòa bình công bằng, và các đảm bảo an ninh mạnh mẽ để ngăn Nga quay trở lại tấn công.

Tuy nhiên, có 3 yếu tố quan trọng cần xem xét. Thứ nhất, Ukraine có thể nhận được những đảm bảo an ninh nào trong trường hợp chấm dứt xung đột. Thứ hai, liệu Nga có sẵn sàng đàm phán hay không. Thứ ba, liệu Mỹ có sẵn sàng triển khai các biện pháp này hay không.

Theo RBC-Ukraine, từ những yếu tố trên có thể dự đoán 5 kịch bản cho xu hướng xung đột Nga - Ukraine trong năm nay.

Kịch bản đầu tiên, ông Trump không gây sức ép buộc Nga đàm phán để chuyển trọng tâm sang các vấn đề trong nước của Mỹ. Viện trợ cho Ukraine cũng sẽ bị trì trệ, hoặc giảm sút. Từ đó, Kiev sẽ tiếp tục thất thế, và Nga sẽ giành thêm được các vùng lãnh thổ ở Ukraine. Điều đó đồng nghĩa cuộc chiến khốc liệt sẽ còn kéo dài đến năm 2026.

Kịch bản thứ hai, Mỹ thành công trong việc đưa tất cả các bên vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, Nga chỉ tỏ ra sẵn sàng chấm dứt xung đột, nhưng tận dụng khoảng thời gian đàm phán để tiếp tục tấn công, và giành thêm lãnh thổ ở Ukraine. Trong khi đó, sự chú ý và các khoản viện trợ cho Ukraine sẽ giảm dần. Điều này có nghĩa giao tranh vẫn tiếp diễn, và Ukraine tiếp tục mất thêm lãnh thổ.

Kịch bản thứ nhất và thứ hai được đưa ra dựa trên thực tế Nga đang chiếm ưu thế trên các mặt trận. Mặc dù quân đội Nga đang tiến quân với chi phí cao, nhưng họ vẫn đạt được tiến bộ nhất quán. Theo RBC-Ukraine, Nga đã tuyển được 430.000 tình nguyện viên trong năm 2024, và có kế hoạch tuyển 450.000 người năm nay.

Song có ý kiến phản đối hai kịch bản trên, bởi chấm dứt xung đột ở Ukraine đã là một trong những mục tiêu chính được ông Trump nêu ra ngay từ khi tiến hành chiến dịch tranh cử tổng thống. Ngoài ra, nhóm của ông Trump cũng cho biết Tổng thống hiện có kế hoạch đảm bảo "hòa bình thông qua sức mạnh".

Lính Nga chiến đấu ở Ukraine. Ảnh: Sputink

Lính Nga chiến đấu ở Ukraine. Ảnh: Sputink

Kịch bản thứ ba, ông Trump không thể thuyết phục Nga ngồi vào bàn đàm phán. Thay vào đó, Mỹ sẽ tăng mạnh viện trợ, và cung cấp vũ khí cho Ukraine. Kết quả là đến giữa năm 2025, Ukraine chuyển từ phòng thủ sang tiến hành chiến dịch tấn công, từ đó cải thiện vị thế đàm phán. Sau đó, các cuộc đàm phán lại được đưa vào chương trình nghị sự. Theo kịch bản này, tình trạng giao tranh có thể kết thúc vào cuối năm 2025, hoặc kéo dài đến năm 2026.

Kịch bản thứ tư, Mỹ thành công đưa Nga và Ukraine vào bàn đàm phán, nhưng đồng thời giao tranh vẫn tiếp diễn. Song Ukraine sẽ có thêm nguồn lực cho hoạt động tấn công. Nếu các lực lượng Kiev thành công triển khai một chiến dịch, vị thế đàm phán của họ sẽ được cải thiện. Từ đó xung đột có thể kết thúc vào cuối năm 2025, hoặc kéo dài đến năm 2026.

Kịch bản thứ năm, ông Trump thuyết phục thành công Nga và Ukraine đàm phán, và giao tranh cũng chấm dứt trong thời gian này. Đến cuối năm nay, Ukraine, Nga và các bên trung gian sẽ nhất trí về nội dung trong một hiệp ước hòa bình, hoặc đóng băng xung đột.

Trên thực tế, CNN từng đưa tin nhóm của Tổng thống Trump có thể yêu cầu Nga và Ukraine triển khai lệnh ngừng bắn tạm thời khi nhận thấy đàm phán trở nên khả thi. Hơn nữa, Nga cũng phải đối mặt với các vấn đề nội bộ thúc đẩy họ chấm dứt tình trạng thù địch với Ukraine. Bởi ngay cả khi chỉ giành được những vùng lãnh thổ nhỏ ở Ukraine, Nga cũng phải chịu tổn thất về nhân lực, tài nguyên, và kinh tế. Ngoại trừ dầu mỏ, hầu hết các ngành công nghiệp của Nga đều không có lãi. Khoảng 40% ngân sách của Nga sẽ được dành cho các khoản chi tiêu thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, và cho quốc phòng trong năm 2025.

Cũng theo RBC-Ukraine, Moscow dường như đã đặt ra thời hạn cho riêng mình. Thời hạn này có thể là sau lễ nhậm chức của ông Trump, các cuộc đàm phán sẽ được bắt đầu. Còn hiện tại, quân đội Nga sẽ cố gắng đạt được càng nhiều lợi ích trên các mặt trận càng tốt để có thêm đòn bẩy trong đàm phán tiềm năng.

Minh Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/xu-huong-xung-dot-nga-ukraine-nam-2025-dam-phan-hay-giao-tranh-cang-ac-liet-2365951.html
Zalo