Xu hướng kinh tế xanh, tốt nghiệp ngành Kinh tế phát triển cơ hội việc làm lớn
Được đào tạo kiến thức sát với thực tế, sinh viên ngành Kinh tế phát triển có cơ hội việc làm đa dạng tại nhiều khu vực trong và ngoài nước.
Ngành Kinh tế phát triển tích hợp kiến thức từ kinh tế học, xã hội học và các lĩnh vực liên quan nhằm giải quyết bất bình đẳng kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng bền vững thông qua thương mại và viện trợ quốc tế.
Đây là một nhánh chuyên sâu của Kinh tế học, tập trung vào vấn đề phát triển của các quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi. Với nhu cầu nhân lực ngày càng cao, sinh viên tốt nghiệp ngành này có cơ hội làm việc đa dạng ở cả khu vực công và khu vực tư.
Sự khác biệt giữa Kinh tế phát triển và Kinh tế học nói chung
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa, Khoa Kế hoạch và Phát triển, Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Kinh tế phát triển là một nhánh của Kinh tế học, tập trung vào việc cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội và thể chế tại những quốc gia đang phát triển. Lĩnh vực này nghiên cứu nhiều yếu tố như phân phối thu nhập, xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng, cùng với các chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững".
Đồng thời, thầy Sơn chỉ ra sự khác biệt chính giữa ngành Kinh tế phát triển và ngành Kinh tế học nói chung nằm ở trọng tâm nghiên cứu và phạm vi ứng dụng.

Kinh tế phát triển khác biệt với Kinh tế học nói chung ở trọng tâm nghiên cứu và phạm vi ứng dụng. (Ảnh: Phương Thảo)
Theo thầy Sơn thông tin, ngành Kinh tế phát triển tại Trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế Quốc dân được được thiết kế theo hướng tích hợp hệ thống kiến thức liên ngành và cập nhật liên tục.
Các kiến thức nền tảng (đại cương) về kinh tế học được xây dựng bài bản. Sau đó, khối kiến thức nền tảng và chuyên sâu về Kinh tế phát triển được xây dựng và phát triển theo lộ trình phù hợp cho người học.
“Chương trình đào tạo ngành Kinh tế phát triển của trường được cập nhật theo xu hướng và chuẩn mực quốc tế từ các đại học danh tiếng trên thế giới.
Đội ngũ giảng viên là những chuyên gia, nhà khoa học giàu kinh nghiệm, được đào tạo từ nhiều cơ sở giáo dục uy tín trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, chương trình còn có sự tham gia giảng dạy của các nhà nghiên cứu, chuyên gia quốc tế, mang đến góc nhìn đa chiều và thực tiễn cho sinh viên.
Mặt khác, hoạt động liên kết với doanh nghiệp, tổ chức và địa phương cũng được nhà trường chú trọng. Hàng năm, nhà trường đều tổ chức nhiều hoạt động cho sinh viên đi thực tế tại doanh nghiệp hoặc địa phương. Điều này giúp người học hiểu rõ hơn về quá trình vận hành và thực tiễn của các hoạt động có liên quan đến ngành học.
Bên cạnh đó, với bối cảnh Việt Nam vẫn là một quốc gia đang phát triển, nhu cầu nhân lực trong ngành Kinh tế phát triển ngày càng tăng, tạo ra nhiều cơ hội cho sinh viên theo học ngành này”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn cho biết.
Mặc dù có nhiều thuận lợi, song hoạt động đào tạo ngành Kinh tế phát triển trong nhà trường cũng phải đối mặt với một số thách thức. Trước hết, việc tích hợp liên ngành đòi hỏi sự cân bằng giữa kiến thức kinh tế học, xã hội học và công nghệ nhằm giải quyết hiệu quả những vấn đề phát triển phức tạp.
Hơn nữa, ứng dụng thực tiễn vẫn cần được tăng cường thông qua các cơ hội thực tập, nghiên cứu tình huống và làm việc thực địa để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong bối cảnh kinh tế - xã hội không ngừng thay đổi.
Ngoài ra, tính toàn cầu trong đào tạo cũng là một yếu tố quan trọng, đòi hỏi chương trình học phải được cập nhật liên tục nhằm tăng cường sự kết nối giữa bối cảnh phát triển trong nước và quốc tế, giúp sinh viên có góc nhìn rộng mở và khả năng thích ứng cao hơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Khoa Kế hoạch và Phát triển, Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: website nhà trường)
Trong khi đó, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn An Thịnh, Trưởng khoa, Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Ngành học này tập trung vào nghiên cứu và khám phá, giải thích sự tăng trưởng và xu hướng phát triển của các nền kinh tế.
Qua quá trình tìm hiểu, phân tích, ngành nghề sẽ giúp sinh viên biết được cơ sở lý thuyết và thực tiễn về sự phát triển kinh tế quốc tế, điều mà các quốc gia đang trên đà phát triển có thể nhìn vào để cải thiện những gì mình còn thiếu sót. Từ đó tìm ra đúng lối đi riêng giúp kinh tế đất nước phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa”.
Thầy Thịnh thông tin thêm, mục tiêu của chương trình đào tạo ngành học này tại nhà trường là đào tạo cử nhân Kinh tế phát triển với định hướng trở thành cán bộ lãnh đạo trong tổ chức công và doanh nghiệp, chuyên gia phân tích dữ liệu kinh tế và chính sách, chuyên gia hoạch định chính sách và phát triển, cũng như chủ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Một trong những điểm mạnh về ngành Kinh tế phát triển của nhà trường là cấu trúc chương trình đào tạo và các học phần được tham khảo từ chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao ngành Kinh tế và Phát triển quốc tế của Đại học Sussex (Vương quốc Anh).
Bên cạnh được học chương trình đào tạo có tính liên ngành rộng và chuyên ngành sâu, sinh viên có thể lựa chọn cơ hội học tập chuyên ngành, thực tập năm 3, niên luận và khóa luận tốt nghiệp theo 5 chuyên ngành: Phân tích dữ liệu kinh tế và chính sách; Kinh tế tài nguyên, môi trường và bất động sản; Kinh tế du lịch và dịch vụ; Kinh tế đầu tư và phát triển; Hệ thông tin kinh tế và khoa học dữ liệu.

Sinh viên khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia lớp học về mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. (Ảnh: website nhà trường)
Song song với đó, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai nhiều hoạt động thực hành, thực tế với doanh nghiệp trong đào tạo sinh viên ngành Kinh tế phát triển nhằm trang bị kiến thức thực tế và kỹ năng nghề nghiệp cần thiết.
“Qua kết quả khảo sát của nhà trường tại các doanh nghiệp tuyển dụng đối với sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế phát triển cho thấy nhu cầu cao.
Chuẩn đầu ra về kiến thức và kỹ năng của sinh viên được đánh giá là phù hợp và cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Các tiêu chí liên quan đến hoạt động giảng dạy cũng được nhận định là hợp lý và quan trọng trong quá trình đào tạo.
Đồng thời, các điều kiện đảm bảo chất lượng giảng dạy cũng được xem là yếu tố thiết yếu, góp phần nâng cao hiệu quả học tập và chuẩn bị tốt cho sinh viên trước khi gia nhập thị trường lao động”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn An Thịnh cho hay.
Cơ hội việc làm đa dạng trong từng khu vực cụ thể
Nhận định về cơ hội việc làm và triển vọng nghề nghiệp của ngành Kinh tế phát triển, Trưởng khoa, Khoa Kế hoạch và Phát triển, Trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng sinh viên tốt nghiệp ngành này sẽ có nhiều cơ hội việc làm trong từng khu vực cụ thể.
Trong khu vực công, sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc như nhà phân tích chính sách kinh tế, lập kế hoạch phát triển hoặc tham gia vào các bộ ngành tập trung vào một số vấn đề như xóa đói giảm nghèo, thương mại, cơ sở hạ tầng và giáo dục.
Trong tổ chức quốc tế, các bạn có thể công tác tại Ngân hàng Thế giới; Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP); các ngân hàng phát triển khu vực; OXFAM - một liên minh quốc tế của 20 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công; Cơ quan Liên hợp quốc vì bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women); triển khai chương trình/dự án phát triển và tư vấn chính sách.
Tại các tổ chức phi chính phủ (NGO), cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế phát triển bao gồm quản lý dự án và đánh giá chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khu vực tư nhân, người học sau tốt nghiệp có thể làm việc trong lĩnh vực tư vấn hoặc phân tích tại các công ty về phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, hoặc thị trường mới nổi.
Thậm chí, trong học thuật và nghiên cứu, các bạn có thể tham gia giảng dạy và nghiên cứu những vấn đề phát triển tại cơ sở giáo dục đại học hoặc viện nghiên cứu.
Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn An Thịnh đánh giá: “Với sự phát triển của xu hướng kinh tế xanh, kinh tế môi trường, kinh tế tài nguyên được đặt trong mục tiêu phát triển bền vững, sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế phát triển đang nắm trong tay cơ hội có việc làm đúng xu thế.
Tốt nghiệp ngành này các bạn có thể làm việc tại những tập đoàn kinh tế trong nước và quốc tế, cũng như tại những doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần vào sự phát triển kinh tế của doanh nghiệp và xã hội. Ngoài ra, bạn có thể tham gia vào các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và cơ quan phát triển quốc tế, nơi đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định và thực hiện chương trình phát triển.
Bên cạnh đó, sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế phát triển cũng có thể công tác tại các tổ chức công và cơ quan quản lý nhà nước, góp phần vào việc xây dựng và thực thi chính sách kinh tế.
Đối với những ai đam mê nghiên cứu và giảng dạy, có thể theo đuổi sự nghiệp tại viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước. Mặt khác, với nền tảng kiến thức vững chắc về kinh tế và phát triển, sinh viên tốt nghiệp còn có thể khởi nghiệp và xây dựng doanh nghiệp của riêng mình".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn An Thịnh, Trưởng khoa Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: NVCC)
Dưới góc nhìn của người học, Vũ Minh Hoàng, cựu sinh viên ngành Kinh tế Phát triển tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã có hơn 3 năm làm việc trong ngành Kinh tế phát triển với vai trò vừa là trợ lý nghiên cứu tại một viện nghiên cứu độc lập vừa là cán bộ giám sát và đánh giá tại một tổ chức phi chính phủ quốc tế cho hay: “Nếu có kỹ năng và định hướng rõ ràng, sinh viên tốt nghiệp có thể tìm được cơ hội tốt bởi hiện tại ngành Kinh tế phát triển đã và đang thực hiện đào tạo những kiến thức rất sát với thực tế, phù hợp cho môi trường làm việc trong cả khu vực công và tư. Mức lương khởi điểm của cử nhân ngành này có thể dao động từ 8-15 triệu đồng/tháng tùy theo tổ chức và vị trí công việc”.
Bằng kinh nghiệm và trải nghiệm của mình, Minh Hoàng cho rằng, sinh viên ngành Kinh tế phát triển cần có tư duy phân tích, khả năng làm việc độc lập và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Hơn nữa, khả năng giao tiếp, làm việc nhóm và thích ứng với môi trường đa văn hóa cũng rất quan trọng. Trong bối cảnh hội nhập, ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) và kỹ năng số cũng là những yếu tố giúp người học có thêm lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động.
Mặt khác, sinh viên theo đuổi ngành này nên tập trung vào việc phát triển tư duy phản biện, nâng cao kỹ năng thực hành thông qua các dự án thực tế và chủ động tìm kiếm cơ hội học tập, nghiên cứu quốc tế bên cạnh chương trình chính khóa tại trường.