Xót xa di tích cách mạng đình làng Long Linh Ngoại
Nằm trong cụm di tích cách mạng Long Linh xã Thọ Trường (nay là xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân) đình làng Long Linh Ngoại (đình làng Long Linh) từng là địa điểm tập hợp quần chúng đấu tranh cho phong trào cách mạng suốt giai đoạn từ năm 1930-1945; nơi ghi nhận nhiều sự kiện đấu tranh cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân Long Linh. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây cũng là địa điểm sinh hoạt của một một vùng hậu phương tiêu biểu... Vậy nhưng, đứng trước hiện trạng di tích hôm nay, người ghé thăm không khỏi xót xa.
Theo các tài liệu lưu giữ tại địa phương và lưu truyền, đình làng Long Linh Ngoại được khởi dựng thời Nguyễn trên khu đất cao giữa làng. Ban đầu, đình mang đặc trưng kiến trúc đình làng thời Nguyễn: Mái đình lợp ngói mũi, bờ nóc trang trí lưỡng long; bên trong các vì kèo kết cấu kiểu “giá chiêng, kẻ chuyền”, được chạm khắc hoa lá, vân mây, rồng, phượng... Bên ngoài là cột nanh, phía trước đình là ao rộng... Đình làng Long Linh Ngoại là không gian văn hóa truyền thống, một thuở từng là niềm tự hào của người dân địa phương.
Trong những năm tiền khởi nghĩa, đình làng Long Linh Ngoại gắn bó với quá trình đấu tranh cách mạng của người dân địa phương. Suốt thời kỳ 1930-1945 đình làng là nơi diễn ra hoạt động đấu tranh đòi bãi bỏ các hủ tục, đóng góp, thuế khóa, phạt vạ nặng nề...
Đặc biệt, tại đình làng Long Linh Ngoại, các tổ chức và lực lượng cách mạng đã nhiều lần tổ chức hội họp, mít tinh đòi dân chủ. Và khi phong trào cách mạng địa phương bị địch khủng bố, nhà của đồng chí Trịnh Khắc Sản (làng Long Linh Ngoại) không còn an toàn thì đình làng Long Linh Ngoại vẫn là nơi để cán bộ cách mạng bí mật gặp gỡ, liên hệ với nhau.
Đáng tiếc, năm 1975, địa phương đã cải tạo đình làng Long Linh Ngoại thành nhà truyền thống khiến cho diện mạo bên ngoài lẫn kiến trúc gỗ bên trong ngôi đình thời Nguyễn hầu hết đã bị thay đổi. Tuy nhiên, đây vẫn là nơi lưu dấu ấn về một thời cách mạng sôi nổi của địa phương nói riêng, phong trào cách mạng của huyện, của tỉnh nói chung.
Với những giá trị văn hóa, lịch sử và cách mạng lưu dấu, đình làng Long Linh Ngoại đã được xếp hạng - nằm trong cụm di tích cách mạng Long Linh. Tuy nhiên, hàng chục năm qua, di tích đình làng Long Linh Ngoại đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Người già, trẻ nhỏ trong làng thậm chí không dám ghé thăm vì nguy hiểm.
Ông Trịnh Danh Huyên, người trông coi di tích suốt nhiều năm, chia sẻ: “Khi chúng tôi còn trẻ, dù đình làng đã được “cải tạo” thành nhà truyền thống song vẫn diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi của địa phương. Tuy nhiên, trải qua thời gian, di tích xuống cấp không được trùng tu kịp thời đã dẫn đến hiện trạng hôm nay. Vì xuống cấp nghiêm trọng nên người trong làng ít lui đến đây, từ đó mà di tích càng trở nên quạnh vắng.
Ông Nguyễn Duy Tính, Trưởng thôn Long Linh Ngoại 1, cho biết: "Trước đây ở đình làng - tức nhà truyền thống còn trưng bày các hiện vật thời chiến, bằng khen, giấy khen, là nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống cho thế hệ cháu con... Trước hiện trạng xuống cấp nghiêm trọng của di tích, trong các kỳ tiếp xúc cử tri, người làng Long Linh Ngoại cũng đã đề nghị với xã và các cấp về việc trùng tu di tích".
Ông Trịnh Bá Hậu, Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân, cho biết: “Địa phương đang có kế hoạch về việc đảo lại mái ngói của di tích và sẽ thực hiện trong thời gian tới”.
Việc đảo lại mái ngói của đình làng Long Linh Ngoại là cần thiết. Nhưng với hiện trạng của di tích, nếu chỉ sửa chữa mái ngói là chưa đủ. Rất cần có một cuộc “đại trùng tu” để “giữ” được di tích.