Bắc Hà, Lào Cai: Gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống từ mô hình 'Câu lạc bộ Văn hóa dân gian'
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa, xã Nậm Đét (huyện Bắc Hà, Lào Cai) đã tổ chức xây dựng Câu lạc bộ sinh hoạt Văn hóa dân gian dân tộc Dao để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc một cách bài bản và khoa học, được người dân đồng tỉnh hưởng ứng.
Xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, có 551 hộ với 2.678 nhân khẩu, trong đó dân tộc Dao chiếm 80% dân số toàn xã và cư trú ở 4 thôn: Tống Hạ, Nậm Đét, Nậm Cài và Bản Lắp. Tuy dân số đông so với nhóm dân tộc khác cùng khu vực, nhưng trong sự hội nhập toàn cầu về nhiều mặt, dân tộc Dao cũng có nguy cơ mai một bản sắc văn hóa truyền thống.
Qua khảo sát cho thấy Lễ cúng rừng “khoi kiềm” nhiều năm nay không tổ chức, lễ ăn mừng lúa mới không thường xuyên làm, thậm chí cả những nghi lễ trong lễ cấp sắc, lễ pút tồng, lễ cưới hỏi cũng bị lược giản. Nghệ thuật dân gian truyền thống của dân tộc Dao chủ yếu được hình thành từ sinh hoạt tín ngưỡng, phong tục. Do phong tục bị mai một dẫn đến các loại hình nghệ thuật cũng bị mai một theo.
Cán bộ chuyên môn cùng với đối tác nghiên cứu từ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai đã tiến hành sưu tầm, đánh giá thực trạng các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống trong cộng đồng, nêu rõ những nét văn hóa nào vẫn còn được lưu giữ hoặc mai một. Việc khảo sát, khai thác tiềm năng vốn dân ca, dân vũ, dân nhạc dựa vào các nghệ nhân là người am hiểu truyền thống dân tộc như nghệ nhân ưu tú Bàn A Ton, nghệ nhân dân gian Triệu Phúc Nhuần, Triệu Thị Khé, Triệu Thị Ghến.
Trên cơ sở chất liệu nghiên cứu đã tổng hợp báo cáo và đề xuất lựa chọn phương án xây dựng các tiết mục cho Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian phù hợp với điều kiện thực tiễn về con người cũng như khả năng trình diễn, biểu diễn của các thành viên tham gia, tạo niềm cảm hứng yêu văn hóa dân tộc cho mọi người.
Ông Nguyễn Tư Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Đét cho biết: “Nậm Đét là vùng đất quế nổi tiếng của Lào Cai. Công việc trồng quế, khai thác, dịch vụ liên quan đến cây quế là câu chuyện thường ngày ở đây. Có thể thấy người Dao ở Nậm Đét không còn hộ nghèo, nhà nào cũng khang trang rộng rãi, 2, 3 tầng, đời sống vật chất no đủ, thậm chí là giàu có. Phụ nữ, người già, trẻ em cũng biết kiếm tiền từ cây quế, chỉ cần chịu khó là sẽ có tiền tiêu và tích lũy.
Chính vì điều kiện vật chất tốt như vậy, những ngôi nhà gỗ truyền thống bằng gỗ đã được thay thế bằng nhà xây. Văn hóa vật thể gắn với ngôi nhà truyền thống thay đổi cũng kéo theo văn hóa tinh thần liên quan bị mai một dần. Một số phong tục nhiều năm nay không được người dân chú trọng như lễ đón hồn mẹ lúa, ăn mừng cơm mới vào tháng 9 âm lịch hàng năm; Lễ cúng rừng hay phong tục chơi xuân hát giao duyên trai làng ngoài hát với gái làng trong cũng không còn.
Chương trình Mục tiêu quốc gia về Văn hóa ra đời là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước như kim chỉ nam giúp chính quyền địa phương chúng tôi hỗ trợ nhân dân vừa phát triển kinh tế, vừa phục dựng, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tốt hơn. Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian của địa phương tôi vừa qua có thể coi là rất thành công.
Trong 7 tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa Dao không bị lai căng bởi các yếu tố văn hóa khác thì đã được Sở Văn hóa và Thể thao chọn trích đoạn Lễ cưới người Dao đỏ đi tham dự Chương trình “Âm sắc Việt Nam” tại Đài Truyền hình Việt Nam. Đây có thể coi là phần thưởng tinh thần quý cho nhân dân chúng tôi tiếp tục giữ gìn, phát huy tốt nhất nghệ thuật dân gian truyền thống tại cộng đồng”.
Bước đầu Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Dao ở Nậm Đét xây dựng được 7 tiết mục, trong đó có 2 tiết mục về dân ca, 2 tiết mục về dân vũ, 2 tiết mục về dân nhạc và 1 trích đoạn Lễ cưới người Dao đỏ. Các nội dung kịch mục đó luôn đặt trong không gian, bản chất văn hóa Dao. Những câu hát dân ca được dàn dựng công phu như không gian sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, trai làng ngoài đến chơi và gái làng trong đến tiếp nước, tiếp rượu và trò chuyện qua lời ca đối đáp, cho đến bài dân ca 12 tháng kể về những vẻ đẹp các loài hoa 4 mùa xuân, hạ, thu, đông gắn với phong tục canh tác nông nghiệp do tốp nam nữ đối đáp tập thể rất hài hòa và sinh động. Ở tiết mục dân vũ, người Dao không múa khăn, múa nón và dùng âm nhạc nền của các giai điệu khác, mà họ dùng tiếng trống, tiếng chiêng, chũm chọe và giai điệu của kèn pí lè làm linh hồn cho điệu múa bát quái.
Vẻ đẹp của điệu múa này là sự khỏe khoắn phù hợp với các thức trình diễn cũng như khả năng thể hiện của mỗi người. Hay điệu múa chuông trích trong lễ cấp sắc của những đồ đệ đều là những điệu múa gắn liền với nghi lễ phong tục, âm nhạc đều do người thực hành thể hiện. Nó vừa là đạo cụ vừa là tiết tấu âm thanh được tạo nên từ điệu múa vô cùng sinh động và hấp dẫn. Trích đoạn về âm nhạc là tiết mục tổng hợp về âm thanh từ các loại nhạc cụ: trống, chiêng, chuông, chũm chọe, kèn pí lè và là sự mô tả nhịp sống của con người nơi rừng núi với đúng tên gọi người Dao đỏ “Kì miền” nghĩa là “người rừng”.
Trích đoạn sinh hoạt văn hóa, mà cụ thể là Lễ cưới truyền thống là loại hình nghệ thuật dân gian tổng hợp: Đối thoại, hát, nhạc, múa và nghi lễ thực hành của thầy cúng, các thành viên viên đoàn đưa đón dâu, cô dâu, chú rể. Hoạt động này vừa bảo tồn được các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, đồng thời từng bước khôi phục phong tục tập quán, nghi lễ đã bị mai một.
Ban đầu khi mới tham gia Câu lạc bộ, các thành viên có vẻ e dè, chưa tự tin. Song sau những ngày tập luyện, ra mắt được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả, mọi người đã tự tin hơn. Những bộ trang phục truyền thống đã được bà con lựa chọn đẹp, chuẩn với bản sắc của dân tộc mình khi tham gia trình diễn.
Việc xây dựng Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Dao ở Nậm Đét không chỉ tạo niềm vui nhất thời, mà đã thực sự khích lệ tinh thần của bà con nhân dân trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nghệ nhân ưu tú Bàn A Ton cho biết “Ngày Đại đoàn kết dân tộc tháng 11 này, Câu lạc bộ chúng tôi đã đăng ký 3 tiết mục để biểu diễn, vừa tạo không khí cho ngày hội đồng thời để bà con ngày một yêu quý hơn giá trị nghệ thuật dân gian truyền thống mà cha ông đã để lại cho con cháu hôm nay”.