Xôn xao rơm rạ

Sau vụ gặt, lũ trẻ chăn trâu chúng tôi dong trâu ra đồng với một tâm lý thoải mái; không cần phải dè chừng chú trâu nhà mình sẽ nô nghịch phá lúa của dân làng. Đàn trâu được thả ra, lội bì bõm trên ruộng, khoan khoái gặm những bụi cỏ non vươn dài dọc lối đi. Trời chiều gió lộng, con diều được làm bằng giấy cứ thỏa sức mà bay cao, mang theo những ước mơ của lũ trẻ xóm nghèo trên nền trời cao rộng.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Có lẽ nhiều người cũng từng đi qua thời ấu thơ gắn bó với ruộng đồng như tôi. Sinh ra và lớn lên từ làng lúa, một năm trải qua hai, ba mùa gặt nhưng điều làm tôi nhớ nhất không phải chỉ là thảm lúa vàng ươm chín rộ, không phải khung cảnh nhộn nhịp tay liềm tay hái từ lúc sáng sớm cho đến khi về chiều, mà là hình ảnh cánh đồng bình yên mang dáng dấp hiền lành, nằm nghỉ ngơi sau nhiều ngày gặt hái.

Khi người ta đã thu lượm những khóm lúa trĩu bông, cánh đồng chỉ còn trơ lại gốc rạ ngả màu nâu nhuộm bùn đất và thời gian. Kết thúc bao ngày "tranh mưa, cướp nắng" với đất trời để phơi lúa, phơi rơm, là lúc người dân quê tôi không kịp nghỉ ngơi mà bắt tay vào công việc thu vén rạ. Ngày ấy, nhà nào cũng nấu bằng bếp củi, cho nên rơm rạ dự trữ bao nhiêu cũng thấy không đủ. Nhất là cây rơm vàng óng thơm mùi nắng được xây cất cẩn thận làm thức ăn cho trâu bò cho nên người ta tranh thủ xuống ruộng vơ những gốc rạ về phơi khô để đun bếp. Đôi bàn chân mẹ tôi lội dưới bùn đã quen, những gốc rạ sau gặt ngâm nước mềm, rất dễ lấy, chỉ cần đưa tay vơ nhẹ ném lên bờ. Chị em tôi thoăn thoắt ôm những mớ rạ bỏ đầy đôi quang gánh để gánh về phơi phóng.

Trên nhiều thửa ruộng, bóng dáng các chị, các mẹ lom khom cần mẫn với công việc của mình. Chẳng mấy chốc đôi quang gánh đã đầy ngút những gốc rạ màu nâu có mùi ngai ngái, nồng nồng. Chúng tôi khéo léo bước đi trên những bờ ruộng mấp mô để gánh rạ lên phơi dọc đường làng.

Sau vụ gặt, lũ trẻ chăn trâu chúng tôi dong trâu ra đồng với một tâm lý thoải mái; không cần phải dè chừng chú trâu nhà mình sẽ nô nghịch phá lúa của dân làng. Đàn trâu được thả ra, lội bì bõm trên ruộng, khoan khoái gặm những bụi cỏ non vươn dài dọc lối đi. Trời chiều gió lộng, con diều được làm bằng giấy cứ thỏa sức mà bay cao, mang theo những ước mơ của lũ trẻ xóm nghèo trên nền trời cao rộng. Bọn con trai thì ham chơi, mê mải đuổi bắt châu chấu, cao cào. Mấy tháng trời ẩn mình trong lúa, lũ châu chấu, cào cào nay không còn chỗ trú ẩn, cứ vỗ cánh, đạp chân tanh tách, xôn xao. Mỗi đứa chuẩn bị một cái chai nhựa thật to để nhốt cào cào, bắt được con nào là nhanh tay bỏ vào chai, nắp kín lại. Nếu đã từng có tuổi thơ nơi ruộng đồng, hẳn bạn đã được thưởng thức món cào cào đồng rang lá chanh thơm ngậy. Đám con gái chúng tôi thì khéo hơn, đi dọc bờ ruộng hái những cọng rau dền, rau sam xanh non. Khi nắng vừa tắt, đàn trâu thong dong trở về trên con đường làng, hai bên hông đã no càng, chúng tôi thì hí hửng với chiến lợi phẩm của mình thu được. Ngoảnh lại, từng đàn chim sà xuống nhặt hạt thóc rơi vãi trên ruộng, líu ríu gọi nhau trong nắng chiều thật bình yên.

Đó là vào ngày nắng đẹp sau vụ gặt nhưng chỉ một trận mưa to, cánh đồng xăm xắp nước làm cho cua đồng, cá tràu, chạch… ẩn nấp trong những gốc lúa tránh nắng bao ngày bỗng ngoi lên, con nào con nấy béo múp. Chúng tôi lon ton xách giỏ theo người lớn lội bì bõm trên những khoảng ruộng gần bờ mương để bắt cua bắt cá. Bữa cơm chiều mưa ấm áp hơn bởi nồi cơm gạo mới dẻo bùi và đĩa cá đồng kho tộ ăn với cà pháo dầm tương. Đêm mưa, nghe tiếng ếch nhái kêu ì ọp trên mặt ruộng, nghe tiếng mẹ thở đều đều sau những ngày mùa vất vả mà thấy lòng mình thật an yên vì vẫn còn nơi chốn để nương nhờ…

Tuổi thơ của tôi lần lữa đi qua cùng những mùa gặt lúa. Chiều nay, tôi về lại cánh đồng quê mình sau vụ gặt; từng đàn chim vẫn líu ríu gọi nhau nhặt thóc rơi trên ruộng; bóng những chú trâu thong dong giữa đồng; nghe xôn xao trong đám rơm rạ tiếng châu chấu, cào cào nhảy tanh tách gợi về kỷ niệm của mùa gặt xưa…

Bảo Phúc

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/xon-xao-rom-ra-20250630143102746.htm
Zalo