Xôn xao chuyện trùng tu Chùa Cầu ở Hội An

Xung quanh việc trùng tu Chùa Cầu ở Phố cổ Hội An, có nhiều luồng ý kiến trái chiều nổ ra kể từ khi diện mạo mới của di tích này được công bố.

Pháp luật TP.HCM vừa có bài viết: “Ông Nguyễn Sự: Cần thiết trùng tu Chùa Cầu, ý kiến trái chiều là bình thường!” ghi nhận những chia sẻ của ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An về dự án trùng tu Chùa Cầu - một trong những biểu tượng của TP Hội An.

Theo chia sẻ ông, Chùa Cầu đã trải qua tổng cộng 7 đợt trùng tu, tuy nhiên tuổi đời của di tích này đã 500 tuổi. Do đó, quá trình trùng tu sẽ dần dần làm mới đi một số chi tiết, nhưng vẫn đảm bảo giữ được giá trị tương tự. Ông cũng cho rằng việc thay đổi màu sơn chắc chắn sẽ đem lại những ý kiến trái chiều, song với việc có sự giúp đỡ của chuyên gia Nhật Bản, kỹ thuật hiện đại thì việc làm mới là điều đương nhiên, không thể đòi hỏi những chi tiết “cũ” mà Chùa Cầu đã từng có.

Ý kiến của một số bạn đọc về diện mạo mới của Chùa Cầu sau khi được trùng tu:

Việc trùng tu Chùa Cầu là cần thiết

“Mình thấy những người chê trách "mới quá" là những người không biết thế nào là một di tích cổ. Họ chỉ mặc định "di tích cổ là nó phải cũ, phải bám đầy rêu mốc, ẩm thấp ..." nên khi nhìn thấy một di tích được sơn màu mới thì họ phản ứng chê trách mà không hề tìm hiểu kĩ càng. Chùa Cầu trải qua 7 đợt trùng tu, đặc biệt ở lần này còn có sự hỗ trợ từ các chuyên gia bên Nhật Bản, xét về lịch sử thì họ mới là những người xây dựng nên Chùa Cầu. Thế nên hãy tìm hiểu kĩ trước khi nhận xét và chê bai!”, bạn đọc Võ Minh bày tỏ.

 Chùa Cầu trước và sau khi được trùng tu

Chùa Cầu trước và sau khi được trùng tu

“Cá nhân tôi thấy sau khi tu sửa mà vẫn giữ nguyên được giá trị là tốt lắm rồi. Vì đã quá quen với dáng vẻ cổ kính trước đó nên việc diện mạo mới có phần “chói mắt” hơn đã khiến có nhiều ý kiến trái chiều. Mỗi người một quan điểm khác nhau cho nên khen chê là điều không tránh khỏi, tuy nhiên hãy nhìn lại lịch sử - Chùa Cầu đã trải qua gần 500 năm và 7 lần trùng tu lớn nhỏ.

Ban đầu nó là cây cầu với hình dáng của Nhật Bản, trải qua lịch sử nó gần giống với bản Việt mà đền, miếu Việt Nam ta đều có. Để được hình dáng bây giờ thì cũng đã có nhiều lần trùng tu làm mới và phù hợp hơn với văn hóa Việt Nam. Như chia sẻ của ông Nguyễn Sự, chỉ cần qua một thời gian thì màu sơn cũng sẽ đậm hơn và trở lại như trước thôi!”, bạn đọc Hiếu Trần góp ý.

“Nói đến trùng tu thành công thì phải đảm bảo giống về hình dáng, kích thước, chất lượng nguyên vật liệu, trong đó hoa văn trang trí chính là hồn cốt của cha ông ta thuở đó. Làm to đẹp hơn, hoành tráng hơn không khó trong thời buổi này. Nhưng đó lại là phá bỏ di sản, di tích. Nhìn cầu trùng tu xong với cầu trước trùng tu, tôi cho là thành công, trông chẳng khác gì mấy, chỉ cảm giác như là vừa mới được lau chùi, đánh bóng lại mà thôi. Còn màu của một số vật liệu sáng rực hơn thì đã được giải thích rồi, thời gian sẽ nhuốm màu, sẽ đâu lại vào đấy”, bạn đọc Thảo Nguyễn phân tích.

“Tôi rất tán thành! Đâu phải cứ phải mục nát, rêu phong hay cũ kĩ thì mới được xem là cổ. Chúng ta giữ lại cái hồn, cách làm ngày xưa, cái nào giữ được thì giữ, không thì thay mới theo nguyên bản của người Nhật, theo cách làm gốc để con cháu đời sau nó còn biết. Hư thì phải thay chứ có vật liệu nào tồn tại thiên thu đâu! Thêm nữa, dự án trùng tu còn có sự tham gia của chuyên gia Nhật Bản, đâu phải làm một cách vô tội vạ!”, bạn đọc Nhân Lê đồng tình.

Trùng tu phải triệt để!

Ngoài luồng ý kiến ủng hộ, cũng có những ý kiến phản đối của bạn đọc về việc trùng tu Chùa Cầu với màu sắc mới lạ:

“Trùng tu, thay gỗ phải đúng loại gỗ, đúng tuổi gỗ, chẳng hạn cây gỗ khi làm công trình ban đầu là 30 năm tuổi thì giờ cũng phải thay bằng cây 30 năm tuổi. Các loại ngói cũng phải tương đương màu sắc kích thước. Còn màu sắc thì giờ sơn hiện đại, tôi nghĩ lấy màu trầm tối kiểu cũ là rất dễ, màu như công bố thì mới và xấu quá”, bạn đọc Cảnh Nguyễn nêu ý kiến.

Còn theo bạn đọc Trung Nguyễn: “Tôi có góp ý ngoài việc trùng tu, chính quyền Hội An nên giải quyết dứt điểm mùi hôi thối, nước sông đen kìn kịt xung quanh khu vực Chùa Cầu và sông Hoài. Hai khu vực này nước sông nặng mùi, làm mất đi rất nhiều hình ảnh chùa Cầu và Hội An trong lòng du khách khi đến đây. Trùng tu là phải triệt để xung quanh!”.

Ngoài những ý kiến trên, Bảo Duy, một sinh viên đang theo học ngành Du lịch đã đưa ra ý kiến: "Tôi thấy việc Chùa Cầu đã xuống cấp khi phải đón một lượng lớn khách du lịch theo năm tháng thì việc trùng tu là cần thiết. Về vấn đề màu sơn, tôi thấy có nét tương đồng với điện Kiến Trung mới được phục dựng lại ở kinh thành Huế. Nhờ phục dựng lại nên đã thu hút thêm nhiều du khách tới kinh thành Huế, kích cầu du lịch đến đây. Vì thế, em thấy việc trùng tu là cần thiết và chính xác!”.

Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) - biểu tượng của TP Hội An (Quảng Nam) là di sản của thế giới, thể hiện mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản, đánh dấu vai trò quan trọng trong thời kỳ lịch sử mở cửa của Đàng Trong.

Dự án trùng tu Chùa Cầu có kinh phí khoảng 20 tỉ đồng với kĩ thuật hiện đại. Chùa Cầu đã trải qua 7 đợt trùng tu khác nhau và có đến gần 500 năm tuổi đời. Ngoài ra, trong đợt trùng tu diện mạo mới này còn có sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Nhật Bản. Sau 18 tháng trùng tu, Chùa Cầu đã hoàn thiện những khâu cuối cùng, chuẩn bị khánh thành vào ngày 3-8.

SONG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/xon-xao-chuyen-trung-tu-chua-cau-o-hoi-an-post802739.html
Zalo