Nhớ quê
Có một nhà văn nói, cách thức để nhận ra diện mạo của quê hương chính là phải rời xa nó; cách thức để tìm về quê hương là hãy tìm nó trong tâm hồn mình, trong ký ức, trong hoài niệm… và sau cùng là đến vùng quê khác để tìm quê hương.
Trà Vinh không chỉ đẹp bởi những hàng cây xanh đan cành che nắng, mà Trà Vinh còn là quê hương của "Công trình trái tim" Khu Di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia thuộc ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh).
Xa quê - quê không xa
Bởi, tình yêu quê hương ai cũng đã sẵn trong lòng. Giờ, dù ở đâu trên trái đất này, chỉ cần vài giây phút thôi là chiếc điện thoại thông minh sẽ giúp ta “về tới” quê nhà rồi!
Có một nhà văn nói, cách thức để nhận ra diện mạo của quê hương chính là phải rời xa nó; cách thức để tìm về quê hương là hãy tìm nó trong tâm hồn mình, trong ký ức, trong hoài niệm… và sau cùng là đến vùng quê khác để tìm quê hương.
Tôi cũng vậy, nỗi nhớ quê, tôi nhớ đủ thứ nhớ!
Nhớ nơi sinh thành; nhớ công ơn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, bà con thân quyến; nhớ tuổi ấu thơ đầu cạo trọc tóc tung tăng cắp sách đến trường; nhớ công lao của người đã có công đùm bọc, che chở mình thời chinh chiến; nhớ đồng đội cùng chiến đấu sống, chết bên nhau; nhớ thuở dẹp xong giặc ngoại xâm quê mình lại phải đương đầu ngay với giặc “nghèo đói”, rồi mọi người chia sẻ cho nhau “chén cơm, manh áo”, hợp sức cùng nhau vượt khó, xây dựng lại quê hương gần như từ con số không. Vậy, mà “đời vẫn đẹp sao!”
Nhớ người, tôi nhớ cây! Cây xanh ở quê nhà đã làm tôi nao lòng, say mê từ lúc còn trẻ “Ở gần thì thương, đi xa thì nhớ!” Nhớ đường Hàng Me, đường Cây Dầu, đường Cây Sao… nhiều cây cổ thụ cả trăm năm tuổi xếp hàng thẳng đứng, rợp bóng xanh mát khắp phố, phường, trông thiệt sướng mắt! Nhớ ao Bà Om thắng cảnh miền Tây, đẹp tuyệt vời! Nhớ cây Dầu Dù độc lạ, xòe cành phủ bóng rộng xanh mát mẽ quanh năm. Nhớ tiếng vi vu của gió thổi lá hai cây phi lao già đứng sừng sững ở bên bờ sông Ngã Ba cả thế kỷ, từng “chứng kiến” con người nơi đây làm nên lịch sử. Nhớ những vườn cây cổ thụ cao cao xanh mát, có lẫn tiếng hót của các loài chim, cò bao bọc xung quanh hơn một trăm năm mươi ngôi chùa cổ kính có mặt ở khắp nơi trong tỉnh, đẹp như bức tranh!
Hễ nhớ quê, nhớ người, tôi nhớ đến chùa, nhớ đến cây? Bởi, ở đó mối quan hệ khăng khít đã được kết thành khối giá trị di sản bền vững tự lâu đời, nét văn hóa rất đặc trưng mà quê tôi sở hữu được. Hình bóng ấy đã in sâu đậm nét trong tôi, thường theo tôi đi vào giấc ngủ, và tôi cũng hay đem ra buôn chuyện với bạn bè.
Một điều khiến người dân quê tôi gần đây rất phấn khích, đó là cây cổ thụ trên các đường phố Trà Vinh đã có mặt từ vài trăm năm trước, nhưng mãi đến gần đây được “lên ngôi”. Được ca ngợi, được quảng bá khắp đó đây trên các báo, và nhiều trang mạng xã hội: Trà Vinh thành phố cây xanh; Thành phố dưới những hàng cây cổ thụ; Thành phố xanh mát giữa dòng chảy hiện đại; Bảo vệ cây xanh bài học từ Trà Vinh…
Được biết, theo công bố của cơ quan theo dõi chất lượng không khí toàn cầu lQAir (Thụy Sĩ), năm 2023 thành phố Trà Vinh được xếp thứ 3 trong Top 15 thành phố có chất lượng không khí trong lành nhất tại Đông Nam Á và được xếp hạng trong lành nhất Việt Nam.
Mặc dù ở quê tôi không có đất mở rộng diện tích trồng rừng cây, để tăng độ che phủ phải mở rộng diện tích trồng cây gây rừng. Ngoài hàng vạn cây cổ thụ, Trà Vinh còn có những vạt rừng bần, sú vẹt, dừa nước xanh ngát ở ven biển, ven các sông ngòi, kênh rạch đứng vững trước sóng to, gió lớn trải qua bao thế kỷ ngăn xoáy lở để giữ đất. Tập quán của dân quê tôi xưa nay người và cây rất gắn bó “Ở đâu có người thì ở đó có cây”. Bởi, “Người sống dưới bóng cây!” Người ở đất giồng cao thì có lũy tre xanh bao bọc khắp các xóm làng, phum sóc đã có từ thời xa xưa; còn người ở ven sông, kênh, rạch thì có nhiều vườn cây ăn trái, vườn dừa, vườn cây lấy gỗ, cây hoa, kiểng… Từ khi ông, cha đặt chân đến khai thác đồng bằng châu thổ này đến nay, dân quê tôi đã đổ biết bao công sức tạo dựng cây xanh, tuy chưa đo đếm được độ che phủ của cây gây rừng, nhưng hầu như cây xanh đã được trồng ở khắp nơi trong tỉnh. Và cây cổ thụ ở Trà Vinh, quả là di sản độc đáo hiếm có?
Phải chăng, cây xanh Trà Vinh là sản phẩm của “tình người với cây”, đậm đà như “tình cây và đất”? Bởi, “tình yêu” ấy được thắm đượm trải qua bao thế hệ người Trà Vinh đã dày công vun đắp, nên giờ đây cây đã không phụ lòng người, làm tăng thêm giá trị quê hương Trà Vinh?
Nơi đây, ít nhiều con người đã thành công trong việc xây dựng cho mình có được tập quán sống theo “Đời sống mới”, sống thân thiện: yêu mình, yêu người, yêu thiên nhiên. Một lối sống hạnh phúc, giàu tính nhân văn, vậy!
Đồng hương, và cả cộng đồng người Việt xa, gần dù chưa đến hoặc đã đến Trà Vinh, nay cũng được biết nhờ cây xanh mà thành phố Trà Vinh là một trong những thành phố có chất lượng không khí trong lành nhất, một thứ “đặc sản” rất quý hiếm, có giá trị cao thời “biến đổi khí hậu”, mọi người đều thán phục, và tỏ rõ cảm xúc chia vui với Trà Vinh. Không những thế, còn muốn cổ vũ, động viên Trà Vinh hãy tiếp tục tiến lên để trở thành một tỉnh xanh! Với kỳ vọng, ngày nào đó sớm được tận mắt trông thấy một tỉnh Trà Vinh xanh - sạch - đẹp, một trong những nơi có phong cảnh đẹp, có chất lượng không khí trong lành nhất trên hành tinh này.
Liệu ước vọng đó, có khả thi?
Ở cách các cực phát triển của vùng một cự ly vừa phải. Có người nói, tuy Trà Vinh không có “núi non hữu tình”, không có di tích và công trình “kỳ vĩ”, không có thành phố “Thiên đường nơi hạ giới”... Song, “Trời” ưu ái dành phần cho Trà Vinh được nằm giữa 2 dòng sông lớn (Sông Tiền và Sông Hậu) êm đềm, ngày đêm thì thầm chảy suốt quanh năm; được hóng gió biển thổi mát lồng lộng từ 2 cửa sông ấy; được giáp mặt Biển Đông xanh biếc, thả mắt ngắm bầu trời bình minh rộng bao la, hình thể như một bán đảo đầy tiềm năng, đẹp! Nếu các “kiến trúc sư” biết tô điểm thêm vẻ đẹp nữa, thì tương lai một Trà Vinh đẹp tuyệt vời!
Biết rằng việc trồng cây xanh hóa cả tỉnh là một việc làm không đơn giản, và không thể một sớm một chiều. Song, đây là việc mà Trà Vinh đã làm, đang làm, có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng và bảo vệ cây xanh; kinh nghiệm huy động nguồn lực, tận dụng tối đa các loại đất để kết hợp trồng cây gây rừng, tăng độ che phủ ở mức tích cực nhất có thể, gắn chặt với việc đặc biệt quan tâm chọn đúng cây trồng mới có chất lượng cao, và mạnh dạn thay thế cây trồng không hiệu quả, kém hiệu quả để đảm bảo giá trị kép, tạo nhiều sinh kế, và làm giàu từ cây; kinh nghiệm kết hợp cây ngắn ngày, cây dài ngày, nuôi trồng tổng hợp gắn với chế biến, chế tác. Kinh nghiệm kết nối các sản phẩm vật thể và phi vật thể với sản phẩm xanh thành thế mạnh, đi đôi với xây dựng các “điểm đến” thật hấp dẫn; Kinh nghiệm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trí lực, đào tạo nghề để đạt kỳ vọng xanh hóa, với việc phát huy tốt lợi thế mới…
Mọi người có lòng tin rằng, sẽ thành công!
Giờ, người Trà Vinh đâu còn kém cỏi, cũng học giỏi, làm ăn cũng giỏi, cũng biết làm giàu, và đã có nhiều người khá, giàu, hầu như không còn cảnh nghèo, đói như xưa, bởi, dân quê tôi không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu. Lớp trẻ ngày nay rất nhạy bén, nhiều người giỏi kiếm ra tiền, song cũng phải gánh chịu nhiều áp lực, đánh đổi nhiều sức khỏe và tâm thần để vừa lo cho cuộc sống hiện tại, vừa chăm lo cho con cháu sau này. Cân bằng giữa công việc và cuộc sống, phải chăng, luôn là một thách thức? Nhưng đó là điều cần thiết với mỗi người. Điều này là rất quan trọng trong việc cải thiện không chỉ sức khỏe thể chất, cảm xúc và tinh thần của mọi người mà còn quan trọng đối với sự nghiệp của chúng ta.
Ngày nay cũng như mai sau, con người không chỉ cần có nhiều tiền của, vật chất, nhất là khi đã có vật chất dồi dào thì điều mà mọi người khao khát cần nhất là chất lượng sống tốt. Ngoài các điều kiện vật chất cần thiết, con người thời hiện đại có xu hướng sống gần gũi với “mẹ thiên nhiên”, được chìm đắm vào màu xanh của thiên nhiên để có thể giúp “chữa lành vết thương” về tâm trí và sức khỏe cho con người, nên rất cần được sống trong môi trường xanh - sạch - đẹp, có nhiều niềm vui - hạnh phúc trong một không gian thanh bình, có bầu không khí trong lành, có phong cảnh thiên nhiên đẹp, nơi có thể tạo ra nhiều sinh kế để con, cháu trong nhiều gia đình mai sau được sống, làm việc quây quần bên ông bà, cha mẹ như một “tổ ấm!” Và, nếu có được các dịch vụ tiện ích tốt nữa, sẽ là nơi có môi trường sống lý tưởng. Được vậy, các thế hệ tương lai sẽ chung sống trong “một ngôi nhà: sống vui, sống khỏe, sống lâu, sống hạnh phúc!”
Phải chăng, chính đó là cái mà các thế hệ mai sau rất cần. Và có phải, đây là “đơn đặt hàng” cho di sản mà ông, cha để lại cho tương lai? Liệu thế hệ hôm nay có đáp ứng được?
Kiến tạo được một môi trường sống tốt để nâng chất lượng cuộc sống ở thời buổi hiện nay, và tương lai là rất quý hiếm. Đến lúc ấy, tránh không khỏi phải đứng trước câu vấn của mọi người: Đâu là bài học của sự thành công? Tin rằng, nơi đã làm được, ắt sẽ có câu trả lời đầy đủ, chính xác nhất. Bởi, đó là động lực đã được người có vai trò dẫn dắt nhìn thấu từ sớm, từ xa, biết phát huy lợi thế mới, biến thách thức thành cơ hội để bứt phá. “Đi tắt đón đầu” được, vẫn có thể đi nhanh tới đích mà không chờ “cú hích” từ đâu tới.
Có người rất khao khát hỏi: Đến bao giờ thì Trà Vinh thành tỉnh xanh?
Việc đó cần có sự nhìn nhận thật sự khách quan. Vì vậy, phải để cho cả cộng đồng trong, và ngoài địa phương được tận mắt chứng kiến: Nơi đây, quả là “ngôi nhà xanh” trong đó có cả một kho “vàng xanh” di sản quý báu đời đời của ông, cha để lại cho hậu thế. Hình ảnh một Trà Vinh xanh - sạch - đẹp sẽ là “mãnh đất” tốt đáng đến, và là nơi đáng sống! Lúc ấy, phải chăng Trà Vinh đã là tỉnh xanh?
Được vậy, Trà Vinh quê tôi đã thực hiện đúng lời căn dặn bất hủ của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”! Người đã thể hiện tư tưởng, quan điểm với tầm nhìn vượt thời đại. Đó là tư tưởng “trồng cây” đi đôi với quan điểm “trồng người”; “trồng cây” và “trồng người” đều quan trọng, với ý nghĩa lịch sử sâu sắc.
Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến việc trồng cây gây rừng. Người đã chỉ rõ tác dụng của việc trồng cây, đó là công việc “tốn kém ít mà ích lợi nhiều”, làm cho “nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.
Bác Hồ đã sớm thể hiện sự quan tâm đối với các vấn đề liên quan đến môi trường và tới mối quan hệ hòa hợp giữa con người và thiên nhiên trong sự phát triển của một quốc gia. Đó chính là kế sách lớn cho sự phát triển bền vững, là một trong những giá trị mang tính nhân văn sâu sắc, còn nguyên vẹn giá trị trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ta ngày càng “Phồn vinh - Hạnh phúc” ngày nay.
HIẾU DÂN
Hà Nội, 25-8-2024