Xóa sổ 'khu ổ chuột' giữa lòng thành phố Quy Nhơn

c lên bờ, được sống trong những căn nhà mà khi bão đến không phải lo chạy vì nguy cơ sập đổ, không phải lo cháy trong cái nắng nóng oi ả của miền Trung… Đó là điều mà hàng trăm hộ dân ở khu ổ chuột - nhà rầm nằm giữa lòng thành phố Quy Nhơn (Bình Định) chưa bao giờ dám nghĩ tới. Bởi, từ bao đời nay, họ vẫn sống 'lay lắt' trong khu ổ chuột ấy để mưu sinh, chưa một ngày dám nghĩ đến việc sẽ có một ngôi nhà đúng nghĩa. Cho đến khi, quyết tâm xóa bỏ khu nhà rầm của thành phố Quy Nhơn được triển khai, giấc mơ được 'lên bờ' của họ đã thành hiện thực.

Khu vực đầm Thị Nại là nơi mưu sinh của những hộ dân nghèo.

Khu vực đầm Thị Nại là nơi mưu sinh của những hộ dân nghèo.

Xóa sổ “khu ổ chuột” nhà rầm

Khu nhà rầm có lẽ không còn quá xa lạ đối với những người đã từng sinh sống lâu năm tại thành phố Quy Nhơn. Đó là khu nhà mà tất cả ngôi nhà đều được làm chênh vênh trên mặt biển, hình thành nhiều nhất ở khu vực phường Hải Cảng. Nói là nhà nhưng thực chất đó chỉ là những túp lều được chắp vá tạm bợ bởi những chiếc cọc và những tấm ván mục nát.

Người dân nơi đây kể rằng, chẳng biết nhà rầm có từ bao giờ, chỉ biết khu nhà rầm được hình thành nên bởi tập tục của những người dân đi biển, hầu hết họ đều là những người dân nghèo khó, không có đất để an cư. Lúc đầu chỉ là một vài căn chòi nhỏ để chứa đựng ngư lưới cụ, nhưng rồi dần dần người dân đi biển quy tụ về đây, xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái và tiếp tục hành trình… lấn biển.

Người dân “khu ổ chuột” nhà rầm sống chung với rác thải. (ảnh: DC)

Người dân “khu ổ chuột” nhà rầm sống chung với rác thải. (ảnh: DC)

Ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch UBND phường Hải Cảng cho biết: “Khu nhà rầm như một ma trận vậy, nhà được dựng lên rất nhanh, vì hầu hết toàn được làm chắp vá tạm bợ nên chỉ cần khoảng 1 tuần là đã có vài chiếc nhà rầm được mọc lên”.

Nỗi ám ảnh nhất với người dân nơi đây đó là cảnh sống nhếch nhác, hôi thối với ngập ngụa rác thải. Cả khu nhà rầm vài trăm nóc nhà, ấy nhưng hầu như chẳng có nhà nào có nổi một nhà vệ sinh tử tế. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, hàng trăm hộ dân nơi đây sống bủa vây với rác thải. Từ rác thải sinh hoạt hàng ngày của cả gia đình như ăn uống, tắm giặt, cho đến chuyện vệ sinh cá nhân cũng được đục một lỗ ván và xả thẳng xuống khu vực này… Mùi hôi thối nồng nặc, rác rưởi bủa vây, tình trạng ô nhiễm môi trường đã khiến khu vực này trở thành “điểm nóng” của thành phố.

Lối vào được chắp vá bằng những tấm ván tạm bợ. (ảnh: DC)

Lối vào được chắp vá bằng những tấm ván tạm bợ. (ảnh: DC)

Chủ tịch UBND phường Hải Cảng chia sẻ: “Mỗi khi mưa bão khu vực này rất dễ bị thổi bay, còn mùa nắng nóng thì dễ xảy ra hỏa hoạn. Khu vực này đã 3 lần bị hỏa hoạn rồi và cũng có những cái chết thương tâm của các cháu nhỏ khi không có người trông giữ. Không những vậy còn dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, không khí, nguồn nước và điều kiện phát triển dân trí đều không có... Dù đã vận động, tuyên truyền bà con di dời rất nhiều lần nhưng đều bất lực”.

“Một cái vòng luẩn quẩn ở khu nhà rầm là lấn chiếm - xây dựng trái phép – bị cưỡng chế - rồi vẫn tiếp tục lấn chiếm, xây dựng trái phép… Khiến cán bộ phường mất rất nhiều thời gian và mệt mỏi trong công tác đảm bảo an ninh trật tự”, Chủ tịch UBND phường Hải Cảng cho hay.

Những “ngôi nhà” rầm này là nơi sinh sống của nhiều thế hệ.

Những “ngôi nhà” rầm này là nơi sinh sống của nhiều thế hệ.

Trước thực tế này, năm 2009 UBND thành phố Quy Nhơn đã lập dự án xây kè kết hợp chỉnh trang đô thị tại khu vực này, tuy nhiên, do điều kiện ngân sách của thành phố còn nhiều khó khăn nên đến năm 2020 dự án này mới được khởi động lại. Dự án tác động đến 390 hộ dân, trong đó có giải tỏa một phần và giải tỏa trắng.

Ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn cho biết: “Với trách nhiệm của người đứng đầu thành phố, khi thấy khu ổ chuột ngay giữa lòng thành phố như vậy, tôi rất là trăn trở và chua xót. Mặc dù biết rằng nguồn lực rất lớn, nhưng chúng tôi quyết tâm phải làm. Mục đích cuối cùng là để cho người dân được an cư lạc nghiệp, chứ cuộc sống ở khu nhà rầm rất tạm bợ. Do đó, ngoài việc chỉnh trang đô thị thì dự án này còn có ý nghĩa nhân văn rất lớn”.

Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn, Dự án chỉnh trang đô thị khu vực phường Hải Cảng khác với các dự án khác do diện tích thu hồi rất nhỏ, có hộ chỉ có 9-10m2. Hơn nữa, phần lớn các hộ dân ở đây đều không được bồi thường về đất ở do đa số là đất lấn chiếm. Trước khó khăn này, thành phố đã linh động hỗ trợ bà con bằng việc bán đất tái định cư theo giá thị trường, tuy nhiên giá thị trường thành phố định giá không cao hơn so với giá tái định cư bao nhiêu. Với mức giá này, người dân có thể có đủ nguồn lực tài chính để mua, còn đối với những hộ đủ điều kiện theo quy định Nhà nước sẽ được đền bù hoặc mua theo giá tái định cư. Điều này đã nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân khu vực.

Dự án chỉnh trang đô thị khu vực phường Hải Cảng góp phần tạo nên diện mạo mới cho đô thị thành phố Quy Nhơn.

Dự án chỉnh trang đô thị khu vực phường Hải Cảng góp phần tạo nên diện mạo mới cho đô thị thành phố Quy Nhơn.

Được biết, Dự án đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực 10 (phường Hải Cảng) được UBND thành phố phê duyệt, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thành phố Quy Nhơn làm chủ đầu tư thực hiện từ năm 2020 - 2025 với tổng mức đầu tư hơn 314 tỷ đồng.

Dự án được đầu tư nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển đô thị thành phố Quy Nhơn theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 và chương trình phát triển đô thị thành phố Quy Nhơn. Dự án góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kết hợp chỉnh trang đô thị và chống tái lấn chiếm đất trái phép xung quanh khu vực này; bố trí sắp xếp lại khu dân cư, từng bước đô thị hóa đáp ứng nhu cầu đất ở ngày càng tăng của người dân ở các vùng lân cận dự án, đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường và tạo mỹ quan đô thị.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam: “Quan điểm chung của tỉnh cũng như thành phố quyết tâm xóa nhà rầm ở Quy Nhơn. Hiện đang đẩy nhanh tiến độ để từ nay đến cuối năm cơ bản thực hiện xong công tác di dời. Tiếp tục đầu tư hạ tầng để chỉnh trang khu vực âu thuyền. Khi đã làm được đường ven rồi thì sẽ không còn tình trạng lấn ra để cắm cọc làm nhà rầm nữa”.

Dự án đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật KV 10 (phường Hải Cảng) do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thành phố Quy Nhơn làm chủ đầu tư.

Dự án đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật KV 10 (phường Hải Cảng) do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thành phố Quy Nhơn làm chủ đầu tư.

Thành Phố Quy Nhơn cũng xác định đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ phường Hải Cảng và Đại hội Đảng bộ thành phố Quy Nhơn. Dự án sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với các hạng mục chính như: Xây dựng mới tuyến kè bảo vệ khu dân cư có chiều dài khoảng 771m, san nền mặt bằng với tổng diện tích khoảng 4,46ha, xây dựng mới đường giao thông với tổng chiều dài khoảng 1.448m. Ngoài ra, hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải riêng cho khu vực này; hệ thống cấp nước của khu dân cư được đấu nối vào hệ thống cấp nước thành phố; đầu tư hệ thống cấp điện, điện chiếu sáng…

“Hiện trên địa bàn thành phố Quy Nhơn còn một số nhà rầm nằm ven trung tâm thành phố, đoạn dọc nhánh sông Hà Thanh, thành phố cũng đã thực hiện di dời và đã xây tuyến kè nhánh 1, nhánh 2 sông Hà Thanh, toàn bộ được bê tông hóa hết. Đối với dự án khu B2 (phía Bắc tràn 1, đường Điện Biên Phủ) còn một số hộ dân lấn chiếm, thành phố cũng đang thực hiện di dời. Dự án này được thực hiện xong đồng nghĩa với việc thành phố Quy Nhơn không còn nhà rầm kể cả trên biển cũng như trên sông”, Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn khẳng định.

Niềm vui nơi khu tái định cư

Để đảm bảo cuộc sống người dân “khu ổ chuột” nhà rầm, thành phố Quy Nhơn đã xây dựng các quỹ đất tái định cư phục vụ cho bà con ở khu vực 6 và khu vực phía đông chùa Bình An thuộc phường Nhơn Bình.

Theo sự chỉ dẫn của ông Phan Văn Cường (67 tuổi), chúng tôi tìm đến khu tái định cư của các hộ dân được di dời từ dự án Hạ tầng kỹ thuật khu vực 10, phường Hải Cảng.

Những ngôi nhà mới tại Khu tái định cư khu vực 6, phường Nhơn Bình.

Những ngôi nhà mới tại Khu tái định cư khu vực 6, phường Nhơn Bình.

Từ xa xa, đã nghe rộn rã tiếng nói cười của bà con nơi đây, ông Phan Văn Cường cho biết, bà con đang sửa soạn, chăm chút lại cho ngôi nhà mới của mình, có nhà thì vẫn đang trong quá trình xây dựng, có nhà xây xong thì đang trang hoàng, quét dọn lại cho tươm tất. Một cuộc sống mới, niềm tin và hy vọng mới đã và đang hiện hữu trên những gương mặt, những con đường, góc phố và trên từng nếp nhà nơi khu tái định cư này.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà vừa mới xây dựng xong, ông Phan Văn Cường không giấu khỏi niềm vui, rạng rỡ trên khuôn mặt bởi có lẽ cả cuộc đời ông cũng không thể ngờ rằng có ngày mình lại được sống trong một căn nhà khang trang, vững chãi như vậy. Hơn ai hết, ông Phan Văn Cường là người hiểu được những khó khăn, thiếu thốn cũng như những hiểm nguy rình rập nơi khu nhà rầm. Bởi chính nơi ấy, ông đã mất đi 2 người cháu còn thơ dại của mình khi không may bị ngã xuống nước…

Ông Phan Văn Cường kể: “Hồi ấy, cả gia đình mấy thế hệ chen chúc nhau, rất chật chội, tương lai của con cái cũng không đoán định được. Cuộc sống giờ như một giấc mơ với chúng tôi vậy. Có nhà cửa ổn định, mưa nắng gió bão cũng không còn phải lo lắng nữa”.

Ông Phan Văn Cường chia sẻ cùng PV Báo điện tử Xây dựng trong ngôi nhà mới xây tại khu tái định cư.

Ông Phan Văn Cường chia sẻ cùng PV Báo điện tử Xây dựng trong ngôi nhà mới xây tại khu tái định cư.

Cũng giống như ông Phan Văn Cường, lênh đênh hơn nửa đời người trên biển, ông Phạm Tám đã chứng kiến những thăng trầm của nơi đây. “Bà con khu nhà rầm chủ yếu sống dựa vào đầm Thị Nại để mưu sinh. Ngày ấy, mỗi lần mưa bão đến sợ lắm, cả gia đình lại dắt díu nhau đi trú ngụ ở nơi khác, hết bão lại quay về khu nhà rầm. Mùa mưa bão năm nay, nỗi lo ấy không còn nữa rồi. Cả khu nhà rầm đã được “đổi đời” vì được sống trong ngôi nhà mới ấm cúng với cơ sở vật chất được đầu tư khá bài bản. Hạnh phúc và phấn khởi lắm”, ông Phạm Tám tâm sự.

Ông Phạm Tám cho hay: “Lên khu tái định cư thu nhập có phần bấp bênh hơn, do không còn làm nghề đi biển nữa nhưng thành phố giải tỏa được khu nhà rầm bà con chúng tôi cũng mừng, vì đã hình thành nên mặt tiền của thành phố khang trang, đẹp đẽ hơn. Bà con khu nhà rầm cũng không còn phải lo lắng mỗi khi mưa bão hay hỏa hoạn nữa”.

Dù vẫn còn nhiều nỗi lo cũng như những khó khăn, thách thức khi được “lên bờ”, thế nhưng người dân nơi đây vẫn tin rằng, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, sự chung sức, đồng lòng của người dân, cuộc sống tại nơi ở mới sẽ ngày càng ấm no, tươi đẹp hơn.

Thu Loan

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/xoa-so-khu-o-chuot-giua-long-thanh-pho-quy-nhon-387202.html
Zalo