Góc nhìn hôm nay: Chấn chỉnh đấu giá đất!
Các phiên đấu giá đất được hai huyện Thanh Oai và Hoài Đức của Hà Nội tổ chức hồi tháng 8/2024 đã xuất hiện những dấu hiệu bất bình thường với mức giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Cụ thể, 68 thửa đất tại thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, có mức trúng đấu giá lên tới 51 cho đến 100 triệu đồng/m2, so với giá khởi điểm chỉ 8,6 - 12,6 triệu đồng/m2.
Còn 19 thửa đất tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, mức trúng đấu giá lên tới 91,3 - 133,3 triệu đồng/m2 tùy thửa, cao gấp nhiều lần so mức giá khởi điểm vốn chỉ có 7,3 triệu đồng/m2.
Vậy nhưng, đến hết hạn nộp tiền ngày 14/9/2024 ở huyện Thanh Oai, mới có 14/68 thửa đất được người mua nộp đủ tiền sử dụng đất. Còn 19 thửa đất đấu giá tại ở Hoài Đức, đến nay vẫn chưa thấy nộp tiền, dù đã hết hạn. Các phiên đấu giá đất ngoại thành Hà Nội, được đấu giá cao gấp 8 - 18 lần một cách vô lý và bất thường so với giá khởi điểm, sau đó lại bỏ cọc hàng loạt... cho thấy đây là hành vi đầu cơ, thổi giá nhằm tạo mặt bằng giá cao, nhưng là giá “ảo”. Sau đó, bán lại ngay để hưởng chênh lệch lớn.
ĐẨY GIÁ ĐẤT DƯỚI CHIÊU BÀI ĐẤU GIÁ
Đây là phiên đấu giá đất tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội diễn ra vào ngày 29/8/2024. Mức đặt cọc được xác định bằng 20% giá trị diện tích đất, tương đương từ 450 triệu đồng - gần 700 triệu đồng/thửa. Đã có gần 350 người đủ điều kiện đấu giá. Mức giá cao nhất ghi nhận tới 60 triệu/m2, cao gấp gần 3 lần so với giá khởi điểm.
Theo UBND huyện Phúc Thọ, mức giá khởi điểm được đưa ra sát với giá thị trường. Nhưng qua khảo sát thực tế, đây là mức giá cao so với mặt bằng đấu giá chung.
Ngay sau phiên đấu giá, thị trường “chợ đen” đã hình thành. Những lô đất vừa trúng đấu giá đã được chào bán với giá chênh tới vài trăm triệu đồng/lô.
Chỉ ít phút ngay sau khi phiên đấu giá đất kết thúc, xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán đối với các lô trúng đấu giá đất. Theo tìm hiểu, mỗi lô đều bán chênh từ 200 -400 triệu đồng.
Nhiều người chậm chân, đều không thể mua được lô đất với giá chênh theo ý muốn.
Còn tại khu vực đất được đấu giá, việc mua bán còn sôi động hơn. Lều lán được dựng sẵn, số điện thoại biển hiệu cũng được đặt từ sớm. Đây được xem là hoạt động bình thường sau mỗi phiên đấu giá.
Hàng loạt trang mạng rao bán ngay sau phiên đấu giá. Để tạo sự tin tưởng, giấy xác nhận trúng đấu giá được đăng công khai. Sau nửa ngày, những lô đất đấu giá tại Phúc Thọ lập đỉnh rao bán chênh tới 800 triệu đồng/lô.
Vậy là chỉ có cò đất và người lợi dụng đấu giá để thổi giá đất và đầu cơ là hưởng lợi. Còn người dân có nhu cầu đất ở thật lại không thể... đấu giá nổi! Nghịch lý là chỗ ấy! Thực tế, một số đối tượng tham gia đấu giá đất không thực sự có nhu cầu về đất ở, nhà ở, mà chủ yếu vì mục đích đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao, thổi giá và bán lại ngay lô đất vừa trúng đấu giá để thu lợi. Nếu chưa bán sang tay lại ngay thì họ “lờ đi” chuyện nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá và cũng sẵn sàng bỏ luôn khoản tiền cọc này.
Diễn biến bất thường tại các phiên đấu giá đất ở ngoại thành Hà Nội thời gian qua, cùng với Báo cáo của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, giai đoạn năm 2015-2023... đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận chiều 28/10/2024 về giải pháp ngăn chặn bỏ cọc khi trúng đấu giá đất. Theo đó, khi tổ chức đấu giá đất, phải công khai quy hoạch, điều chỉnh hợp lý giá trong bảng giá đất, làm cơ sở tính giá khởi điểm. Có thể bổ sung vào quy chế đấu giá việc công khai nếu bỏ cọc, nhằm hạn chế đối tượng lợi dụng đấu giá đất để thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.
CÔNG KHAI NGƯỜI BỎ CỌC SAU TRÚNG ĐẤU GIÁ
Mặc dù biết đây là các chiêu trò thổi giá của các giới đầu tư, tuy nhiên theo đại biểu, rất khó xử lý khi đó là những giao dịch dân sự và thuận mua - vừa bán, có đóng thuế và phí chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Bất bình thường mà chưa có cách xử lý hiệu quả.
Phải cấp thiết nghiên cứu các biện pháp mạnh, để kiểm soát đầu cơ nhà đất và bỏ cọc. Chẳng hạn, khi góp ý cho dự thảo Luật Đấu giá (sửa đổi), đã từng có đề nghị tăng tiền đặt cọc lên bằng một nửa giá trị đất trúng đấu giá, thay vì tối đa chỉ 20%. Nhưng có ý kiến lại không đồng ý với đề xuất tăng tiền đặt cọc, vì nếu như vậy sẽ hạn chế số người tham gia đấu giá và làm mất đi tính cạnh tranh. Vậy làm thế nào để hết cảnh bỏ cọc?
Từ các phiên đấu giá đất thâu đêm suốt sáng, với mức cao bất thường và sau đó, người trúng thầu đấu giá lại không thể nộp tiền và có dấu hiệu bỏ cọc, theo các đại biểu, nếu cứ tồn tại kiểu đấu giá không thực chất, sẽ lũng đoạn thị trường hòng trục lợi và cần phải nghiêm trị.
Đã từng có đề xuất là cấm người bỏ cọc 12 tháng, không được tham gia đấu giá ở lĩnh vực ấy nữa. Muốn vậy, cần công khai tên tuổi, địa chỉ và những thông tin liên quan đến người trúng đấu giá, sau đó lại bỏ cọc.
LOAY HOAY XỬ LÝ THỔI GIÁ, BỎ CỌC
Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chuyện tiêu cực đấu giá đất, là do công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, một số địa phương cũng chưa chủ động tạo quỹ đất để đấu giá. Còn bảng giá đất, lại chưa được điều chỉnh kịp thời.
Nhiều người còn nhớ bài học nhãn tiền, như vụ Tân Hoàng Minh trúng đấu giá đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm-TP.HCM tới 2 tỷ 400 triệu đồng/m2, sau đó liền "bỏ của chạy lấy người", mặc dù chịu mất khoảng 500 tỷ đồng đặt cọc. Chắc chắn, đây là điều bất thường. Thổi giá nhiễu loạn là nguyên nhân chính, dẫn tới giá nhà đất tăng cao đến mức vô lý và bất thường thời gian qua. Chỉ tội cho người dân mong mỏi có căn nhà để thoát cảnh ở thuê mướn, nhưng vì ít tiền nên không biết bao giờ mới mua được! Mà thông thường, mặt bằng giá đất khi đã tăng lên thì ít khi quay về mức cũ. Còn xử lý chiêu thổi giá, bỏ cọc khi đấu giá đất, vẫn cứ loay hoay mãi!
Vậy nên, những giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường để hạn chế và chống thổi giá, bỏ cọc, là đáng chú ý.
Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn của chúng tôi, với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy!
RÚT NGẮN THỜI GIAN NỘP TIỀN
Mạng xã hội bàn luận: Dù đã được cơ quan chức năng vào cuộc, nhưng diễn biến những phiên đấu giá vẫn không có gì thay đổi, thậm chí, giá còn tiếp tục tăng cao. Dù có công khai người bỏ cọc đấu giá đất vẫn chỉ là xử lý phần ngọn và có khi người bỏ cọc lại càng nổi tiếng và làm ăn càng phát đạt hơn. Vấn đề ở đây là khâu xử lý: Đó là tăng tiền đặt cọc theo từng vòng đấu giá, lũy tiến để buộc người đấu giá phải cân nhắc khi bỏ cọc; cần phạt tiền và cấm người bỏ cọc đấu thầu đất công tới 10 năm tiếp theo.
Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất rút ngắn thời gian nộp tiền thanh toán trúng đấu giá và bổ sung việc công khai những người trúng giá cao nhưng lại bỏ cọc, nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản; Có các biện pháp bảo đảm nguồn cung bất động sản, nhà ở, đất ở với giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng tiếp cận và khả năng mua của đại đa số người dân có nhu cầu thực, để khắc phục chuyện mất cân đối cung - cầu bất động sản, kể cả các sản phẩm đấu giá quyền sử dụng đất.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!