Xóa nhà tạm, nhà dột nát - mệnh lệnh từ trái tim

Bài 2:
LINH HOẠT TRONG THỰC HIỆN

BPO - Tiếp nối thành công từ Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, Bình Phước triển khai thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát với tâm thế chủ động nhờ những kinh nghiệm được đúc rút từ thực tế nhiều năm nay. Nhờ đó, quá trình triển khai dù gặp nhiều “ca khó” nhưng bằng sự linh hoạt, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở, các ngôi nhà được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ đề ra.

Nhà tiền chế, lắp ghép

Huyện Bù Đăng có 16 đơn vị hành chính, gồm 15 xã và 1 thị trấn với 34 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó hơn 40% là người dân tộc thiểu số. Theo quy hoạch khoáng sản của Chính phủ, Bù Đăng có khoảng 50% diện tích trong vùng quy hoạch bô-xít, trong đó có 18.911 căn nhà dân sinh bị ảnh hưởng. Trong quá trình triển khai, huyện có 91 hộ dân được xây dựng nhà ở thuộc chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát có đất trong vùng quy hoạch bô-xít. Ngoài ra còn hàng ngàn héc-ta vướng đất lâm phần chưa giao về địa phương quản lý.

Nhà tiền chế, nhà lắp ghép được chính quyền huyện Bù Đăng lựa chọn xây dựng cho người dân có đất trong khu vực quy hoạch khoáng sản bô-xít

Nhà tiền chế, nhà lắp ghép được chính quyền huyện Bù Đăng lựa chọn xây dựng cho người dân có đất trong khu vực quy hoạch khoáng sản bô-xít

Xác định thủ tục hồ sơ pháp lý là rào cản lớn nhất trong quá trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Bù Đăng, phương án xây dựng nhà lắp ghép, nhà tiền chế đã được lãnh đạo huyện tính toán lựa chọn. Ưu điểm của loại nhà này là chi phí thấp, thời gian thi công ngắn, lúc cần thiết có thể tháo dỡ và tái sử dụng được khoảng 70% giá trị ngôi nhà. Tuy nhiên, đây là việc làm chưa từng có tiền lệ, nên chính quyền địa phương đã phải “cân đo, đong đếm” kỹ.

Sau khi xin chủ trương và được lãnh đạo tỉnh đồng ý cho xây dựng nhà tiền chế trên đất lâm phần và đất quy hoạch bô-xít, chúng tôi đã thí điểm một vài căn để xem xét mẫu mã, giá thành, chất lượng. Nhận thấy các căn nhà đảm bảo theo tiêu chuẩn của tỉnh đưa ra, chúng tôi đã huy động cả hệ chính trị vào cuộc để nhân rộng mô hình.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Nguyễn Văn Lưu

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Nguyễn Văn Lưu cho biết: “Phòng Kinh tế và Hạ tầng được giao nhiệm vụ thiết kế các mẫu nhà đảm bảo đúng tiêu chuẩn đưa ra. Phòng Nông nghiệp và Môi trường được giao nhiệm vụ xác định tọa độ các vùng đất xây dựng nhà có vướng đất lâm phần hay quy hoạch bô-xít hay không? Nếu vướng thì khẩn trương hoàn thành thủ tục pháp lý, cũng như các bản cam kết với người dân để đẩy nhanh tiến độ công trình. Các phòng, ban, xã, thị trấn cùng vào cuộc điều tra, khảo sát. Đối với những căn nhà ở vùng sâu, vùng xa thì huy động lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, đoàn thanh niên… hỗ trợ nhân công tháo gỡ công trình, bàn giao mặt bằng để nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ”.

Trên cơ sở phân công nhiệm vụ theo tinh thần 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm”; cùng với quyết tâm, sáng tạo của đội ngũ cán bộ “6 dám”, đó là “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo và dám hành động”, chỉ trong thời gian ngắn, toàn bộ 170 căn nhà lắp ghép, tiền chế mới và 32 căn nhà sửa chữa đã hoàn thành và được các cấp chính quyền huyện Bù Đăng bàn giao cho hộ nghèo, cận nghèo trước ngày 25-4.

Nói về các ngôi nhà tiền chế, nhà lắp ghép, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Hà Anh Dũng cho biết, dù trong khoảng thời gian rất ngắn nhưng các ngôi nhà tiền chế, nhà lắp ghép được thiết kế rất hài hòa, đẹp mắt. Đặc biệt tính sáng tạo trong việc sử dụng nhà lắp ghép, nhà tiền chế được lãnh đạo tỉnh đánh giá rất cao. Bởi các ngôi nhà này được dựng trên đất lâm phần, đất quy hoạch bô-xít, do đó khi nhà đầu tư bắt tay vào khai thác, các ngôi nhà này có thể tháo rời, di dời đến nơi khác để bàn giao mặt bằng mà vẫn tận dụng lại 70% giá trị của ngôi nhà.

Sức mạnh của cả hệ thống chính trị

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát được triển khai với sự huy động đa nguồn lực. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách địa phương, tỉnh còn tận dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 để hỗ trợ chương trình. Sở Tài chính đã hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện thủ tục chuyển nguồn và sử dụng hiệu quả ngân sách cho chương trình. Trong quá trình triển khai, các đơn vị như Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng đã phối hợp để tháo gỡ khó khăn liên quan đến quỹ đất xây dựng, nhất là với những hộ trong vùng quy hoạch bô-xít hoặc đất lâm phần. Những trường hợp chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc gặp vướng mắc về quy hoạch cũng được địa phương hỗ trợ để giải quyết kịp thời.

Các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Bù Đốp đã tự nguyện mua tặng hơn 5.000m2 đất để hỗ trợ xây nhà cho người dân

Các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Bù Đốp đã tự nguyện mua tặng hơn 5.000m2 đất để hỗ trợ xây nhà cho người dân

Ngay sau khi bàn giao mặt bằng, các đơn vị liên quan khẩn trương bắt tay triển khai thực hiện chương trình

Ngay sau khi bàn giao mặt bằng, các đơn vị liên quan khẩn trương bắt tay triển khai thực hiện chương trình

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Hà Anh Dũng cho biết: Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, để chỉ còn 765 căn nhà cần xây mới và sửa chữa đợt này, từ nhiều năm trước, Bình Phước đã nỗ lực triển khai xây dựng hàng ngàn căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người có công từ nguồn lực Nhà nước và đóng góp của xã hội. Đối với chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, ngay từ cuối năm 2024, UBMTTQVN tỉnh đã phát động phong trào và kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, đơn vị và các cá nhân chung tay chia sẻ. Ngay thời điểm phát động, UBMTTQVN tỉnh tiếp nhận được 111 tỷ đồng và đã công bố trực tiếp tại hội nghị. Trong đó, các tổ chức thiện nguyện, đoàn, hội quần chúng trên địa bàn tỉnh đóng góp 86 tỷ đồng để xây nhà tạm, nhà dột nát và chăm lo an sinh xã hội; số tiền còn lại chuyển vào Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh do UBMTTQVN tỉnh tiếp nhận thực hiện nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng ưu tiên trích nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương 5% mỗi năm để thực hiện nhiệm vụ này.

Trong quá trình thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh nhận được sự chung tay của các cá nhân, tổ chức, cộng đồng các doanh nghiệp, điển hình như Tập đoàn HAOHUA (Khu công nghiệp Minh Hưng - Sikico); Tập đoàn Becamex Bình Phước cũng đã đăng ký trong 3 năm sẽ hỗ trợ 500 căn nhà cho người dân thông qua MTTQVN; Tập đoàn Trường Tươi Bình Phước đã đăng ký xóa 200 căn nhà tạm, nhà dột nát…

Xóa nhà tạm, nhà dột nát là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước; thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”, đại đoàn kết toàn dân tộc, “đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công. Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, sự chung tay của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm... đã góp phần giúp người dân được thụ hưởng những ngôi nhà khang trang, sạch đẹp hơn.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Hà Anh Dũng

Tại huyện biên giới Bù Đốp - một trong những địa phương thuộc diện khó khăn của tỉnh, theo khảo sát, huyện có 102 hộ có nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tuy nhiên, cái khó của địa phương trong quá trình triển khai, nhiều hộ không có đất để xây nhà. Ông Văn Công Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, trước những khó khăn nêu trên, Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện đã tranh thủ huy động tối đa các nguồn lực, trong đó vận động các doanh nghiệp cùng cộng đồng trách nhiệm, chung tay để giải bài toán khó này. Điều đáng mừng, quá trình vận động diễn ra khá suôn sẻ, các doanh nghiệp đã tự nguyện mua tặng hơn 5.000m2 đất để hỗ trợ người dân làm nhà. Ngay sau khi có đất, huyện chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai làm mặt bằng, đường giao thông kết nối… Điện lực Bù Đốp và các đơn vị liên quan hỗ trợ nhân dân kéo điện, xây dựng hệ thống nước sinh hoạt. Chỉ trong thời gian ngắn, 17 căn nhà kiên cố được xây dựng trên khu đất được các doanh nghiệp trao tặng đã hoàn thành và bàn giao trong niềm vui vỡ òa của người dân.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Xác định xóa nhà tạm, nhà dột nát là mệnh lệnh từ trái tim, do đó khi triển khai chương trình đã nhận được sự ủng hộ rất cao của cả hệ thống chính trị. Tại các cấp từ tỉnh đến xã đều thành lập ban chỉ đạo, lãnh đạo UBND chỉ đạo trực tiếp và chịu trách nhiệm đối với tiến độ thực hiện chương trình. Quá trình triển khai thực hiện, các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể căn cứ vào nhiệm vụ phân công, ai cũng cố gắng hoàn thành tốt nhất phần việc đơn vị mình được giao. Đặc biệt là sự đồng lòng của người dân, cũng như sự chung tay, góp sức của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ tiền, ngày công lao động, đất ở để người dân được thụ hưởng những ngôi nhà khang trang, kiên cố.

Xuân Túc - Ngọc Bích

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/172766/xoa-nha-tam-nha-dot-nat-menh-lenh-tu-trai-tim
Zalo