Xóa nhà tạm, nhà dột nát - cần sự chung tay của cả cộng đồng

Sáng 9.2, trong chương trình thăm, làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kiểm tra thực tế thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh Quảng Ngãi. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sát của người đứng đầu Chính phủ đối với việc triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, để 'không ai bị bỏ lại phía sau'.

Mái ấm của sự sẻ chia

Từ khi bắt đầu phát động chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, đến nay nhiều bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc rất tích cực. Nhiều mái ấm đã được xây nên bởi sự chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hộ gia đình ông Trần Trung Kiên, tại xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi - hộ gia đình vừa có căn nhà được sửa chữa khang trang, sạch đẹp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hộ gia đình ông Trần Trung Kiên, tại xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi - hộ gia đình vừa có căn nhà được sửa chữa khang trang, sạch đẹp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

"Tất cả các chủ thể có liên quan, mỗi người, mỗi tổ chức trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, phát huy hết khả năng, tâm huyết, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo để chung tay, góp sức tạo phong trào sâu rộng, thực chất, hiệu quả thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Đơn cử như Quảng Ngãi, toàn tỉnh đã triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát và đã xây dựng được hơn 2.100 căn nhà cho gia đình chính sách, người nghèo khó khăn về nhà ở. Đây là sự nỗ lực rất lớn của tỉnh trong việc thực hiện cũng như huy động sự chung tay của các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội… cùng chung tay thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới, nơi còn nhiều hộ nghèo. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện, tỉnh Hà Giang đã xây dựng được 2.175 nhà/tổng số 10.688 hộ cần hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong đó có 2.009 nhà xây mới, 166 nhà sửa chữa. Hay như ở Thanh Hóa, tính từ tháng 3.2024 cho đến hết năm 2024, toàn tỉnh đã vận động được 226 tỷ đồng và đã hỗ trợ làm nhà cho trên 4.000 căn nhà...

Nhiều bộ, ngành đã rất tích cực ủng hộ chương trình này bằng những đóng góp thiết thực vào Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Những ngôi nhà tạm được thay thế bởi ngôi nhà vững chãi. Những ngôi nhà dột nát được sửa chữa thành những ngôi nhà kiên cố để bảo đảm an toàn cho cuộc sống của người dân. Những ngôi nhà ấy được xây nên bởi sự đoàn kết, sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị vì “mái ấm cho đồng bào mình”.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Về kết quả triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, về xác định thời gian hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, một số địa phương đặt mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát sớm hơn yêu cầu. Trong đó, tỉnh Bắc Ninh là địa phương đặt mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát sớm nhất (hoàn thành chậm nhất vào ngày 3.2.2025); 7 địa phương xác định hoàn thành trong quý II.2025 (Lào Cai, Thái Nguyên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kon Tum, Tây Ninh, Long An); 12 địa phương xác định hoàn thành trong quý III.2025 (Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Gia Lai, Tiền Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau)… Đây là những cam kết chính trị rất lớn của lãnh đạo địa phương, cũng như sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân cùng chung tay thực hiện đối với người dân còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.

Những ngôi nhà được sửa chữa, xây mới đó là những “quả ngọt” bước đầu. Những cam kết hoàn thành về đích trước hạn là những tín hiệu vui, tích cực để các địa phương trên cả nước nhìn vào đó có động lực tiếp tục, tăng tốc triển khai thực hiện chương trình.

Số nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước vẫn còn nhiều. Để hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, đòi hỏi các địa phương phải đổi mới phương pháp huy động nguồn lực theo hướng đa dạng hóa nguồn lực, ngoài huy động nguồn lực từ trung ương, địa phương cần có sự chung tay, giúp sức của cả cộng đồng, trong đó có các doanh nghiệp, cá nhân có điều kiện cùng “chia ngọt, sẻ bùi”. Muốn thực hiện được điều này đòi hỏi sự phát huy vai trò của cá nhân người đứng đầu trong công tác dân vận, cũng như quyết tâm, quyết liệt triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Cùng với đó, cần giám sát chặt chẽ để bảo đảm việc sử dụng nguồn lực dành cho chương trình được hiệu quả, công khai minh bạch, tránh phát sinh tiêu cực, lãng phí, tham nhũng khi thực hiện chương trình. Có như vậy, mới bảo đảm chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát đến được đúng đối tượng thụ hưởng, để người dân được “an cư lạc nghiệp”, “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Thành An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/xoa-nha-tam-nha-dot-nat-can-su-chung-tay-cua-ca-cong-dong-post404008.html
Zalo