37 tỉ đồng phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn

UBND tỉnh vừa triển khai phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn năm 2025 trên địa bàn, với những giải pháp quyết liệt. Tổng kinh phí phục vụ công tác phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn trong sản xuất năm 2025 của các địa phương, đơn vị gần 20 tỉ đồng; kinh phí phòng, chống thiếu nước sinh hoạt hơn 17 tỉ đồng.

UBND tỉnh đang triển khai các giải pháp đảm bảo nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trong ảnh: Nông dân phường 1, TP Tuy Hòa trồng rau xanh. Ảnh: MINH ĐĂNG

UBND tỉnh đang triển khai các giải pháp đảm bảo nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trong ảnh: Nông dân phường 1, TP Tuy Hòa trồng rau xanh. Ảnh: MINH ĐĂNG

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan chủ động xây dựng phương án, kế hoạch, giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho từng vùng. Với những vùng không đảm bảo nguồn nước, các địa phương hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và thực hiện chế độ tưới nước tiết kiệm. Các đơn vị quản lý công trình thủy lợi chủ động triển khai sửa chữa, tu bổ, nạo vét công trình, kênh mương, kênh dẫn, cống lấy nước, bể hút… đảm bảo thông suốt nguồn nước trên toàn hệ thống; đồng thời tiến hành sửa chữa máy bơm nước và các thiết bị khác để không xảy ra sự cố trong thời gian chống hạn. Ngoài ra, các đơn vị cần tăng cường khả năng lượng nước dự trữ từ các ao, hồ, sông, suối… để bổ sung vào trạm bơm dã chiến khi cần thiết.

Để đảm bảo nguồn nước sản xuất, Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam xây dựng phương án vận hành các trạm bơm chống hạn tại khu vực Đồng Bò, Hòa Mỹ Đông; lắp đặt các trạm bơm điện dã chiến để bơm nước bổ sung vào hệ thống kênh Nam. Đối với hệ thống kênh Bắc, công ty cũng chuẩn bị phương án lắp đặt một số trạm bơm điện dã chiến để bổ sung nguồn nước khi hạn hán xảy ra.

Các đơn vị vận hành hệ thống thủy nông gồm: Tam Giang, Phú Xuân có kế hoạch tổ chức lắp đặt trạm bơm điện dã chiến để bơm nước từ mực nước chết của các hồ đổ vào kênh; đồng thời sử dụng các máy bơm dầu đặt lưu động tại các vị trí có nguồn nước để bơm chống hạn ở những vùng cao, xa, bị hạn cục bộ.

Đối với nguồn nước sinh hoạt, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương chủ động lồng ghép nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để xây dựng công trình cấp nước ở những khu vực khó khăn về nguồn nước, vùng đồng bào DTTS. Hiện, việc khoan và đào giếng ở khu vực hạn hán gặp khó khăn khi giá thành đầu tư lớn, nguồn nước ngầm ít nên các địa phương đề xuất sử dụng phương tiện chở nước sạch cung cấp cho người dân.

Dự báo, từ tháng 4-8, nắng nóng xảy ra cục bộ tại vùng núi phía Tây của tỉnh. Mùa đông năm nay, lượng mưa có khả năng thấp hơn từ 10-25% so với trung bình nhiều năm. Do vậy, khu vực vùng núi và ven biển trong tỉnh có nguy cơ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn.

Vụ đông xuân 2024-2025, toàn tỉnh gieo sạ 26.600ha lúa; vụ hè thu 2025 dự kiến gieo sạ 24.500ha lúa. Nếu tình hình nắng nóng kéo dài trên diện rộng từ tháng 5-8, dự kiến toàn tỉnh có hơn 6.400 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

MINH ĐĂNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/325805/37-ti-dong-phong-chong-han-han-thieu-nuoc-va-xam-nhap-man.html
Zalo