Xóa nhà tạm là trách nhiệm chính trị, sự tri ân đối với nhân dân

'Có đến từng gia đình nằm trong diện được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, mới thấy hết ý nghĩa và giá trị nhân văn của phong trào này. Họ đều là những người yếu thế trong xã hội và chúng ta sẽ không để họ lại phía sau trên con đường tiến tới no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh'.

Đại tá Nguyễn Trường Vinh, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 (Binh đoàn 15) chia sẻ như vậy khi cùng chúng tôi đến thăm, động viên 39 hộ gia đình trên địa bàn huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum được đơn vị hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong đợt này.

 Đại tá Nguyễn Trường Vinh, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 (ngoài cùng bên phải) và lãnh đạo đơn vị, địa phương, già làng đi kiểm tra xóa nhà tạm cho nhân dân.

Đại tá Nguyễn Trường Vinh, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 (ngoài cùng bên phải) và lãnh đạo đơn vị, địa phương, già làng đi kiểm tra xóa nhà tạm cho nhân dân.

Theo Đại tá Nguyễn Trường Vinh, phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, có tính nhân văn sâu sắc, được cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ. Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 cũng cam kết và nỗ lực thực hiện bằng được mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhằm mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho người lao động và nhân dân.

Địa bàn Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 đóng quân và thực hiện nhiệm vụ có đường biên giới dài 51,1km với 17 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 74%. Điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn. Ngôi nhà kiên cố, khang trang là niềm mơ ước, điểm tựa vững chắc cho mỗi gia đình an cư lạc nghiệp, vươn lên thoát nghèo bền vững. Vì vậy, trong những năm qua, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 đã có nhiều cách làm hay trong huy động nguồn lực, kinh phí hỗ trợ người lao động, nhân dân xây dựng 50 căn “Nhà đồng đội”, “Nhà đại đoàn kết”, “Nghĩa tình 78”, “Nhà từ thiện”, tổng trị giá gần 3 tỷ đồng. Trong đó, “Nhà nghĩa tình 78” được xây từ tiền đóng góp hằng tháng của cán bộ, nhân viên đơn vị.

"Năm 2025, đến thời điểm hiện tại, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 đã huy động kinh phí 1,745 tỷ đồng, cùng hàng trăm ngày công giúp nhân dân xóa 39 căn nhà tạm, nhà dột nát và đã tổ chức khởi công xây dựng 24 căn, trong đó có 3 căn nhà đã hoàn thiện, bàn giao cho gia đình sử dụng. Các căn nhà còn lại dự kiến hoàn thành trước ngày 15-7-2025. Đồng thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15, đơn vị tiếp tục rà soát, huy động nguồn lực để hỗ trợ nhân dân xóa thêm nhiều nhà tạm, nhà dột nát trong thời gian tới. Đảng ủy, Ban chỉ huy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 xác định, đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là trách nhiệm và sự tri ân của đơn vị đối với nhân dân", Đại tá Nguyễn Trường Vinh chia sẻ.

Lãnh đạo Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 trao quà và kinh phí hỗ trợ gia đình anh A Sách, chị Y Thúy.

Lãnh đạo Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 trao quà và kinh phí hỗ trợ gia đình anh A Sách, chị Y Thúy.

Lãnh đạo Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 và địa phương chụp ảnh chung với gia đình anh A Sách, chị Y Thúy.

Lãnh đạo Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 và địa phương chụp ảnh chung với gia đình anh A Sách, chị Y Thúy.

Đúng như lời đồng chí Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 nói, những gia đình trong diện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát đều rất khó khăn và ngôi nhà chính là niềm mơ ước của họ. Anh A Sách, chị Y Thúy, trú tại làng Kđin, xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy rạng ngời trong ngày về nhà mới, nụ cười tươi luôn thường trực trên môi đôi vợ chồng trẻ.

Anh A Sách cho hay, đây là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn mà nếu không có sự quan tâm hỗ trợ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 thì gia đình anh không bao giờ có được. Anh A Sách là người dân tộc Jrai, ở xã Đăk Ring, huyện Kon Plông đến đây lập nghiệp. Vợ chồng anh chị lấy nhau gần như chỉ có hai bàn tay trắng, may mắn được Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 nhận vào làm công nhân để có thu nhập ổn định, nay lại hỗ trợ ngày công, kinh phí xây nhà mới. Có nhà mới, vợ chồng anh chị yên tâm tư tưởng, chăm chỉ lao động sản xuất, gắn bó xây dựng vùng biên giới Mô Rai.

Nụ cười rạng ngời hạnh phúc của vợ chồng anh A Sách, chị Y Thúy.

Nụ cười rạng ngời hạnh phúc của vợ chồng anh A Sách, chị Y Thúy.

Anh A Biên, người dân tộc Jrai, trú tại thôn Ia Xoăn, xã Mô Rai kết duyên với chị Y Loan, người dân tộc Rơ Măm nhiều năm nhưng vẫn sống trong căn nhà tạm. Ngày Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 và chính quyền địa phương đến khởi công xây dựng nhà mới, anh chị mừng rơi nước mắt. Anh A Biên nói với mọi người rằng, gia đình anh là gia đình đoàn kết dân tộc, còn căn nhà mà Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 hỗ trợ xây dựng là đoàn kết quân dân. Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thành công.

Đồng chí Lê Văn Cao, Phó chủ tịch UBND xã Mô Rai khẳng định, sự chung sức xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 rất thiết thực và ý nghĩa. Vì việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn xã Mô Rai nói riêng và huyện Sa Thầy nói chung gặp nhiều khó khăn do số lượng nhà nhiều, nguồn kinh phí hạn chế, thời gian gấp rút. Vậy nên, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là sự đồng lòng, chung sức của các đơn vị Quân đội, vì cuộc sống an cư, hạnh phúc của nhân dân.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/xoa-nha-tam-la-trach-nhiem-chinh-tri-su-tri-an-doi-voi-nhan-dan-825746
Zalo