Xóa nạn 'thân hữu' giữa quan chức và doanh nghiệp - Bài 1: Những quan hệ… triệu đô
Các đại án tham nhũng thời gian qua khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ lẫn đau đớn.
LTS: Đầu tháng 9-2024, tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, khi nhận xét báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024, các đại biểu cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt và hiệu quả hơn...
Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực đến nay vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt là có sự câu kết giữa những cán bộ thoái hóa, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi.
Loạt bài “Xóa nạn ‘thân hữu’ giữa quan chức và doanh nghiệp” sẽ phân tích bản chất, tác động của các mối quan hệ giữa một bộ phận đảng viên, công chức thoái hóa, biến chất với các doanh nghiệp, trong đó có những cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý trong hơn 10 năm qua; đánh giá, nhận diện tình trạng “thân hữu”, từ đó kiến nghị các giải pháp để khắc phục tình trạng trên.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong nhiều vụ án tham nhũng nhấn đi nhấn lại cụm từ “vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng…”. Gần đây là các vụ kit test Việt Á, chuyến bay giải cứu, Hậu “pháo”, Vạn Thịnh Phát, Công ty Xuyên Việt Oil… Một trong những điểm đáng chú ý là sự bất thường, nạn “thân hữu”, “sân sau” trong mối quan hệ giữa quan chức với doanh nghiệp (DN).
Hoàn cảnh sinh ra nạn 'thân hữu'…
TS Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Nội chính Trung ương, trong ấn phẩm “Hỏi - đáp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam”, lý giải: Quan hệ thân hữu giữa DN và chính quyền là sự kết hợp nhằm tạo các điều kiện ưu đãi, cách cư xử thiên vị của chính quyền trong việc cung cấp tài chính, giấy phép, các khoản miễn, giảm thuế và các hình thức can thiệp khác theo hướng có lợi cho DN.
Nhìn lại hồ sơ các vụ án tham nhũng, không khó để nhìn ra tính phổ biến của nạn 'thân hữu' trong một số lĩnh vực như quản lý và sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, tài chính - ngân hàng, quản lý và sử dụng tài nguyên, khoáng sản.
Tình trạng này dù được Đảng, Nhà nước quyết tâm xử lý bằng nhiều giải pháp đúng hướng, trên tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”, thế nhưng nhìn chung vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, trong đó có những sai phạm lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Có nhiều quan điểm giải thích cho sự xuất hiện của nạn “thân hữu”. Hơn 10 năm trước, trong ấn phẩm “Một số giải pháp nhằm hạn chế mối quan hệ không bình thường giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền với các DN để trục lợi ở nước ta” - TS Lê Hồng Liêm, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cùng các cộng sự đã chỉ ra rằng: Quá trình đổi mới ở Việt Nam (VN) đã khởi xướng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Bên cạnh những lợi ích to lớn mà nền kinh tế thị trường mang lại, VN cũng đối mặt với một thách thức lớn, đó là những cú “bắt tay” đậm màu sắc tiêu cực giữa một số quan chức và doanh nghiệp.
Mở rộng phòng, chống tham nhũng ngoài Nhà nước
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí; kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng; kịp thời xử lý, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, DN… Từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.
(Trích Văn kiện Đại hội Đảng XIII)
Với công cụ pháp luật trong tay, đã có những cán bộ, công chức thiết lập mối quan hệ trên xuống rất rõ ràng và đầy quyền lực với DN, tác động lớn đến sự phát triển của DN.
Còn các DN nếu muốn tiếp cận các nguồn lực để phát triển, phải có sự năng động nhất định trong việc thiết lập các mối quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ với quan chức. Hệ quả là một số hiện tượng tiêu cực nảy sinh, như “lợi ích tương quan”, “đi đêm”, “bí mật”, “lót tay”...
Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng một trong những lý do làm nảy sinh mối “thân hữu” giữa quan chức với doanh nghiệp là tác động không mong muốn của quá trình phát triển nền kinh tế thị trường. DN và một bộ phận công chức có quyền lực bắt tay nhau để thuận lợi tiếp cận các dự án với nhiều điều kiện ưu đãi về chi phí, giá cả, nguồn lực. Thậm chí các nhóm thân hữu còn tìm cách tác động và làm méo mó quá trình xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách như cơ chế tiếp cận vốn, đất đai, điều kiện sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu…
… Nhưng cái chính là suy thoái đạo đức
Việc quản lý quan hệ giữa cán bộ, công chức với DN là không hề dễ dàng. Tính đến hết năm 2022, tại VN có đến gần 896.000 DN đang hoạt động, tăng hơn ba lần sau 12 năm. Trong khi đó, tính đến hết năm 2021, VN có trên 230.000 công chức của các cơ quan Trung ương (chưa tính Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) và địa phương.
Những con số này cho thấy để có một môi trường kinh tế đa thành phần năng động, hệ thống cán bộ, công chức phải nỗ lực để xây dựng, phổ biến hệ thống pháp luật đầy đủ, minh bạch, công bằng; đồng hành, hỗ trợ, gỡ vướng khó khăn; tạo ra hệ sinh thái đầu tư hấp dẫn. Đó là xu thế chủ đạo mà Đảng, Nhà nước theo đuổi.
Thế nhưng trong số hàng trăm ngàn DN cạnh tranh quyết liệt các nguồn lực hữu hạn (như đất đai, tài nguyên, năng lượng, nguồn vốn, thông tin…), xuất hiện một số đơn vị kết nối với một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Nhận diện được thách thức này nên Đảng, Nhà nước trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng đã không ngừng nghiên cứu và ban hành các giải pháp “phòng” như xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội; xây dựng cơ chế phòng ngừa; cải cách công tác cán bộ, quản lý hành chính, đồng thời tăng cường các giải pháp “chống” tham nhũng, tiêu cực bằng nhiều giải pháp giám sát, phát hiện và xử lý.
Vì thế, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho hoàn cảnh phát triển kinh tế thị trường, hay cho cơ chế khi nói về nguyên nhân gốc rễ của nạn 'thân hữu'.
Theo TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nói kinh tế thị trường hay nói cơ chế còn nhiều hạn chế làm nảy sinh nạn 'thân hữu' là chưa hoàn toàn chuẩn xác bởi đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Chúng ta đến nay đã có hàng trăm bộ luật, luật, văn bản dưới luật để thực thi các quy định, nghĩa là chúng ta đã và đang hoàn thiện mạnh mẽ vành đai cơ chế. Theo TS Nhị Lê, nếu chúng ta có làm thêm hàng ngàn quy định khác nhưng vấn đề suy thoái đạo đức của cán bộ, quan chức không được giải quyết thì họ cũng sẽ tìm cách “lách luật” để trục lợi.
“Nhiều đại án tham nhũng trong thời gian qua, theo tôi, nguyên nhân chủ yếu là do cán bộ bị suy thoái đạo đức hơn là vì cơ chế. Nói cách khác, những cán bộ, đảng viên phải “hầu tòa” đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đồng thời “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và hệ lụy tất yếu là sinh ra nạn tham nhũng, tiêu cực, trong đó có biểu hiện thân hữu, trái với chuẩn mực đạo đức của người cộng sản “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
“Đảng và Nhà nước nhận diện rõ và rất quyết liệt với vấn nạn này. Tại các kỳ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư khóa XI, XII và XIII đều tập trung vào việc thảo luận và tìm ra các giải pháp phòng, chống các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Nói cách khác, chúng ta không chỉ tìm cách phát triển kinh tế thị trường mà song hành sẽ là việc nâng cao đạo đức, sự tự giác và kiên định của công chức trước cám dỗ lợi ích bất chính” - ông Nhị Lê nói.
Cán bộ không muốn làm sai, DN nào dám ép?
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.
Còn nếu tính riêng trong vòng nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, có gần 52.000 đảng viên bị kỷ luật, trong đó có 91 cán bộ diện Trung ương quản lý. Giai đoạn này cũng chứng kiến 1.300 vụ với 3.500 bị can trong các vụ án tham nhũng bị khởi tố mới, tăng hơn gấp đôi về số vụ và hơn gấp ba lần về số bị can so với nửa đầu nhiệm kỳ trước.
Nếu suy xét kỹ từ các đại án tham nhũng có màu sắc “thân hữu” thời gian qua, phải thừa nhận rằng có những DN làm sai nhưng cốt lõi của các vụ án vẫn nằm ở nhận thức và thái độ, hành vi của các quan chức.
Nếu cán bộ, công chức hiểu rõ trách nhiệm và quyền hạn theo quy định của pháp luật, tỉnh táo, không bị cám dỗ, không muốn hoặc không dám tiêu cực thì không ai ép được họ lạm quyền, trục lợi.
Nếu những công chức, lãnh đạo không luồn lách, làm trái quy định của pháp luật để “thân hữu” với DN thì sẽ không có hiện tượng cấp trên và cấp dưới thông đồng nhau bắt tay DN; “ưu ái”, tạo điều kiện cho công ty “sân sau” hay tạo ra những “khác biệt” giữa nhóm DN “thân tình” và phần còn lại. Nhận thức, thái độ, bản lĩnh của người làm cán bộ là vô cùng quan trọng.
“Thân hữu” gây tổn hại không thể đo đếm
Cũng theo TS Nhị Lê, chấn chỉnh mối quan hệ giữa quan chức và doanh nghiệp trong bối cảnh VN hội nhập toàn diện và sâu rộng là không hề dễ dàng. DN trong nước và nước ngoài ngày càng nhiều hơn, quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, các nhu cầu về tài nguyên, nguồn lực, cơ chế ưu đãi hay thu hút đầu tư ngày càng cao trong khi nguồn lực hữu hạn, chúng ta cũng không thể xây dựng được hệ thống chính sách làm hài lòng tất cả mọi DN hay cùng lúc có thể cung ứng hết các nguồn lực, tài nguyên cho mọi nhu cầu kinh doanh.
Ví dụ khi nói về nguồn lực đất đai, theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, điểm trung bình chỉ số thành phần tiếp cận đất đai của các DN chỉ đạt 6,75 điểm, tiếp tục đà giảm so với năm 2022 (6,94 điểm) và năm 2021 (7,01 điểm). Tỉ lệ DN không gặp trở ngại về tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh năm 2023 chỉ đạt chưa đến 41%, trong khi năm 2022 con số này lên đến 48% và năm 2021 là trên 55%.
Trong bối cảnh nhu cầu về nguồn lực càng tăng khi nguồn cung hữu hạn, những cán bộ suy thoái đạo đức, có tư tưởng trục lợi sẽ tìm nhiều phương kế tinh vi và phức tạp hơn để lách luật hoặc tìm cách che mắt các cơ quan chức năng để nhận các lợi ích bất chính từ các DN.
“Cách đây gần 10 năm, đã nhiều lần tôi cảnh báo nạn thân hữu dưới góc độ một nhà nghiên cứu trên Tạp chí Cộng sản và trên báo chí. Khi những cán bộ “móc ngoặc” với các DN để làm sai, họ làm mất niềm tin của người dân, của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến nền kinh tế và những thiệt hại ấy về quy mô, tính chất, mức độ là không thể đo đếm hết được.
Quan trọng không kém, khi DN và quan chức suy thoái quá chú trọng vào các “chiêu trò”, luôn tìm kiếm con đường lớn mạnh nhờ quan hệ, nhờ “chống lưng”, nhờ ưu ái với số tiền có khi lên đến hàng triệu USD thì không chỉ gây hại cho thị trường do thiếu cạnh tranh công bằng, mà lâu dài sẽ bỏ quên việc đầu tư vào chất xám, công nghệ, vô hiệu hóa chủ trương đổi mới sáng tạo, cùng với sự quay lưng của các nhà đầu tư chân chính thì nền kinh tế sẽ đứng trước những thách thức lớn về tụt hậu hay thậm chí là suy thoái. Vì vậy, phải kiên quyết xóa nạn “thân hữu”” - TS Nhị Lê nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS Nguyễn Xuân Trường cũng chỉ ra nhiều tác hại của nạn “thân hữu”, ví dụ như triệt tiêu tính lành mạnh trong cạnh tranh; làm giảm khả năng ban hành các quy định phù hợp tối ưu với nguyên tắc quản lý lành mạnh; gia tăng sự suy đồi về văn hóa, đạo đức xã hội, góp phần thúc đẩy tha hóa quyền lực; đẩy nhanh sự phân hóa giàu - nghèo, tạo ra sự bất bình đẳng và mâu thuẫn xã hội…
Những cơ sở tạo sự thân hữu giữa DN và cán bộ, công chức
Ngoài việc đề cập đến yếu tố khách quan là hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa hoàn thiện, lại thiếu công khai, minh bạch, còn kẽ hở dễ bị lợi dụng khiến nảy sinh các quan hệ không bình thường giữa một số DN và một bộ phận cán bộ, công chức, nhóm tác giả TS Lê Hồng Liêm trong ấn phẩm “Một số giải pháp nhằm hạn chế mối quan hệ không bình thường giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền với các DN để trục lợi ở nước ta” cũng đề cập đến những nhóm cơ sở phổ biến khác.
Điển hình, hiện vẫn còn tồn tại một bộ phận cán bộ, đảng viên “đục nước béo cò”, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tìm cách trục lợi từ DN đang hoạt động trên địa bàn do mình quản lý. Mặt khác, đâu đó vẫn còn sự chủ động thỏa thuận ngầm, bất thành văn, “đôi bên cùng có lợi” giữa cán bộ và DN.
Ở góc nhìn khác, nhóm tác giả cho rằng quan hệ thân hữu có thể nảy sinh từ tâm lý, quan niệm “một người làm quan, cả họ được nhờ”. Theo đó, gia đình, người thân, bạn bè của cán bộ, công chức sẽ mở công ty “sân sau”, thụ hưởng sự thiên vị từ “người nhà làm quan”. Hay ở khía cạnh khác, “sự bảo lãnh, giới thiệu của cấp trên” cũng là cơ sở xảy ra tiêu cực, điển hình là “DN có quan hệ với cấp Trung ương và thông qua tác động, giới thiệu DN với lãnh đạo địa phương”.
Chưa hết, chủ nghĩa thân hữu cũng có thể xảy ra thông qua “trung gian chuyên môi giới cho các DN quan hệ với cán bộ, đảng viên có chức, có quyền” để tìm cách trục lợi cho cả ba bên. Thậm chí, sự thân hữu đôi khi phức tạp, tinh vi hơn thông qua các mối quan hệ xã hội giữa quan chức và doanh nghiệp, như “mời đi du lịch nước ngoài, tặng thẻ chơi golf, tài trợ cho con cái đi du học”, từ đó DN có thể “đổi lấy” những lợi ích khác của DN.