Xóa đi những cây cầu yếu

Hà Nội còn tới 144 cây cầu yếu, cầu cũ, nhỏ không bảo đảm lưu thông và an toàn cho người dân, nằm rải rác từ trong nội thành đến các vùng nông thôn ngoại ô.

Chi phí để sửa chữa, thay thế cả trăm cây cầu này có khi chưa bằng một đại dự án giao thông, nhưng ý nghĩa của nó với người dân lại vô cùng to lớn.

Những năm qua Hà Nội đã tập trung nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông. Nhiều đại dự án như: Vành đai 3, Vành đai 4, cầu Vĩnh Tuy 2, hầm chui Lê Văn Lương… đã giúp cho mạng lưới giao thông của TP khởi sắc rõ rệt, kết nối tốt từ trung tâm ra ngoại thành đến các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, Thủ đô vẫn còn đó 144 cây cầu yếu, cầu cũ, nhỏ không còn đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, phần lớn tập trung ở khu vực nông thôn, ngoại thành. Ngay cả trong nội thành cũng còn những cây cầu bị “lãng quên” giữa cơn lốc đô thị hóa nhiều năm qua.

Mỗi cây cầu cũ, nhỏ, xuống cấp này chỉ cần vài chục đến khoảng trăm tỷ đồng để sửa chữa, thay mới. Tổng nguồn vốn đầu tư cho 144 cây cầu đó chưa chắc đã bằng một đại dự án giao thông, nhưng đó là niềm mong mỏi của cả triệu người dân Hà Nội.

Mỗi cây cầu có khi chỉ dài vài chục mét đến trăm mét nhưng sẽ giúp tiết kiệm cho người dân vài cây số đi đường vòng; tiết kiệm cho DN sản xuất, người lao động một số tiền không nhỏ phải chi phí xăng xe, đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Năm 2017, Hà Nội đã đưa ra một danh mục 30 cây cầu cấp thiết cần sửa chữa, thay thế ngay. Đến nay, sau nhiều năm con số đó đã ngày càng nhiều lên, và tác động tiêu cực của nó đến đời sống, tâm tư của người dân cũng đáng kể hơn rõ rệt. Đối với không ít người dân ngoại thành, phải đi qua những cây cầu yếu, nhỏ đã trở thành nỗi lo, nỗi buồn thường nhật.

Song song với việc thống kê, thẩm định danh mục 144 cây cầu yếu, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất nguồn kinh phí sửa chữa thay thế với 50% từ ngân sách TP, 50% từ ngân sách các quận, huyện. Đây là một giải pháp rất khả thi. Chính quyền địa phương là những người gần dân nhất, trực tiếp lắng nghe tâm tư nguyện vọng, và vận động Nhân dân ủng hộ chủ trương chính sách của TP, nhất là với những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống Nhân dân như cầu yếu, cầu cũ.

Do đó, việc sử dụng ngân sách địa phương, cho địa phương được tự quyết định phương án đầu tư, xây dựng sẽ giảm đi nhiều bước nhiêu khê về thủ tục, đẩy nhanh tiến độ, tranh thủ được sự ủng hộ thiết thực từ phía Nhân dân.

Giao thông với sứ mệnh đi trước mở đường, mỗi tuyến đường, cây cầu đều là mạch máu nuôi sống nền kinh tế. Hơn thế nữa, những cây cầu nhỏ còn có vai trò san lấp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, là tiền đề để TP phát triển toàn diện. Muốn mọi mạch máu đều khỏe mạnh, phát huy hiệu quả, cần xóa đi những cây cầu yếu. Chính vì thế đề xuất xóa những cây cầu yếu, những cây cầu nhiều năm đã xuống cấp rất cần sớm xem xét, quyết định thông qua chủ trương này để đáp ứng niềm mong mỏi của Nhân dân.

Đặng Sơn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xoa-di-nhung-cay-cau-yeu.html
Zalo