Xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt

Theo thống kê sơ bộ, cả nước hiện có hơn 3.100 lối đi tự mở trái phép qua đường sắt. Những lối đi này chính là 'điểm đen', tiềm ẩn nguy cơ rất cao gây ra các vụ tai nạn giao thông đường sắt thảm khốc.

Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, chính quyền địa phương cần xóa bỏ triệt để lối đi tự mở, kiên quyết không để tái diễn.

Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, chính quyền địa phương cần xóa bỏ triệt để lối đi tự mở, kiên quyết không để tái diễn.

Ngành đường sắt cùng lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương đã nhiều lần tiến hành rào chắn, xóa bỏ lối đi tự mở để bảo đảm an toàn, nhưng thường vấp phải sự chống đối quyết liệt của người dân, cho nên kết quả cuối cùng chỉ như “đá ném ao bèo”.

Những “điểm đen” tai nạn

Ngày 4/2/2025, đoàn tàu TN5 xuất phát tại ga Hà Nội, khi đến lối đi tự mở Km 6+963 (lối vào làng Tứ Kỳ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội-thuộc khu gian Giáp Bát-Văn Điển), đã xảy ra va chạm với xe máy mang biển kiểm soát 29BH-007.95 do anh Nguyễn Mạnh Cường, sinh năm 1984 trú tại Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội) điều khiển. Vụ tai nạn khiến nạn nhân chết tại chỗ, xe máy văng xa hàng chục mét, hư hỏng nặng.

Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn giao thông nêu trên, nhằm bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và an toàn chạy tàu tại khu vực, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tiến hành rào chắn, xóa bỏ lối đi tự mở này, cùng 3 lối đi tự mở khác (Km 6+910, Km 6+875 và Km 6+847) trên tuyến đường sắt bắc-nam, đi qua địa bàn quận. Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt Nguyễn Hải Tú cùng Phó trưởng Công an phường Bùi Quốc Khánh đã trực tiếp vận động người dân sinh sống dọc tuyến đường sắt (từ Km 5 đến Km 7) ký cam kết thực hiện bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, đồng thời vận động người dân tiến hành chặt bỏ tán cây cối che khuất tầm nhìn của lái tàu, thu dọn mái bạt, vật liệu,… hai bên đường sắt.

Sau khi rào chắn, đóng 4 lối đi tự mở qua đường sắt, các đơn vị chức năng đã lập biên bản bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt; xóa bỏ “điểm đen” về mất an toàn giao thông đường sắt. Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc tuân thủ pháp luật, chấp hành tốt các quy định về bảo đảm hành lang an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn.

Đề án bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 358) đã quy định mục tiêu đến năm 2025, phải xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt, đưa ra lộ trình, giải pháp, nguồn vốn,… cần triển khai thực hiện. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, các địa phương phải xây dựng mới 297 đường ngang và 149 hầm chui. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn hơn 3.100 lối đi tự mở (chiếm khoảng 65%) tổng số các điểm giao cắt đường sắt và đường bộ trên cả nước.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trên địa bàn Hà Nội có 6 tuyến đường sắt đi qua, tổng chiều dài hơn 160 km, hiện vẫn còn khoảng 450 điểm giao cắt, trong đó có 180 đường ngang hợp pháp và khoảng 270 lối đi tự mở. Muốn xóa bỏ các lối đi tự mở, cần phải hoàn thành đường gom và mở đường ngang hợp pháp, nhưng nhiều năm qua, Thủ đô chưa dành được quỹ đất thích đáng và bố trí kinh phí rào đóng lối đi tự mở. Sau hơn 4 năm triển khai Đề án của Chính phủ, Hà Nội mới chỉ rào đóng được khoảng 70 lối đi tự mở và xây dựng hơn 2 km đường gom, hàng rào, tiến độ rất chậm.

Xóa bỏ dứt điểm lối đi tự mở

Theo Thống kê của Cục Đường sắt Việt Nam, trên mạng lưới đường sắt quốc gia có hơn 4.700 vị trí giao cắt với đường bộ; trong đó, có hơn 1.500 đường ngang (hơn một nửa trong số này là đường ngang lắp cần chắn tự động). Trong khoảng 10 năm trở lại đây, qua đánh giá, tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt tuy giảm sâu ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, song các vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại các lối đi tự mở vẫn chiếm khoảng 40%. Bằng các giải pháp đồng bộ, huy động nhiều nguồn vốn khác nhau, từ tháng 12/2020 đến tháng 6/2024, cả nước đã xóa bỏ gần 850 lối đi tự mở nguy hiểm.

Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), để bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, các cơ quan chức năng cần phối hợp với địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ, chấp hành quy định về trật tự an toàn giao thông đường sắt, đường bộ. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tiếp tục kiểm tra, rà soát, xóa bỏ triệt để các lối đi tự mở, hoặc cử người cảnh giới những vị trí “điểm đen” tai nạn,... Đồng thời, kiên quyết không để xuất hiện những lối đi tự mở mới hoặc tái diễn tại lối đi đã rào chắn.

Cục Đường sắt Việt Nam xác định, xóa bỏ lối đi tự mở chính là giải pháp căn cơ để kéo giảm số vụ tai nạn giao thông đường sắt. Tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua, việc rào chắn, xóa bỏ lối đi tự mở ở các địa phương dọc theo tuyến đường sắt bắc-nam vấp phải vô vàn khó khăn, thách thức. Các chuyên gia giao thông đánh giá, lối đi tự mở qua đường sắt được xóa bỏ rất ít so với số lượng mới “mọc” thêm. Nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng đường ngang, hầm chui và các công trình phụ trợ khác như cầu vượt, hàng rào/đường gom,... chưa được cấp thẩm quyền bố trí theo lộ trình.

Từ thực tế này, Cục đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành ưu tiên bố trí vốn kịp thời, đầy đủ theo từng năm để các địa phương thực hiện hạng mục công việc theo kế hoạch, lộ trình đã được Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Giai đoạn 2026-2031, Cục kiến nghị bố trí dự kiến 1.800 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn để tiến hành xây dựng 297 đường ngang và 149 hầm chui nhằm bảo đảm an toàn giao thông.

Cần phải thừa nhận một thực tế, việc xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt trong thời gian qua chậm và thiếu hiệu quả không chỉ vì khó khăn, chậm bố trí nguồn kinh phí triển khai. Nguyên nhân chính là chính quyền một số địa phương có tuyến đường sắt đi qua đã thiếu quyết tâm trong việc đặt ra mục tiêu, kế hoạch cụ thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vấn đề cấp bách hiện nay là cần quy rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp đối với việc bảo đảm hành lang an toàn giao thông đường sắt và có biện pháp mạnh mẽ hơn đối với những đơn vị không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ.

MINH TRANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xoa-bo-loi-di-tu-mo-qua-duong-sat-post859227.html
Zalo