Xóa bỏ biên chế suốt đời: Mạnh dạn trả lương theo KPI

Các chuyên gia đánh giá việc trả lương theo vị trí việc làm, theo kết quả sản phẩm lao động sẽ góp phần thu hút, trọng dụng người tài vào công hiến trong bộ máy công vụ, xóa bỏ tư tưởng biên chế suốt đời.

Hôm nay (14-5), theo nghị trình dự kiến, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Cán bộ, công chức (CBCC) sửa đổi.

So với luật hiện hành, dự thảo luật sửa đổi lần này được đánh giá có nhiều điểm mới tiến bộ, tinh thần thể hiện xuyên suốt trong dự luật là tư duy đổi mới về quản lý CBCC theo vị trí việc làm, hướng tới tăng cường tính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ…

ThS Nguyễn Nhật Khanh, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm có một nền công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, lấy KPI để đánh giá cán bộ khách quan, xứng đáng với năng lực.

 ThS Nguyễn Nhật Khanh, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM.

ThS Nguyễn Nhật Khanh, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM.

Tư duy biên chế suốt đời là lực cản

. Phóng viên: Phát biểu tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 9 mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh quy định trong dự thảo Luật CBCC sửa đổi hướng tới việc khắc phục tư duy biên chế suốt đời, chấm dứt chuyện vào được biên chế rồi là “không có ra”. Quan điểm của ông về việc này?

+ ThS Nguyễn Nhật Khanh: Việc xóa bỏ tư duy biên chế suốt đời, đưa “tinh thần doanh nghiệp” vào nền công vụ là một trong các điểm mới nổi bật của dự thảo luật nhằm nâng cao ý thức rèn luyện, phấn đấu, cống hiến của đội ngũ CBCC.

Chính tư duy biên chế suốt đời là lực cản kéo giảm hiệu quả của nền công vụ suốt một thời gian dài. Việc được bảo đảm vững chắc vị trí công việc đã làm cho một bộ phận CBCC có tâm lý chủ quan, ỷ lại và thiếu động lực phấn đấu.

Qua nghiên cứu, dự thảo luật nêu rõ người đứng đầu cơ quan quản lý, sử dụng công chức có trách nhiệm đánh giá thực chất, phân định rõ mức độ xếp loại đối với công chức, bảo đảm sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ công vụ. Công chức xếp loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan quản lý công chức xem xét, bố trí vào vị trí việc làm có thứ bậc thấp hơn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hoặc cho thôi việc nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu.

Những quy định này cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC.

Dự thảo luật đề xuất xếp loại đánh giá công chức theo bốn mức gồm hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi luật được thông qua, Chính phủ sẽ ban hành nghị định dành riêng cho nội dung này và sử dụng tối đa công nghệ số để đánh giá.

Theo đó, trên cơ sở vị trí việc làm, dựa vào KPI… thì đến cuối năm sẽ rõ cán bộ, công chức làm được những gì, làm ra bao nhiêu sản phẩm. Đây chính là thước đo, còn như hiện nay việc đánh giá còn chung chung, mang tính định tính nên rất khó.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ PHẠM THỊ THANH TRÀ

Vị trí việc làm là tiêu chuẩn cốt lõi

. Nhưng để dứt khoát xóa bỏ tư duy biên chế suốt đời, mấu chốt là áp dụng triệt để vị trí việc làm?

+ Vị trí việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác tuyển dụng và quản lý công chức. Đây là căn cứ để xác định rõ nhu cầu tuyển dụng, tránh tình trạng thừa, thiếu nhân lực hoặc chồng chéo chức năng nhiệm vụ.

Thông qua xác định vị trí việc làm, các cơ quan, đơn vị có thể bố trí, sử dụng đội ngũ công chức phù hợp với năng lực, trình độ, đảm bảo đúng người, đúng việc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác. Vị trí việc làm còn là cơ sở để xây dựng tiêu chuẩn chức danh, ngạch bậc, phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và phát triển đội ngũ công chức.

Quản lý theo vị trí việc làm giúp đánh giá hiệu quả làm việc một cách cụ thể, minh bạch, làm căn cứ cho khen thưởng, kỷ luật và chính sách đãi ngộ. Nhờ đó, công tác quản lý công chức trở nên khoa học, hiện đại, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp và hiệu quả.

Đáng chú ý, trong dự luật đã bổ sung một điều khoản riêng biệt để quy định về căn cứ xác định vị trí việc làm của công chức, nội dung vị trí việc làm của công chức, phân loại theo vị trí việc làm. Có thể thấy “vị trí việc làm” trở thành tiêu chuẩn cốt lõi trong việc tuyển dụng, quản lý công chức. Tuyển dụng công chức phải tuân thủ nguyên tắc “người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển”, không còn trải qua thời gian tập sự để làm quen với vị trí việc làm như trước.

Người dự tuyển công chức vào vị trí chuyên môn hay lãnh đạo, quản lý đều phải đáp ứng được tiêu chuẩn vị trí việc làm tương ứng. Việc bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức cũng như đánh giá, xếp loại, khen thưởng, kỷ luật công chức đều dựa trên tiêu chuẩn vị trí việc làm.

Tôi cho rằng chính điều này cũng giúp thu hút, trọng dụng người tài năng trong hoạt động công vụ. Điều này thể hiện qua cơ chế người có tài năng được ưu tiên tuyển dụng công chức bằng hình thức tiếp nhận thay vì thi tuyển hoặc xét tuyển như các trường hợp thông thường. Đồng thời, họ còn được áp dụng cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng và đãi ngộ từ ngân sách nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác…

 Việc xóa bỏ tư duy biên chế suốt đời, đưa tinh thần “doanh nghiệp” vào nền công vụ là một trong những điểm mới, nổi bật của dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi. Ảnh: THUẬN VĂN

Việc xóa bỏ tư duy biên chế suốt đời, đưa tinh thần “doanh nghiệp” vào nền công vụ là một trong những điểm mới, nổi bật của dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi. Ảnh: THUẬN VĂN

Lâu dài, cần trả lương theo vị trí việc làm

. Bỏ tư duy biên chế suốt đời nhưng dự luật vẫn giữ ngạch công chức dù trước đây có rất nhiều đề xuất bỏ ngạch công chức.

+ Đây là một nội dung đáng chú ý của dự thảo luật. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức sẽ được thực hiện dựa trên vị trí việc làm, còn việc tiếp tục quy định ngạch công chức nhằm mục đích chính là để tính lương.

Tôi cho rằng trong bối cảnh hiện tại, việc giữ nguyên cơ chế tính lương theo ngạch là cần thiết nhằm duy trì sự ổn định, tránh gây xáo trộn trong hệ thống công vụ. Tuy nhiên, về lâu dài, cần định hướng chuyển dần sang mô hình quản lý và trả lương theo vị trí việc làm, phù hợp với xu thế cải cách hành chính hiện đại, bảo đảm nguyên tắc trả lương theo tính chất, yêu cầu và mức độ phức tạp của công việc.

Dự thảo luật đã thể hiện bước đi đúng đắn khi phân loại vị trí việc làm thành ba nhóm rõ ràng gồm vị trí lãnh đạo, vị trí chuyên môn - nghiệp vụ và vị trí hỗ trợ - phục vụ.

Sau khi hoàn thiện hệ thống bảng mô tả và phân loại cụ thể các vị trí việc làm, việc chuyển đổi cơ chế tính lương theo ngạch sang tính lương theo vị trí việc làm là hoàn toàn khả thi và cần thiết. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, hiệu quả và linh hoạt hơn trong tương lai.

. Xin cảm ơn ông.

Xây dựng chế độ đãi ngộ đủ sức cạnh tranh

Để triển khai hiệu quả các nội dung của dự thảo luật, tôi cho rằng chất lượng của đề án vị trí việc làm đóng vai trò quan trọng. Cơ quan có thẩm quyền quản lý, tuyển dụng công chức phải thiết kế được bản mô tả vị trí việc làm cụ thể, chi tiết và phù hợp với thực tiễn.

Đề án này phải làm rõ từng vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, từ đó xác định rõ phạm vi công việc, trách nhiệm và mối quan hệ công tác của từng vị trí. Đồng thời, cần mô tả đầy đủ yêu cầu đối với từng vị trí về trình độ chuyên môn, kỹ năng, phẩm chất đạo đức và năng lực thực tiễn mà công chức đảm nhận vị trí đó cần có.

Để thu hút và giữ chân đội ngũ CBCC có năng lực, tâm huyết, chúng ta cần thiết phải xây dựng chế độ đãi ngộ cụ thể, rõ ràng, đủ sức hấp dẫn và có tính cạnh tranh so với khu vực tư nhân. Đặc biệt, cần mạnh dạn áp dụng cơ chế đánh giá và trả lương theo kết quả thực thi nhiệm vụ, năng suất lao động (KPI), bảo đảm người làm tốt được đãi ngộ xứng đáng.

Việc thiết kế chính sách đãi ngộ như vậy thể hiện “đưa tinh thần doanh nghiệp vào hoạt động công vụ”, thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm trong thực thi công vụ, tạo động lực để đội ngũ CBCC cống hiến lâu dài và hiệu quả hơn cho bộ máy hành chính nhà nước.

ThS NGUYỄN NHẬT KHANH

LÊ THOA thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/xoa-bo-bien-che-suot-doi-manh-dan-tra-luong-theo-kpi-post849586.html
Zalo