Sản xuất, buôn bán hàng giả - hiểm họa xã hội, rào cản phát triển kinh tế quốc gia
Trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng về tăng trưởng, hội nhập quốc tế và cải cách thể chế. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những vấn đề phức tạp, nổi lên rõ nét là tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả – một nguy cơ hiện hữu gây tổn hại đến sức khỏe cộng đồng, làm méo mó thị trường, cản trở sự phát triển kinh tế bền vững và xói mòn lòng tin xã hội.
Nhận thức rõ tính chất đặc biệt nghiêm trọng của loại hình vi phạm này, Đảng ta đã xác định rõ đây là một “dạng tội phạm kinh tế nguy hiểm, phi đạo đức” cần xử lý nghiêm minh và không có vùng cấm. Phát biểu tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Sản xuất, buôn bán hàng giả là hành vi phi pháp, phi đạo đức, không chỉ gây tổn hại đến sức khỏe người dân, làm xói mòn niềm tin xã hội, mà còn phá hoại môi trường kinh doanh lành mạnh, cản trở sự phát triển của quốc gia. Phải coi đây là một loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm, cần xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.”
Trên cơ sở đó, ngày 14/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành chỉ đạo khẩn, quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt tấn công, truy quét hàng giả do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các địa phương. Thủ tướng yêu cầu: “Phải tổ chức tấn công toàn diện, không khoan nhượng, xem đây là một mặt trận nóng, xử lý cả hành vi trực tiếp lẫn những biểu hiện bao che, tiếp tay.”

Hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả bị Bộ Công an phát hiện thu giữ.
Những chỉ đạo trên là tín hiệu mạnh mẽ khẳng định quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc bảo vệ người tiêu dùng, duy trì trật tự thị trường và bảo vệ uy tín quốc gia trong giai đoạn hội nhập sâu rộng.
Thực tế cho thấy, tình trạng hàng giả đang diễn ra hết sức phức tạp, tinh vi và ngày càng nguy hiểm. Chỉ tính riêng quý I/2025, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện hàng loạt vụ việc nghiêm trọng: Tại Thanh Hóa, tháng 3/2025, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với lực lượng quản lý thị trường phát hiện một xưởng sản xuất thuốc điều trị huyết áp, tiểu đường giả giữa khu dân cư. Hơn 15.000 vỉ thuốc được đóng gói từ bột sắn và phẩm màu, giả nhãn hiệu nổi tiếng, chuẩn bị đưa ra thị trường.
Tại Phú Thọ, đầu tháng 5/2025, phát hiện một cơ sở chế biến thực phẩm sử dụng hóa chất công nghiệp để sản xuất hàng nghìn chai nước mắm, tương ớt, dầu ăn giả, gắn nhãn mác thương hiệu lớn để tiêu thụ trong siêu thị và cửa hàng tạp hóa. Sản phẩm không có giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm, nguyên liệu chủ yếu là phẩm màu, hương liệu công nghiệp độc hại.
Tại Hà Nội, giữa tháng 4/2025, Đội Quản lý thị trường số 17 phát hiện gần 2 tấn gạo ST25 giả, bị tẩy trắng và tẩm hóa chất chống mốc, đóng gói với nhãn mác giả mạo để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Hành vi này không chỉ đe dọa trực tiếp sức khỏe người dân mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong năm 2024, cả nước phát hiện hơn 3.200 vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, trong đó gần 40% thuộc lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm và nông sản. Hàng giả đã và đang len lỏi vào đời sống thường nhật, từ bữa cơm gia đình đến toa thuốc chữa bệnh, từ quầy tạp hóa vùng quê đến hệ thống siêu thị đô thị. Không chỉ là vấn đề quản lý thị trường, đây đã trở thành một mối đe dọa về an ninh kinh tế – xã hội.
Hàng giả gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đa chiều. Về kinh tế, chúng làm méo mó thị trường, gây cạnh tranh không lành mạnh, khiến doanh nghiệp chân chính thua lỗ, thậm chí phá sản. Mỗi năm, hàng giả gây thiệt hại ước tính hàng chục nghìn tỷ đồng, chưa kể đến thất thu thuế và chi phí quản lý nhà nước.
Về xã hội, hàng giả xói mòn lòng tin của người tiêu dùng, làm giảm hiệu lực quản lý của nhà nước. Đáng lo ngại hơn cả là tác động trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng nhân dân. Theo thống kê của Bộ Y tế, có tới 27% các vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng năm 2024 xuất phát từ sản phẩm giả, sản phẩm kém chất lượng. Không ít trường hợp bệnh nặng hơn hoặc tử vong do dùng phải thuốc giả, thực phẩm chứa hóa chất độc hại.
Phân tích nguyên nhân cho thấy, sản xuất và tiêu thụ hàng giả phát sinh từ nhiều yếu tố: Lợi nhuận khổng lồ khiến nhiều đối tượng bất chấp đạo đức và pháp luật. Quản lý thị trường còn bất cập, thiếu kết nối giữa các ngành và địa phương, chưa kịp thời cảnh báo rủi ro. Pháp luật chưa đủ sức răn đe, nhiều vụ việc chỉ bị xử phạt hành chính nhẹ. Một bộ phận người tiêu dùng sính hàng rẻ, thiếu kỹ năng nhận diện hàng thật – hàng giả, vô tình tiếp tay cho hàng giả. Hiện tượng bảo kê, bao che, buông lỏng trách nhiệm vẫn tồn tại ở một số địa bàn, khiến công tác phòng, chống thiếu hiệu quả.
Để đấu tranh hiệu quả, chúng ta cần triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Đó là sớm thể chế hóa đầy đủ chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các luật liên quan như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Dược, Luật ATTP... cần được sửa đổi theo hướng tăng hình phạt, xử lý hình sự các hành vi nghiêm trọng.
Phải nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng Công an – quản lý thị trường – y tế – nông nghiệp – hải quan, áp dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc, nhận diện hàng hóa.
Tăng cường truyền thông giáo dục, phát động phong trào “Người tiêu dùng nói không với hàng giả”, khuyến khích tiêu dùng có trách nhiệm, xây dựng văn hóa tiêu dùng thông minh. Cần bảo vệ doanh nghiệp chân chính, hỗ trợ pháp lý trong bảo vệ thương hiệu, khuyến khích áp dụng mã truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhãn hiệu tại thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, phải xử lý nghiêm minh các cán bộ tiếp tay hoặc buông lỏng quản lý, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống hàng giả, nhất là đối với hàng hóa xuyên biên giới và sản phẩm y dược nhập lậu.
Tình trạng sản xuất và buôn bán hàng giả không còn là vấn đề nhỏ lẻ, mà đã trở thành mối đe dọa toàn diện đến phát triển kinh tế, sức khỏe cộng đồng và an ninh xã hội. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, càng cần quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn từ tất cả các cấp, ngành và từng người dân.
Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm, sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, đặc biệt là chỉ đạo cụ thể từ Thủ tướng Chính phủ về thành lập Tổ công tác đặc biệt, cùng với sự chung tay của doanh nghiệp và cộng đồng, cuộc chiến chống hàng giả hoàn toàn có thể đạt hiệu quả thực chất, bền vững – vì một Việt Nam phát triển lành mạnh, an toàn và văn minh.