Xiaomi chi gần 7 tỉ USD phát triển chip, tham vọng trở thành 'Apple của Trung Quốc'
Tập đoàn Xiaomi đang lên kế hoạch đầu tư ít nhất 50 tỉ nhân dân tệ (khoảng 6,9 tỉ USD) trong vòng 10 năm tới nhằm phát triển bộ xử lý di động do chính công ty thiết kế.
Động thái này cho thấy rõ quyết tâm của Xiaomi trong việc làm chủ các công nghệ cốt lõi, đặc biệt là mảng vi xử lý, lĩnh vực lâu nay do các nhà cung cấp lớn như Qualcomm và MediaTek thống lĩnh. Đồng thời, đây cũng là bước đi chiến lược nhằm tăng cường năng lực bán dẫn, trong bối cảnh ngành công nghệ toàn cầu ngày càng xem chip là yếu tố trọng yếu quyết định sức cạnh tranh lâu dài.
Theo Bloomberg, kế hoạch phát triển chip kéo dài một thập niên này được người đồng sáng lập và là Chủ tịch Xiaomi, ông Lei Jun công bố trên mạng xã hội Weibo hôm 19.5. “Chip là đỉnh cao mà chúng ta cần phải chinh phục, và là một trận chiến khó khăn mà chúng ta không thể né tránh nếu muốn trở thành một công ty công nghệ cứng cỏi, vĩ đại”, ông Lei Jun khẳng định.

Xiaomi đầu tư 7 tỉ USD trong 10 năm để phát triển chip riêng, hướng đến tự chủ công nghệ và cạnh tranh toàn cầu - Ảnh: Reuters
Ra mắt chip đầu tiên mang tên Xring O1
Trong cùng ngày, ông Lei Jun thông báo rằng chip đầu tiên do Xiaomi tự thiết kế, có tên Xring O1, sẽ được ra mắt vào ngày 22.5. Đây là sản phẩm đầu tiên trong lộ trình phát triển bán dẫn mà công ty đặt ra từ năm 2021, khi Xiaomi quyết định đầu tư dài hạn vào mảng chip di động.
Theo ông Lei, trong hơn 4 năm qua, Xiaomi đã chi hơn 13,5 tỉ nhân dân tệ cho lĩnh vực bán dẫn và sẽ tiếp tục đầu tư thêm 6 tỉ nhân dân tệ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trong năm 2025. Hiện tại, đội ngũ phát triển chip của Xiaomi đã có hơn 2.500 nhân sự.
Một chi tiết đáng chú ý được tiết lộ là Xring O1 được sản xuất bằng công nghệ bán dẫn 3 nanomet thế hệ thứ hai, một trong những tiến bộ công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Tuy nhiên, Xiaomi không công bố tên hãng gia công đứng sau quá trình chế tạo chip này.
Điều này đặt ra câu hỏi vì các nhà máy đúc trong nước như Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC) hiện vẫn đang giới hạn ở công nghệ 7nm do ảnh hưởng của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu từ Mỹ.
Tham vọng cạnh tranh với Apple và Huawei
Từ trước đến nay, Xiaomi chủ yếu dựa vào hai nhà sản xuất chip lớn là Qualcomm và MediaTek cho các dòng smartphone của mình. Tuy nhiên, chiến lược phát triển chip riêng cho thấy Xiaomi đang học hỏi mô hình của Apple, một đối thủ lớn tại thị trường Trung Quốc.
Apple nổi tiếng với việc thiết kế các chip riêng như dòng A và M để đồng bộ chặt chẽ giữa phần cứng và phần mềm, từ đó tạo nên hệ sinh thái tích hợp hiệu quả cao. Chiến lược này đã giúp Apple nâng cao hiệu suất và kiểm soát trải nghiệm người dùng tốt hơn. Gần đây, hãng công nghệ Mỹ đã mở rộng mô hình chip tự thiết kế từ iPhone sang cả máy tính Mac.
Việc Xiaomi ra mắt bộ xử lý 3nm có thể là bước đột phá giúp hãng này giành lợi thế trước các đối thủ trong nước như Huawei. Huawei hiện bị hạn chế trong việc tiếp cận các công nghệ bán dẫn tiên tiến hơn 7nm do phụ thuộc vào đối tác SMIC, vốn đang gặp khó khăn về công nghệ và chuỗi cung ứng.
Nỗ lực phát triển chip của Xiaomi cũng phù hợp với định hướng chiến lược dài hạn của chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh trong những năm gần đây đã đặt ưu tiên hàng đầu cho việc thúc đẩy phát triển công nghệ lõi như chất bán dẫn, nhằm giảm phụ thuộc vào công nghệ phương Tây và củng cố vị thế cạnh tranh toàn cầu.
Đầu tư lớn vào lĩnh vực chip không chỉ phục vụ nhu cầu nội bộ của Xiaomi, mà còn giúp công ty đóng góp vào mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Trung Quốc trong các lĩnh vực chủ chốt như trí tuệ nhân tạo, 5G, thiết bị IoT và điện tử tiêu dùng.
Tìm kiếm động lực tăng trưởng mới
Xiaomi vốn được biết đến với các dòng smartphone có giá cả cạnh tranh, nhưng công ty đang tìm cách mở rộng sang các lĩnh vực công nghệ cao khác để giảm bớt sự phụ thuộc vào doanh thu từ smartphone, thị trường vốn đang cạnh tranh gay gắt và tăng trưởng chậm lại.
Một trong những hướng đi chiến lược mà Xiaomi đang theo đuổi là ngành công nghiệp xe điện. Tuy nhiên, tham vọng trong mảng ô tô của hãng đã gặp phải trở ngại sau sự cố tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến mẫu xe điện đầu tiên mang tên SU7 vào cuối tháng 3.
Dù vậy, Xiaomi vẫn cam kết tiếp tục đầu tư dài hạn vào lĩnh vực xe điện như một phần của chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng ảnh hưởng trong hệ sinh thái công nghệ thông minh toàn diện.