Xét xử trực tuyến nhiều vụ án từ đầu năm 2022
Phiên tòa trực tuyến xét xử sơ thẩm, phúc thẩm áp dụng cho các vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản, tài liệu, chứng cứ rõ ràng.
Ngày 26/11, TAND TP Hà Nội mở phiên xử dân sự phúc thẩm theo hình thức trực tuyến về tranh chấp hợp đồng vay tài sản trị giá 48 tỷ đồng. Hình ảnh được truyền trực tiếp đến 30 điểm cầu tại tòa án, VKS thuộc 30 quận, huyện nhằm rút kinh nghiệm, chuẩn bị xét xử trực tuyến từ đầu năm 2022.
Theo Nghị quyết số 33 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ hai, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến sẽ được thực hiện từ ngày 1/1/2022.
Đại diện TAND Hà Nội cho biết phiên tòa trực tuyến mà đơn vị này vừa tổ chức nhằm đánh giá việc số hóa hồ sơ, trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa. Từ đó phân tích, đánh giá đầy đủ các tình tiết của vụ án, chuẩn bị điều kiện nhằm đẩy cao tỷ lệ số hóa tài liệu, chứng cứ điện tử.
Đây là bước thí điểm số hóa tài liệu để trình chiếu tại các phiên tòa trực tuyến trong tình hình dịch diễn biến phức tạp. Mục đích nâng cao chất lượng xét xử, không để án tồn đọng kéo dài.
Theo vị đại diện, yêu cầu tất yếu của phiên tòa trực tuyến là số hóa tài liệu, chứng cứ dưới dạng điện tử để trình chiếu tại phiên tòa. Như vậy, các bên tham gia tố tụng có thể theo dõi được tại các điểm cầu.
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ phiên xử trực tuyến áp dụng khi xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản, tài liệu, chứng cứ rõ ràng.
Những trường hợp không xét xử trực tuyến, gồm: Vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật Nhà nước; vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
Nghị quyết nêu phiên tòa diễn ra tại phòng xử án, sử dụng thiết bị điện tử có kết nối mạng với nhau. Bị cáo, bị hại, đương sự... tham gia tại địa điểm ngoài phòng xử án nhưng phải trực tiếp theo dõi hình ảnh, âm thanh và tuân thủ quy trình tố tụng.
Việc tổ chức phiên xử trực tuyến cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện về kỹ thuật.
Trao đổi với Zing trước đó, TS. Nguyễn Trí Tuệ, Phó chánh án TAND Tối cao, đánh giá khi tổ chức phiên tòa trực tuyến tại các điểm cầu, tòa án sẽ vất vả hơn từ xem xét, đánh giá vụ việc nào, có thể tổ chức được trực tuyến hay không đến việc chuẩn bị cho phiên tòa diễn ra đúng quy định.
Tuy nhiên, hình thức xét xử trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí cho người dân, cơ quan, tổ chức và hạn chế tiếp xúc gần, tránh lây lan dịch bệnh.
Phó chánh án TAND Tối cao khẳng định căn cứ vào hệ thống trang thiết bị cấp cho các tòa án, về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu mở phiên tòa trực tuyến. Cơ quan chức năng đã đưa 3 hệ thống công nghệ thông tin chiến lược để hỗ trợ công tác xét xử; xây dựng và vận hành thường xuyên hệ thống 800 điểm cầu tại các tòa án nhân dân và tòa án quân sự cấp quân khu...