Tết giữ mình, xuân yên bình
Công an thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang vừa ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 13 bị can về tội gây rối trật tự công cộng, có liên quan đến vụ đốt pháo hoa trên Quốc lộ 1, đoạn thuộc phường Nhị Mỹ, thị xã Cai Lậy vào ngày 9-1.
Theo đó, vào lúc 18 giờ ngày 9-1, Lê Thanh Khoa, ngụ tại ấp Quý Thạnh, xã Tân Hội (thị xã Cai Lậy) tổ chức sinh nhật tại quán phở do Khoa làm chủ, ven Quốc lộ 1. Khoa mời hơn 100 người thân cùng bạn bè trong và ngoài tỉnh đến dự. Trong khi tổ chức tiệc, có mở dàn nhạc âm thanh lớn để ca hát, nhảy múa trong khuôn viên nhà ở của Khoa. Đến khoảng 22 giờ, Trần Anh Dùng lấy 5 hộp pháo hoa để trên dải phân cách Quốc lộ 1 đốt, gọi là “giúp vui” cho buổi tiệc. Khi pháo hoa nổ, có khoảng 20 người chạy ra nhảy múa, quay phim và chụp ảnh trên Quốc lộ 1, làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông, gây mất trật tự công cộng. Ngay sau khi nhận được thông tin, Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự và Công an thị xã Cai Lậy phối hợp xử lý, giải tán đám đông, tạm giữ hình sự 11 đối tượng, triệu tập các đối tượng có liên quan để điều tra, làm rõ.
Trước đó, tối 13-1, Công an TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thanh Bình (Bình “con”) vì tội gây rối trật tự công cộng. Theo kết quả điều tra ban đầu, khoảng 15 giờ 10 phút ngày 11-1, Nguyễn Thanh Bình đi xe ô tô con đến cạnh tháp Trầm Hương, đường Trần Phú, phường Lộc Thọ (TP Nha Trang) thì dừng lại và bẻ hoa. Khi bị nữ công nhân nhắc nhở, Bình có hành vi chửi bới, xúc phạm, sau đó quay lại xe ô tô lấy cây kiếm, chạy đến thách thức, đe dọa nữ công nhân. Thấy vậy, người phụ nữ đi cùng Bình đến can ngăn, giữ lấy cây kiếm và đẩy Bình lên xe ô tô. Người đàn ông này tiếp tục lấy một chai nước suối từ trong xe ném về hướng nữ công nhân rồi điều khiển ô tô chở người phụ nữ bỏ đi.
Ngoài hai vụ việc trên, thời gian vừa qua, lực lượng chức năng các địa phương cũng tiến hành xử lý hàng loạt vụ việc gây rối trật tự công cộng theo quy định của pháp luật. Từ các vụ việc trên, chuyên gia cho rằng, xuất phát từ hai nguyên nhân chính là cá nhân và xã hội. Trong đó, cá nhân thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc; do cái tôi cá nhân quá lớn và cho rằng “nhịn” là mất thể diện nên dùng bạo lực để khẳng định cái tôi; do áp lực tâm lý khiến con người dễ mất kiểm soát khi gặp các kích thích tiêu cực. Về nguyên nhân xã hội thì do thiếu giáo dục về đạo đức và pháp luật; môi trường sống thiếu lành mạnh, thường xuyên tiếp xúc với các nội dung bạo lực trên mạng xã hội, phim ảnh; do hiệu ứng đám đông. Từ những nguyên nhân này, chuyên gia cho rằng, thời điểm cuối năm, con người thường căng thẳng hơn do áp lực công việc, lo chuẩn bị Tết và dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, mất kiểm soát cảm xúc. Đây cũng là thời điểm diễn ra nhiều cuộc tụ họp, tổng kết, vui chơi, ăn uống nên dễ xảy ra xung đột hay hành động bột phát như vụ việc của Lê Thanh Khoa, nhất là khi đã sử dụng rượu, bia. Vì thế, mỗi người lại càng phải giữ mình.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội khuyến cáo: “Hiện nay, với hệ thống camera dày đặc ở những nơi công cộng, hộ gia đình, camera hành trình... và sự phát triển của mạng xã hội, tất cả hoạt động của mọi cá nhân đều được giám sát chặt chẽ, không thể che giấu. Tất cả các trường hợp đánh người, đe dọa đánh người nơi công cộng với thái độ côn đồ, hung hãn hay những hành vi gây rối trật tự công cộng khác đều có thể bị xử lý hình sự. Vì vậy, mỗi cá nhân cần rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc và phản ứng bình tĩnh trước các tình huống căng thẳng. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật; rèn luyện lối sống văn minh, biết tôn trọng người khác để có một cái Tết bình an, chung tay xây dựng xã hội ngày một văn minh”.