Xét xử phiên thứ hai vụ án Vạn Thịnh Phát
Trong những ngày đầu xét xử phiên hai vụ án Vạn Thịnh Phát, TAND TP. HCM đã làm rõ cáo buộc bà Lan và đồng phạm bị cáo buộc về hành vi 'rửa' 445.747 tỷ đồng, vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD (tương đương 106.730 tỷ đồng) qua biên giới.
Đối với tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", cơ quan công tố xác định, từ 2012 đến 2022, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã sử dụng 23 công ty (12 công ty tại Việt Nam và 11 công ty, tổ chức nước ngoài) để chuyển tiền ra nước ngoài, nhận tiền từ nước ngoài về Việt Nam. Trong đó, 21 công ty đã thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định tổng cộng 1,5 tỷ USD - khoảng 35.360 tỷ đồng và thực hiện 152 giao dịch nhận tiền từ nước ngoài về khoảng 3 tỷ USD, tương đương 71.360 tỷ đồng.
Tổng số tiền bà Lan bị cáo buộc vận chuyển trái phép qua biên giới là 4,5 tỷ USD. Toàn bộ số tiền bà Lan chỉ đạo nhân viên chuyển ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam được thực hiện qua SCB. Từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/10/2022, SCB đã báo cáo Cục Phòng chống rửa tiền 313.705 giao dịch chuyển đi, nhận về và 151 báo cáo giao dịch đáng ngờ.
Theo Nghị định 116 của Chính phủ thì trước thời điểm khởi tố vụ án ngày 7/10/2022, 85 công ty thuộc Vạn Thịnh Phát chuyển tiền ra nước ngoài và 63 công ty nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam đều không thuộc các đối tượng “bị điều tra, truy tố, xét xử, nằm trong danh sách cảnh báo, liên quan đến người bị kết án”, nên Cục Phòng chống rửa tiền không có cơ sở để xác định trong số các giao dịch trên có giao dịch liên quan đến hoạt động rửa tiền, vận chuyến tiền.
Với 151 báo cáo giao dịch đáng ngờ, lại không có danh sách các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát chuyển và nhận tiền về từ nước ngoài, nên cũng không có cơ sở để phân tích, nghi ngờ.
Còn Vụ quản lý ngoại hối lại không có chức năng kiểm tra, thanh tra hoạt động ngoại hối của các tổ chức, cá nhân nên quá trình theo dõi số liệu tổng hợp của SCB cung cấp, Vụ không có cơ sở để phát hiện sự bất thường.
Như vậy, không có căn cứ xem xét trách nhiệm của Cục Phòng chống rửa tiền, Vụ quản lý ngoại hối, điều này cho thấy phải kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để đảm bảo chặt chẽ về các điều kiện chuyển tiền.
Ở tội "Rửa tiền", cơ quan công tố xác định, từ tháng 1/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt tổng cộng 445.700 tỷ đồng từ hành vi "tham ô tài sản" 415.600 tỷ đồng (đã bị xét xử ở giai đoạn một vụ án) và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là 30.081 tỷ đồng. Để hợp pháp hóa toàn bộ số tiền này, bà Lan đã chỉ đạo những người thân tín lên phương án rút, chuyển tiền khỏi hệ thống Ngân hàng SCB.
Phiên tòa vẫn tiếp tục truy xét nội dung lừa đảo 30.081 tỷ qua việc phát hành trái phiếu khống của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm.