Xét nghiệm sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh cho cư dân vùng biên
Việc xét nghiệm nhằm sớm phát hiện các trường hợp có nguy cơ lây truyền bệnh tan máu bẩm sinh cho thế hệ sau. Từ đó có các biện pháp tư vấn, xử lý phù hợp để nâng cao chất lượng dân số vùng núi, biên giới.
Ngày 19/12, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết, vừa phối hợp với các đơn vị tổ chức xét nghiệm tan máu bẩm sinh (thalassemia) và truyền thông lồng ghép cho vị thành niên, thanh niên chưa kết hôn tại địa bàn các xã biên giới.
Được biết trong đợt này, đoàn thực hiện truyền thông lồng ghép, xét nghiệm tan máu bẩm sinh (thalassemia) cho gần 200 vị thành niên, thanh niên chưa kết hôn trong độ tuổi từ 14 – 25 tại xã biên giới Tân Trạch, Thượng Trạch, huyện Bố Trạch. Trước đó cán bộ trạm y tế của hai xã này vào tận các bản, trường học để thông tin, vận động người dân trong độ tuổi đến điểm sàng lọc để lấy mẫu xét nghiệm.
Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch, đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực không chỉ với địa bàn hai xã biên giới Tân - Thượng Trạch mà còn góp phần nâng cao chất lượng dân số đồng thời giảm gánh nặng y tế cho người dân.
Thalassemia là bệnh thiếu máu mãn tính, di truyền từ bố mẹ sang con, đây là bệnh lý huyết học di truyền phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh lý di truyền này gây ra nhiều tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn tới chất lượng dân số, giảm chất lượng sống, giảm tuổi thọ. Căn bệnh này trở thành nỗi đau, ám ảnh của nhiều người dân, đặc biệt người dân khu vực miền núi.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 13 triệu người mang gene bệnh tan máu bẩm sinh. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá cao, từ 20 - 40%.
Thời gian qua, Chi cục Dân số tỉnh Quảng Bình chú trọng phối hợp cùng các đơn vị liên quan thực hiện việc tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tan máu bẩm sinh để tránh gây hệ lụy với xã hội.
Chi cục Dân số tỉnh Quảng Bình tập trung tuyên truyền về những lợi ích của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn đối với nam nữ thanh niên, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao. Từ đó sớm phát hiện và điều trị sớm bệnh tan máu bẩm sinh, phòng tránh cho con cái trong trường hợp bố hoặc mẹ có thể di truyền bệnh tan máu bẩm sinh, rối loạn đông máu…
Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại, hệ lụy của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc, biên giới, ven biển.
"Chi cục tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên đề về chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho đội ngũ cán bộ y tế, dân số cơ sở nhằm sàng lọc các bệnh, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh. Cùng với đó nâng cao hiểu biết của người dân nhằm phát hiện bệnh sớm để điều trị góp phần nâng cao chất lượng dân số", ông Phan Nam Bình, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Quảng Bình cho biết.