Anh trai mang lợn quay về giỗ mẹ, em gái ném đi trước mặt khách

Dù anh trai mang lợn quay về giỗ mẹ nhưng tôi không nhận mà ném đi. Đời này, tôi không bao giờ quên cách vợ chồng anh đối xử tệ bạc với mẹ.

Từ nhỏ, anh tôi học giỏi, ngoan ngoãn nên bố mẹ dành nhiều ưu ái hơn. Khi anh thi đỗ đại học, bố mẹ càng tự hào “con nhà nông thi đỗ bác sĩ đa khoa”.

Anh đi học, nhiều chi phí phát sinh. Bố mẹ tôi làm lụng nhiều hơn. Bố lao lực rồi mất, mẹ vất vả gấp đôi.

Hết cấp 3, tôi xin mẹ nghỉ học, đi làm để phụ mẹ lo cho anh. Hàng tháng, tôi đưa lương cho mẹ, chỉ giữ lại một ít.

Anh tôi tốt nghiệp, được nhận vào làm ở một bệnh viện lớn. Tất cả nhờ vào mối quan hệ của bạn gái anh.

Khi công việc ổn định, anh kết hôn và sống ở Hà Nội. Vợ chồng anh được nhà vợ tặng cho một căn chung cư cao cấp. Để anh không lép vế, mẹ tôi bán bớt đất vườn, tặng con trai sổ tiết kiệm 200 triệu đồng.

Mọi việc trôi qua bình yên cho đến khi tôi lấy chồng. Nhà chồng cách nhà mẹ khoảng 50km nên hàng tháng, tôi về thăm mẹ được 2-3 lần.

Thấy mẹ tuổi già hiu quạnh, tôi xót thương và lo lắng từng ngày. Mỗi lúc trở gió, tôi lo bà ốm đau không con cái cạnh bên.

Bốn năm trước, chị dâu sinh con, anh trai về rước mẹ ra Hà Nội. Anh chịu rước mẹ về sống chung, tôi thấy yên tâm hơn. Nào ngờ, mẹ tôi bị chị dâu đối xử như người giúp việc.

Mẹ tôi không được vợ chồng con trai yêu thương, kính trọng. Ảnh minh họa: PX

Mẹ tôi không được vợ chồng con trai yêu thương, kính trọng. Ảnh minh họa: PX

Tết năm đó, tôi đón mẹ về quê chơi. Mấy ngày ở với tôi, bà tâm sự biết bao chuyện đau lòng.

Mẹ tôi phải giặt giũ quần áo em bé bằng tay, dọn dẹp nhà cửa, rửa chén nấu cơm. Bà cố gắng làm tốt thế nào con dâu cũng không hài lòng.

Chị dâu chê mẹ tôi giặt đồ không sạch, nếu bà giặt mạnh tay thì lại sợ phai màu. Lúc nào, chị cũng bảo bụi bám nhà cửa, bắt mẹ chồng lau nhà ngày 2 lượt sáng chiều.

Mẹ tôi làm việc ra mồ hôi thì chị chê hôi hám. Chị không cho mẹ tôi ăn cơm chung. Vì mùi cơ thể của bà khiến chị buồn nôn, nuốt không trôi.

Thấy vợ quá đáng, anh tôi không khuyên can nhưng lúc mẹ đòi về quê thì ngăn cản. Anh xin bà thương con cháu, cố nhẫn nhịn.

Dù rất bực mình nhưng phận con gái đã lấy chồng, tôi không tiện can thiệp chuyện nhà anh. Mẹ tôi cũng không muốn làm lớn chuyện.

Hết Tết, mẹ tôi lại khăn gói ra Hà Nội với con trai. Hai tháng sau, bà gọi điện cho tôi, vừa ho vừa khóc nghẹn. “Con ra rước mẹ về quê. Mẹ không thể sống cùng anh con được nữa”, mẹ tôi nấc lên từng hồi.

Tôi hỏi mẹ đang ở đâu thì được biết anh trai thuê nhà nghỉ cho bà ở tạm. Chỗ đó cách nhà anh tôi không xa.

Chuyện là mẹ tôi bị cúm nặng, ho hơn 1 tuần nhưng chưa thuyên giảm. Đến đêm, bà ho càng nhiều hơn.

Chị dâu trách mẹ chồng la cà hàng xóm, tha bệnh về nhà. Chị còn bảo mẹ tôi ho cả ngày lẫn đêm gây ồn ào, không ai ngủ được.

Thấy vậy, anh trai đưa mẹ tôi ra nhà nghỉ ở tạm. Mỗi ngày, anh đưa thuốc và cơm hộp sang cho bà.

Chẳng may, bà bị choáng, té ngã trong nhà vệ sinh nhà nghỉ. Không biết làm sao, bà đành gọi cho tôi, nhờ đón về quê.

Về quê hơn 1 năm, mẹ tôi mất do tai nạn giao thông trong lúc ra chợ bán rau. Biết tin mẹ mất, vợ chồng anh trai về khóc lóc.

Sau tang lễ, anh trai không đề cập chuyện hương khói cho bố mẹ nên tôi xin phép chồng đưa bát hương của bố mẹ đẻ về nhà thờ cúng.

Thoáng chốc, tôi đã qua 2 lần giỗ mẹ. Lần đầu, anh trai không về dự. Năm nay, anh tôi mang lợn quay về cúng giỗ.

Trước mặt quan khách, anh chê tôi cúng mẹ sơ sài. Tức giận, tôi giật lấy lợn quay rồi ném đi. Anh tức giận, đánh tôi. Tôi hét lớn, đuổi anh ra khỏi nhà.

Khi cơn giận qua đi, tôi biết mình không nên làm như thế. Thế nhưng, tôi không nhịn nổi cơn tức bao năm. Lúc mẹ còn sống, anh không phụng dưỡng, chết đi rồi thì mang quà cáp đắt tiền về để lên mặt với em gái, họ hàng.

Tôi không xem người con bất hiếu ấy là người thân - anh trai của mình nữa.

Độc giả giấu tên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/anh-trai-mang-lon-quay-ve-gio-me-em-gai-nem-di-truoc-mat-khach-2353546.html
Zalo