Xem xét tăng thời hạn của giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất
Quan tâm đến thời hạn của giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất quy định tại dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tham dự Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7 đề nghị tăng thời hạn của giấy chứng nhận là trên 5 năm. Bởi, thời hạn trên là quá ngắn, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất có điều kiện.
Cần có chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh
Về dự án hóa chất quy định tại Điều 6, khoản 4 quy định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng dự án hóa chất phải có các nội dung: sự tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật và quy định về an toàn hóa chất; các nguyên tắc hóa học xanh đã được áp dụng trong thiết kế và lựa chọn công nghệ, thiết bị. Như vậy, dự án có quy định áp dụng nguyên tắc hóa học xanh.
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cho rằng, đây là điểm mới và điểm sáng trong dự thảo Luật lần này. Tuy nhiên, theo đại biểu, cần quy định cụ thể hơn về cách áp dụng nguyên tắc này trong thực tiễn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, cũng cần có những chính sách cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh, như hỗ trợ tài chính, giảm thuế hoặc ưu đãi tín dụng.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, quy định như trên có những nguy cơ không bảo đảm tính thống nhất với các quy định pháp luật khác và chưa thực sự minh bạch. Các nguyên tắc hóa học xanh thường chỉ mang tính định hướng với nhiều chỉ tiêu định hướng, doanh nghiệp có thể lựa chọn các giải pháp kỹ thuật khác nhau để đạt được nguyên tắc này, phù hợp với điều kiện thực tế của dự án. Do đó, việc xác định công nghệ, thiết bị của một dự án phù hợp với nguyên tắc hóa học xanh sẽ mang tính chủ quan của người đánh giá. Điều này có thể dẫn đến sự tùy tiện trong quá trình thực hiện và áp dụng trên thực tiễn hiện nay. Như vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc sửa đổi quy định yêu cầu các dự án hóa chất đáp ứng nguyên tắc hóa học xanh từ một hình thức bắt buộc thì chuyển sang hình thức khuyến khích thì sẽ phù hợp hơn.
Chương III dự thảo Luật quy định các nội dung về việc quản lý hoạt động hóa chất. ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân được vận chuyển hóa chất, cấp giấy phép vận chuyển hóa chất, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vận chuyển hóa chất để xảy ra sự cố về hóa chất gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.
Đại biểu nêu rõ, liên quan đến vấn đề kiểm soát buôn bán hóa chất hiện nay, các cơ quan địa phương đã dành một nguồn lực rất lớn cho việc bảo đảm an ninh, an toàn hóa chất. Tuy nhiên, việc kiểm soát hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm hoặc trong nguyên liệu, thì Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các cơ quan hữu quan cần trao đổi và đưa ra những quy định cụ thể hơn trong dự án Luật Hóa chất để công tác quản lý thực tiễn đạt được hiệu quả cao hơn.
Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp
Cũng quan tâm đến Chương III dự thảo Luật, ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng) nêu rõ, dự thảo Luật quy định về thời hạn cấp phép cho các hoạt động đối với hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện, hóa chất cần kiểm soát đặc biệt đều là 5 năm từ ngày được cấp.
So sánh tương ứng với Luật Hóa chất hiện hành, đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng, thời hạn giấy phép là không xác định thời hạn. Đồng thời, Luật hiện hành và văn bản hướng dẫn thi hành cũng quy định rõ khi có thay đổi về địa điểm cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất, loại hình, quy mô, chủng loại hóa chất sản xuất, kinh doanh... thì cần xin điều chỉnh giấy phép. “Việc sửa đổi như dự thảo Luật sẽ gây khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp vì thủ tục cấp phép thường tiêu tốn nhiều thời gian, qua nhiều bước thẩm định, thẩm tra, kiểm tra, đặc biệt là với các doanh nghiệp có nhiều địa chỉ, cơ sở hoạt động hóa chất ở các địa phương trên toàn quốc, đòi hỏi cơ quan chuyên môn cần có sự phối hợp cùng với các cơ quan quản lý của địa phương đặt trụ sở chính tiến hành thẩm định qua nhiều vòng”, đại biểu nhận định.

ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Bên cạnh đó, đại biểu Lã Thanh Tân cũng cho rằng, việc kiểm tra năng lực, sự tuân thủ của doanh nghiệp theo giấy phép đã cấp vẫn được định kỳ hàng năm kiểm soát với cơ quan chức năng theo yêu cầu báo cáo giám sát định kỳ, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành định kỳ qua hệ thống cổng thông tin điện tử cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia hoặc thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có phát hiện sai phạm trong hoạt động để kịp thời xử lý vi phạm hành chính, bao gồm cả tước giấy phép và đình chỉ hoạt động. Do vậy, đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định về giấy phép không có thời hạn như trong Luật Hóa chất hiện hành hoặc nếu có thời hạn thì nên quy định ở mức dài hơn là 10 năm như quy định về giấy phép môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường.
Mặt khác, tại khoản 1 Điều 49 dự thảo Luật quy định hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2026 và khoản 2 Điều 50 dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hoạt động theo giấy chứng nhận đã được cấp đến hết ngày 31.12.2027.
Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị điều chỉnh thời hạn này là được tiếp tục hoạt động theo giấy chứng nhận đã được cấp theo ngày được cấp giấy chứng nhận và thời hạn của giấy chứng nhận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được liên tục và tiết kiệm được các nguồn lực, thời gian, nhân vật lực cho thực hiện công tác thẩm định, kiểm tra cấp giấy phép mới.

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Chẳng hạn, một doanh nghiệp phải xin và được cấp giấy chứng nhận vào thời điểm tháng 12.2025 thì theo dự thảo Luật sẽ chỉ có tối đa 2 năm cho việc thực hiện hoạt động hóa chất theo giấy chứng nhận này, trong khi thời gian đưa ra là 5 năm của giấy chứng nhận như trong dự thảo Luật là ngắn, tương quan với hoạt động xin cấp giấy phép thông thường. “Với đề xuất áp dụng giấy chứng nhận có thời hạn 10 năm thì doanh nghiệp có thể ổn định và tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ cần gia hạn xin cấp mới giấy phép trước ngày 30.12.2035”, đại biểu nói.
Cùng quan điểm về thời hạn của giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) cũng đề nghị tăng thời gian trên 5 năm, vì thời hạn trên là quá ngắn, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất có điều kiện.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên giải trình tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, điều kiện để cấp giấy phép, giấy chứng nhận bao gồm các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân lực chuyên môn, trong đó nhiều điều kiện có sự thay đổi thường xuyên như về cơ sở vật chất, kỹ thuật có yêu cầu nghiêm ngặt, về an toàn, hiệu lực của giấy phép vận chuyển, thời hạn kiểm định thiết bị... Trong khi đó, nguồn lực thực hiện hậu kiểm, kiểm tra, giám sát hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng thời hạn của giấy phép, giấy chứng nhận quy định 5 năm là phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục cùng với cơ quan chủ trì thẩm tra, nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tới.