Xem xét, quyết định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể các cơ quan của Quốc hội
Chiều 18/2, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ban Thường vụ Đảng ủy và Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp xem xét dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của các cơ quan của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)
Tham dự phiên họp có Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; các Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương, Nguyễn Thị Thanh, Vũ Hồng Thanh, Lê Minh Hoan; Phó Bí thư Đảng ủy Quốc hội Vũ Hải Hà cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại phiên họp, các Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các nội dung: việc phê chuẩn danh sách các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm của 6 Ủy ban mới thành lập của Quốc hội (gồm: Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; Ủy ban Kinh tế và Tài chính; Ủy ban Văn hóa và Xã hội; Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; Ủy ban Công tác đại biểu; Ủy ban Dân nguyện và Giám sát).

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo. (Ảnh: Duy Linh)
Các đại biểu cũng cho ý kiến về việc phê chuẩn danh sách các Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách theo chức danh mới được sửa đổi theo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đối với 2 cơ quan không có thay đổi về tên gọi của Quốc hội (Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường); bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đối với bà Lê Thị Thu Hà.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đã được Quốc hội thông qua chiều 17/2, việc ban hành Nghị quyết này là rất cần thiết nhằm xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của các cơ quan của Quốc hội sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập.
Đánh giá cao Ban soạn thảo đã rất tích cực, khẩn trương trong việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc hoàn thiện, nâng cấp các quy định sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan của Quốc hội; quán triệt tinh thần tinh gọn bộ máy, bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, dự thảo Nghị quyết cần bám sát các chức năng cơ bản của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; bảo đảm tính kế thừa, đồng bộ, thống nhất và cân đối giữa các cơ quan.
Bày tỏ sự tán thành cao quy định về cơ cấu tổ chức, nguyên tắc làm việc của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc bổ sung nội dung quy định về chế độ làm việc, quy định rõ phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm, loại công việc cần giải quyết của tập thể các cơ quan sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp tính chất, yêu cầu công việc của từng chủ thể có liên quan, bảo đảm giải quyết kịp thời các nhiệm vụ, công việc phát sinh.
Về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trước mắt, vẫn kế thừa và tiếp nhận nguyên trạng nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan như trước khi thực hiện sắp xếp để phân định nhiệm vụ, quyền hạn. Trong đó, 2 ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội được nâng cấp lên 2 Ủy ban của Quốc hội, gồm Ủy ban Công tác đại biểu và Ủy ban Dân nguyện và Giám sát nên chức năng, nhiệm vụ cũng được nâng lên.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc tập trung điều chỉnh bước đầu một số lĩnh vực, nội dung công việc giữa một số cơ quan để bảo đảm tính cân đối, hài hòa; không bỏ trống, trùng lắp về lĩnh vực, nhiệm vụ; nhất trí cơ chế: Mỗi cơ quan của Quốc hội tập trung thẩm tra, giám sát, theo dõi hoạt động thuộc trách nhiệm của từ 2-3 bộ, ngành ở trung ương để bảo đảm tính cân đối, hài hòa, tránh dồn việc vào một số cơ quan.
Về mối quan hệ giữa Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban và Văn phòng Quốc hội trong việc quản lý Vụ chuyên môn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, để đáp ứng yêu cầu đang đặt ra, Nghị quyết cần xác định rõ hơn nữa mối quan hệ giữa Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban và Văn phòng Quốc hội trong việc quản lý Vụ chuyên môn.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban để tạo thành sức mạnh tổng hợp, cần sớm tập trung hoàn thiện các quy định liên quan cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc, đơn vị chuyên môn giúp việc và việc bảo đảm điều kiện hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, không làm gián đoạn, ảnh hưởng việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan.
Sau khi thảo luận, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, thông qua các nghị quyết về số lượng và phê chuẩn danh sách thành viên các cơ quan của Quốc hội khóa XV.