Xem lại những bộ phim kinh điển về chiến tranh Việt Nam

Trong kho tàng phim về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam, nhất là khai thác về cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, có không ít tác phẩm kinh điển mà đến thời điểm này, chưa có bộ phim nào có thể vượt qua được.

Hình ảnh 3 bộ phim Cánh đồng hoang, Ván bài lập ngửa, Biệt động Sài Gòn. Ảnh: TL

Hình ảnh 3 bộ phim Cánh đồng hoang, Ván bài lập ngửa, Biệt động Sài Gòn. Ảnh: TL

Có thể kể đến một số tác phẩm như: Cánh đồng hoang, Biệt động Sài Gòn, Ván bài lật ngửa…

Lấp lánh chất trữ tình

Cánh đồng hoang là một trong những phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam, ra mắt vào ngày 30-4-1979 của Hãng phim Giải phóng. Phim do Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Hồng Sến đạo diễn, nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết kịch bản và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết nhạc.

Phim kể về cuộc sống của một đôi vợ chồng nông dân Ba Đô - Sáu Xoa (do diễn viên Lâm Tới và Thúy An thủ vai) cùng người con nhỏ, sinh sống trên một cánh đồng hoang ở vùng Đồng Tháp Mười. Giữa mênh mông sông nước, đầy bom đạn, đôi vợ chồng hạnh phúc với niềm vui bên con nhỏ và công việc trồng lúa, bắt cá. Trong tiếng đạn rú, bom nổ, vẫn có tiếng cười chân chất, hiền hậu của cả vợ và chồng cùng cậu con trai giữa thiên nhiên hoang sơ. Cặp vợ chồng ấy còn đóng vai trò như những người giữ liên lạc cho quân giải phóng. Phim đặc tả nhiều chi tiết đắt giá như: vợ chồng anh Ba Đô cho con vào túi ny-lông để tránh bom; cảnh lội sông nghe ngóng máy bay Mỹ của Ba Đô - Sáu Xoa, cái chết của Ba Đô, của người lính Mỹ…

Trong chương trình Cine 7 - Ký ức phim Việt của Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng mới đây, nhà phê bình điện ảnh, tiến sĩ Ngô Phương Lan đánh giá, Cánh đồng hoang là một bản hùng ca trữ tình. Vợ chồng anh Ba Đô chỉ có duy nhất chiếc xuồng nhỏ, sống trong 1 căn chòi, giữa cánh đồng hoang nhưng hàng ngày đối mặt với những trận càn quét của máy bay địch, với thế lực sắt thép tượng trưng cho thế giới văn minh, hiện đại. Thế nhưng, ở đó vẫn lấp lánh chất trữ tình với cuộc sống hồn hậu, chan hòa với thiên nhiên của con người, tình cảm vợ chồng, gia đình và tình yêu quê hương, đất nước.

Cánh đồng hoang, Ván bài lập ngửa, Biệt động Sài Gòn chỉ là 3 trong số rất nhiều bộ phim có đề tài về chiến tranh cách mạng rất thành công của điện ảnh Việt Nam. Cho đến thời điểm hiện tại, khi nhắc đến những bộ phim này, khán giả vẫn nhớ ngay tới những vai diễn "để đời" của Nguyễn Chánh Tín, Thương Tín, Thúy An, Thanh Lan…

Kịch tính, hấp dẫn

Biệt động Sài GònVán bài lật ngửa là 2 bộ phim “để đời” về đề tài chiến tranh cách mạng. Sức hấp dẫn của 2 bộ phim này không chỉ vì được viết từ nguyên tác có thật, kịch bản chặt chẽ, công phu, đạo diễn giỏi mà còn ở dàn diễn viên rất hợp vai.

Trong đó, phim Biệt động Sài Gòn sản xuất năm 1985 do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất dựa trên tư liệu có thật về lực lượng đặc công quân giải phóng miền Nam (hay biệt động Sài Gòn) trong sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968 và cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Phim do Lê Phương viết kịch bản, Long Vân đạo diễn có sự góp mặt của các diễn viên Quang Thái, Hà Xuyên, Thanh Loan, Thương Tín, Thúy An, Bùi Cường… Biệt động Sài Gòn có 4 tập: Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông và Trả lại tên cho em.

Biệt động Sài Gòn kể về những cuộc đấu trí căng thẳng của các chiến sĩ tình báo trong đô thành Sài Gòn vào những năm 1960. Trong đó, nổi bật nhất là "trùm tình báo" Tư Chung (do Quang Thái thủ vai) là Tư lệnh trưởng Đội Biệt động Sài Gòn, mật hiệu F8 và chiến sĩ tình báo Ngọc Mai (Hà Xuyên), mật hiệu Z20 cùng sát cánh bên nhau, đóng kịch làm hai vợ chồng quản lý Hãng sơn Đông Á. Cùng với các đồng đội khác là Sáu Tâm (Thương Tín đóng), ni cô Huyền Trang (Thanh Loan đóng), Năm Hòa (bí danh K9, diễn viên Bùi Cường đóng) đã tạo nên những màn rượt đuổi, đấu trí căng thẳng giữa ta và địch.

Biệt động Sài Gòn khi ra mắt đã tạo nên cơn sốt với khán giả. Và cho đến thời điểm này, đây vẫn là bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng khai thác được nhiều góc cạnh của người chiến sĩ tình báo - những người đã góp phần làm nên Chiến thắng Mậu Thân năm 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Dài 8 tập (gồm: Đứa con nuôi vị giám mục, Quân cờ di động, Phát súng trên cao nguyên, Cơn hồng thủy và bản Tango số 3, Trời xanh qua kẽ lá, Lời cảnh cáo cuối cùng, Cao áp và nước lũ và Vòng hoa trước mộ), cũng về đề tài tình báo, bộ phim Ván bài lật ngửa do Xí nghiệp phim Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Hãng phim Giải Phóng) sản xuất trong những năm 1982-1987.

Phim mô phỏng quãng đời hoạt động của các nhân vật gián điệp có thật ngoài đời hoạt động trong lòng địch thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, trong đó có nguyên mẫu là nhà tình báo của Quân đội nhân dân Việt Nam Phạm Ngọc Thảo. Dựa trên truyện dài kỳ của nhà văn Trần Bạch Đằng, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã khắc họa sinh động cuộc đời hoạt động cách mạng của đại tá Nguyễn Thành Luân (diễn viên Nguyễn Chánh Tín đóng), được cài cắm sâu hoạt động trong lòng địch, tại Sài Gòn, thời kỳ Mỹ - Diệm. Ở mỗi tập phim, khán giả lại thấy một Nguyễn Thành Luân tài trí, thông minh, nhanh nhạy, sắc bén, dũng cảm, rất điển trai và gallant. Cùng với các đồng đội khác, đặc biệt là người vợ Thùy Dung cũng là một tình báo nữ (do diễn viên Thúy An và ca sĩ Thanh Lan thủ vai), đại tá Nguyễn Thành Luân đã phối hợp ăn ý, nhịp nhàng, vượt qua mọi thử thách và sự hoài nghi của địch để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Với kịch bản lôi cuốn, hấp dẫn, dàn diễn viên diễn xuất ăn ý, âm nhạc hay, nhiều cảnh quay đẹp…, Ván bài lật ngửa ngay sau khi ra mắt đã tạo được sức hút mạnh mẽ đối với khán giả. Phim liên tiếp đạt được những giải thưởng danh giá. Đặc biệt, đây cũng là vai diễn thành công nhất của diễn viên Nguyễn Chánh Tín trong sự nghiệp diễn xuất với vai diễn đại tá Nguyễn Thành Luân.

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202504/xem-lai-nhung-bo-phim-kinh-dien-ve-chien-tranh-viet-nam-e3c3a5e/
Zalo