Xe tăng M-1 Abrams: Chiến xa biểu tượng của quân đội Mỹ

M-1 Abrams là dòng xe tăng chiến đấu chủ lực của quân đội Mỹ, nổi tiếng vì sức mạnh hỏa lực vượt trội và khả năng cơ động cao.

Lời tòa soạn

Mỹ là quốc gia sở hữu nhiều loại vũ khí hiện đại và uy lực, thể hiện sức mạnh quân sự vượt trội trên thế giới. Trong đó, trực thăng AH-64 Apache, xe tăng M-1 Abrams, pháo tự hành M109A6 Paladin, tên lửa chống tăng BGM-71 TOW và súng máy M-2 Browning được đánh giá là 5 loại vũ khí mạnh nhất của quân đội nước này.

Bài 1: Khám phá 5 loại vũ khí mạnh nhất của quân đội Mỹ

Bài 2: Trực thăng AH-64 Apache: Sức mạnh từ bầu trời của quân đội Mỹ

Theo trang tin quân sự Military Today, M-1 Abrams là loại xe tăng phổ biến nhất của quân đội Mỹ, bắt đầu được Lục quân nước này đưa vào biên chế năm 1986. Đến năm 1991, Abrams đã ngay lập tức chứng minh hiệu quả thực chiến trong chiến tranh Vùng Vịnh.

M-1 Abrams là xe tăng do tập đoàn General Dynamics của Mỹ sản xuất. Chiến xa này có trọng lượng 57 tấn, chiều dài tổng thể bao gồm cả pháo là 9,83m; chiều rộng 3,66m; chiều cao 2,44m. Một kíp chiến đấu của xe bao gồm 4 người, tính cả xạ thủ.

Ở thời điểm hiện tại, phiên bản phổ biến nhất của M1-Abrams là M1-A1 và M1-A2, với những cải tiến về động cơ và khả năng phòng thủ. Xe tăng M1-A1 sử dụng động công suất 1500 mã lực, cho phép chiến xa này di chuyển với vận tốc tối đa 67 km/h, tầm hoạt động 465km.

Xe tăng M-1 Abrams của Mỹ khai hỏa. Video: AiirSource Military

So với bản M-1 truyền thống, các xe tăng M1-A1 và M1-A2 được bao phủ bằng lớp giáp uranium nghèo (Depleted Uranium - DU), có khả năng chống được các loại đạn pháo cỡ 125mm và các loại vũ khí chống tăng thông thường như B-40, B-41 (RPG-7).

Hệ thống điều khiển của các xe tăng Abrams cũng được tự động hóa, khi các radar được kết nối với hệ thống định vị toàn cầu (GPS), cho phép các thành viên trên xe theo dõi chính xác vị trí của phương tiện đang tác chiến. Ngoài ra, xe tăng của Mỹ cũng có thể sử dụng các thiết bị tác chiến điện tử và hệ thống báo động sớm.

Vũ khí chính của M-1 Abrams là pháo nòng trơn M256 cỡ nòng 120mm, sử dụng đạn xuyên giáp đặc biệt M829A2. Ngoài pháo chính là M256, chiến xa này còn trang bị một số vũ khí khác gồm súng máy M240 7,62mm đồng trục, một súng máy 7,62mm khác lắp trên nóc do xạ thủ vận hành và súng máy M250 Browning 12,7mm do chỉ huy điều khiển.

Tuy vậy, các dòng xe tăng M-1 Abrams vẫn tồn tại những khuyết điểm cố hữu gồm trọng lượng nặng, tính linh hoạt kém và chi phí bảo dưỡng cao.

Xe tăng M1-A2 SepV3, phiên bản hiện đại nhất của dòng xe tăng Abrams. Ảnh: General Dynamics

Xe tăng M1-A2 SepV3, phiên bản hiện đại nhất của dòng xe tăng Abrams. Ảnh: General Dynamics

Trong quá khứ, M-1 Abrams đã có những thành tích vô cùng ấn tượng trên chiến trường. Đơn cử trong trận đấu tăng quy mô lớn ngày 26/2/1991, khi 12 xe tăng M1A1 của Mỹ đã tiêu diệt 27 xe tăng, 18 bọc thép bộ binh và 30 xe tải của Iraq.

Tới cuộc chiến tranh Iraq năm 2003, quân đội Mỹ đã sử dụng cả loại xe tăng M1-A1 và M1-A2, tiêu diệt hàng trăm xe tăng Iraq trong hai đợt phản công, thực hiện có hiệu quả các đợt đột kích mục tiêu trong thành phố, đặc biệt là tại Baghdad.

Vào thời điểm hiện tại, dù đã liên tục được cải tiến, nhưng Abrams lại đang tỏ ra thất thế trước các loại vũ khí thế hệ mới như máy bay không người lái (UAV). Tại tiền tuyến Ukraine, các xe tăng của Mỹ đã có màn thể hiện không như kỳ vọng và chỉ được dùng như những hệ thống pháo tầm xa.

Theo các sĩ quan Ukraine, lớp giáp bảo vệ của xe tăng Abrams tương đối hiệu quả khi đối đầu với các loại tên lửa chống tăng phổ thông như Kornet. Tuy nhiên, phần sườn và tháp pháo của chiến xa này lại rất dễ bị xuyên thủng.

Việt Dũng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/xe-tang-m-1-abrams-chien-xa-bieu-tuong-cua-quan-doi-my-2396389.html
Zalo