Berlin chao đảo: Tân Thủ tướng Friedrich Merz, một chiến thắng không trọn vẹn

Những tưởng nước Đức sẽ chính thức bước vào một kỷ nguyên lãnh đạo mới sau cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang (Bundestag) bất thường hồi cuối tháng 2, nhưng chính trường Berlin đã bị chấn động bởi một bước ngoặt chưa từng có trong lịch sử hiện đại: Friedrich Merz, ứng cử viên Thủ tướng được đề cử bởi liên minh CDU/CSU và SPD, đã không giành đủ số phiếu cần thiết trong vòng bỏ phiếu đầu tiên tại Bundestag.

Niềm tin lung lay ngay từ khởi đầu

Niềm tin lung lay ngay từ khởi đầu

Trong suốt 2 tháng sau bầu cử, các bên trong liên minh tương lai - CDU/CSU và SPD - đã tích cực đàm phán để hoàn thiện văn kiện thỏa thuận liên minh. Văn bản này cuối cùng đã được ký kết bởi lãnh đạo 3 đảng vào ngày 5 tháng 5, đánh dấu một cột mốc quan trọng cho sự thành lập chính phủ mới. Cùng ngày, một buổi lễ quân nhạc trang trọng đã được tổ chức tại Berlin để tri ân Thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz. Không ai ngờ rằng, chỉ 12 giờ sau, niềm tin vào một cuộc chuyển giao quyền lực suôn sẻ lại bị thử thách nghiêm trọng.

Sáng ngày 6 tháng 5, Bundestag nhóm họp để bỏ phiếu bầu Thủ tướng mới. Sự kiện thu hút sự chú ý đặc biệt khi có sự hiện diện của nhiều nhân vật nổi bật, bao gồm cả cựu Thủ tướng Angela Merkel. Tuy nhiên, trong khoảnh khắc lẽ ra phải là bước khởi đầu cho chính phủ mới, nước Đức chứng kiến một kết quả gây chấn động: Friedrich Merz không được bầu làm Thủ tướng.

Theo quy định, một ứng cử viên chỉ có thể đắc cử nếu giành được ít nhất 316 phiếu - tức đa số tuyệt đối trong tổng số 630 nghị sĩ. Với 328 ghế trong tay, liên minh CDU/CSU-SPD được cho là nắm chắc phần thắng. Nhưng thực tế, chỉ có 310 phiếu được bỏ cho Friedrich Merz, đồng nghĩa ít nhất 18 nghị sĩ trong liên minh đã quay lưng với ứng cử viên mà họ chính thức ủng hộ.

Đây không chỉ là một thất bại về mặt kỹ thuật, mà là lời cảnh báo nghiêm trọng về sự thiếu đồng thuận trong lòng liên minh vừa được ký kết. Việc một bộ phận nghị sĩ, có thể vì lý do cá nhân, chính trị, hoặc phản đối cách thức hình thành liên minh, chọn không bỏ phiếu cho Friedrich Merz cho thấy sự rạn nứt sâu xa, dù chỉ vừa chính thức bước vào giai đoạn cầm quyền.

Trong lịch sử chính trị của nước Đức, chưa từng có tiền lệ nào tương tự. Hệ thống nghị viện vốn nổi tiếng ổn định này đang phải đối mặt với một thử thách nghiêm trọng, buộc các nhà lãnh đạo phải cân nhắc kỹ lưỡng về bước đi tiếp theo: một cuộc bỏ phiếu lần hai, hay nước Đức sẽ lại rơi vào vòng xoáy đàm phán, thậm chí là tái bầu cử.

Sự thất bại bất ngờ của Friedrich Merz trong vòng bỏ phiếu Thủ tướng tại Bundestag không phải là một tai nạn chính trị đơn thuần. Đằng sau con số 310 phiếu, thiếu 6 phiếu so với đa số tuyệt đối mà liên minh CDU/CSU-SPD được kỳ vọng đạt được, là một chuỗi những lý do sâu xa phản ánh sự chia rẽ nội tại và những vết hằn chính trị chưa lành trong nội bộ Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đối tác quan trọng trong liên minh.

Đầu tiên, nguyên nhân quan trọng xuất phát từ sự phản đối của cánh tả trong SPD, vốn luôn cảnh giác với việc hợp tác cùng phe bảo thủ. Bản thỏa thuận liên minh không làm hài lòng nhóm này khi đề xuất cải cách Bürgergeld, chế độ phúc lợi xã hội cơ bản được xem là dấu ấn quan trọng dưới thời Olaf Scholz. Việc nâng lương tối thiểu, một chủ trương xã hội chủ nghĩa cốt lõi, chỉ được liệt kê như mục tiêu “có thể đạt được” chứ không có cam kết chắc chắn. Thêm vào đó, tài liệu không hề đề cập đến kế hoạch đánh thuế doanh nghiệp lớn, một yêu cầu lâu nay của SPD nhằm tái phân phối công bằng hơn.

Thứ hai, kýức chính trị và sự ngờ vực với Friedrich Merz. Không ít thành viên SPD vẫn chưa quên những tháng ngày Friedrich Merz lãnh đạo phe đối lập, với các đòn tấn công chính trị được cho là gay gắt và mang tính thao túng nhằm vào chính phủ Scholz. Sự đối đầu này để lại dư âm khó xóa nhòa, đặc biệt trong lòng những nghị sĩ trung thành với cựu Thủ tướng.

Thứ ba,một vết rạn lớn khác là sự bất đồng trong chính sách nhập cư. SPD từng kịch liệt phản đối một dự luật di cư mang tính dân túy do CDU/CSU đề xuất và đưa ra bỏ phiếu vào tháng 1 năm 2025. Mặc dù dự luật bị bác bỏ, nhưng điều gây chấn động là nó nhận được sự ủng hộ từ cả AfD - đảng cực hữu - lần đầu tiên tại Bundestag cho một đề xuất từ các đảng truyền thống. Vụ việc này đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình quy mô lớn trên khắp nước Đức với khoảng 700.000 người xuống đường, phản đối khả năng “hợp tác tình huống” giữa phe bảo thủ và cực hữu. Đối với SPD, đây là lằn ranh đỏ mà bất kỳ sự hợp tác nào với Friedrich Merz cũng bị đặt dưới ánh mắt nghi ngại.

Thứ tư, “phanh nợ” và cú xoay chính sách gây tranh cãi. Ngay sau cuộc bầu cử vào tháng 2, Friedrich Merz đã khiến nhiều cử tri bảo thủ thất vọng khi phá vỡ cam kết tranh cử: không nới lỏng quy tắc “phanh nợ” (Schuldenbremse). Thay vào đó, Bundestag nhanh chóng thông qua cải cách quy định này vào tháng 3 với sự ủng hộ từ CDU/CSU, SPD và cả Đảng Xanh - một động thái bị chỉ trích là thực dụng và phản lại nguyên tắc tài khóa bảo thủ lâu nay.

Thứ năm, những gương mặt xa lạ và một nội các thiếu bản sắc. Thêm một yếu tố khiến lòng tin trong liên minh bị xói mòn là thành phần nội các mà CDU đề xuất. Ngoài Friedrich Merz và Patrick Schnieder (ứng viên cho chức Chánh văn phòng Thủ tướng), tất cả các gương mặt còn lại đều là những cái tên xa lạ với công chúng. Ba người không phải là thành viên Bundestag, trong đó có đại diện từ các tổ chức vận động hành lang và giới doanh nghiệp - điều khiến nhiều người lo ngại về ảnh hưởng của lợi ích nhóm. Không có bất kỳ đại diện nào của cánh cấp tiến trong CDU, cũng không có dấu ấn nào từ “trường phái Merkel”, vốn từng đại diện cho một xu hướng bảo thủ ôn hòa và dung hòa hơn.

Friedrich Merz đắc cử sau vòng bỏ phiếu thứ hai: Một chiến thắng sát nút và đầy ràng buộc

Theo Luật Cơ bản của Cộng hòa Liên bang Đức, nếu một ứng cử viên Thủ tướng không giành được đa số phiếu tuyệt đối (tối thiểu 316 trong tổng số 630 nghị sĩ) trong vòng bỏ phiếu đầu tiên tại Bundestag, Quốc hội liên bang sẽ có tối đa 14 ngày để tổ chức các vòng bỏ phiếu tiếp theo. Trong khoảng thời gian này, bất kỳ nghị sĩ nào cũng có thể ra tranh cử. Nếu vẫn không có ai đạt đa số tuyệt đối, Bundestag sẽ tiến hành ngay vòng bỏ phiếu thứ ba. Trong vòng này, nếu một ứng viên giành được đa số tuyệt đối, người đó sẽ chính thức trở thành Thủ tướng. Tuy nhiên, nếu chỉ đạt đa số tương đối, quyền quyết định sẽ thuộc về Tổng thống Liên bang - người có thể lựa chọn giữa việc bổ nhiệm Thủ tướng hoặc giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử mới.

Trước áp lực lớn từ viễn cảnh bất ổn chính trị và nguy cơ một cuộc bầu cử sớm làm xáo trộn toàn bộ cục diện, vòng bỏ phiếu thứ hai đã được tổ chức chỉ vài giờ sau vòng đầu thất bại - một quyết định cho thấy sự khẩn trương trong nội bộ liên minh. Kết quả: Friedrich Merz giành được 325 phiếu thuận, vượt mức cần thiết và chính thức trở thành Thủ tướng Đức. Tuy nhiên, 3 đại biểu trong liên minh cầm quyền vẫn tiếp tục không bỏ phiếu cho ông, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự bất mãn chưa được hóa giải hoàn toàn.

Sự thành công nhanh chóng trong vòng bỏ phiếu thứ hai có thể được lý giải bằng hai yếu tố chính: Một là, không có ứng cử viên thay thế khả dĩ nào đủ sức thuyết phục trong thời gian ngắn. Hai là, một cuộc bầu cử mới vào Bundestag không chỉ tốn kém và rủi ro, mà còn đe dọa đến vị thế của các đảng lớn trong liên minh. Trong bối cảnh chính trường Đức đang phân cực sâu sắc, không ai muốn đánh cược thêm.

Tuy nhiên, chiến thắng của tân Thủ tướng Friedrich Merz không đồng nghĩa với một con đường bằng phẳng. Để giữ vững vị trí của mình, ông sẽ phải đối mặt với những áp lực đến từ cả hai phía: sự dè chừng từ SPD, và các đòi hỏi ngày càng lớn từ cánh cấp tiến trong chính đảng CDU của ông - vốn không hài lòng với thành phần nội các mang thiên hướng kỹ trị và bảo thủ truyền thống.

Friedrich Merz - người từng tuyên bố “chính trị không phức tạp như người ta vẫn tưởng” - giờ đây đang học được rằng, trong một hệ thống nghị viện đa đảng như Đức, sự phức tạp chính là bản chất. Các đòn cân bằng và kiểm soát quyền lực không chỉ đến từ phe đối lập, mà còn từ ngay trong nội bộ liên minh và đảng của chính ông.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/berlin-chao-dao-tan-thu-tuong-friedrich-merz-mot-chien-thang-khong-tron-ven-247916.htm
Zalo