Xe PHEV có thực sự đáng mua lúc này?
Hiện tại mức độ quan tâm đến xe PHEV (hybrid sạc ngoài) đang ở độ 'tò mò', nhưng để mọi người chuyển hành động sang mua... phải cần thêm thời gian.
Câu chuyện về xe PHEV (hybrid sạc điện ngoài) bỗng gây sự chú ý gần đây, khi nổ ra tranh cãi trên mạng xã hội: Xe PHEV có cần thường xuyên sạc ngoài hay không? Trong đó, giới nghiên cứu khoa học dựa vào lý thuyết và mục đích của nhà sản xuất để phân tích lý do xe PHEV cần phải sạc ngoài. Còn đại diện đơn vị bán hàng lại khẳng định xe PHEV không cần sạc thường xuyên, để nhằm quảng cáo tính tiết kiệm nhiên liệu và không phụ thuộc vào trạm sạc như xe điện.
Vậy thực tế xe PHEV có phải lựa chọn hợp lý ở Việt Nam thời điểm hiện tại? Chúng ta hãy cùng nhìn vào một số vấn đề dưới đây để hình dung ra câu trả lời.
Người bán cố chứng minh bằng hành trình 1.300 km không cần đổ thêm xăng
Ngay sau khi tranh cãi về xe PHEV có nên thường xuyên sạc điện hay không nổ ra, công ty Omoda & Jaecoo Việt Nam (liên doanh giữa Tập đoàn Geleximco và Tập đoàn Chery Trung Quốc) ngay lập tức tổ chức chuyến đi bằng xe Jaecoo J7 PHEV từ Hà Nội tới Quy Nhơn, dự kiến dài 1.300 km mà không cần đổ thêm xăng hay sạc thêm điện.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Tổng Giám đốc Omoda & Jaecoo Việt Nam tự tin chia sẻ: "Chúng tôi sẽ vắt kiệt pin trong 100 km đầu và sau đó với hành trình 1.200 km còn lại trong 3 ngày sẽ chạy hoàn toàn không sạc, để chứng minh việc không sạc với PHEV không phải lo lắng, vẫn hoạt động hầu hết thuần điện, tiết kiệm".
Ông Quang cũng nhấn mạnh, nếu không sạc thường xuyên, chi phí năng lượng của xe PHEV tương đương sạc ở nhà và tốt hơn rất nhiều so với sạc ở trạm sạc bên thứ 3. Thậm chí so với xe ô tô điện EV sạc ở trạm sạc bên thứ 3, chi phí năng lượng của xe EV gấp 2 lần so với xe PHEV.

Omoda & Jaecoo Việt Nam tổ chức chuyến đi 3 ngày cho các KOL để chứng minh khả năng đi xa của xe Jaecoo J7. Ảnh: Đỗ Minh Hồ Hải.
Jaecoo J7 PHEV được quảng cáo trang bị công nghệ SHS (Super Hybrid System), giúp tiêu thụ nhiên liệu chỉ 0,52L/100km khi sạc đầy và 4L/100km khi di chuyển hỗn hợp. Xe có thể vận hành hoàn toàn bằng động cơ điện cho khoảng cách lên tới trên 100 km nhờ dung lượng khối pin là 18.3 KWh.
Để thêm phần khách quan, tham dự chuyến đi trên là một số youtuber và KOL để chứng thực cho quãng đường mà chiếc J7 PHEV di chuyển có đúng như hãng xe Trung Quốc quảng cáo hay không.
Trước đó, Omoda & Jaecoo Việt Nam cũng liên tục quảng cáo về khả năng đi xa của chiếc J7 PHEV, lên tới 1.427 km từ Singapore qua Malaysia đến Thái Lan mà không cần tiếp nhiên liệu.
Người Việt đang quan tâm PHEV, nhưng để mua còn cần thêm điều kiện
Nhận xét về cách làm truyền thông của Omoda & Jaecoo Việt Nam, anh Vi Đức Thọ, một nhà báo đang sống tại Hà Nội, liên tưởng tới việc tham dự rất nhiều cuộc thi lái xe tiết kiệm nhiên liệu và nhận thấy rằng cuộc thi và đời thực khác nhau hoàn toàn.
"Người dùng hằng ngày họ không thi và cũng chẳng bao giờ quan tâm điều đó, họ chỉ cần biết là công nghệ đó có tính ưu việt hơn, đơn giản vậy thôi. Còn lại, cái họ quan tâm nhất là an toàn và chất lượng", anh Thọ đưa ra suy nghĩ.
Nhà báo Thọ chỉ ra rằng, điều các hãng xe Trung Quốc cần lúc này không phải cố thể hiện khả năng vắt kiệt năng lượng của chiếc xe mà nên làm nổi bật ưu điểm của công nghệ PHEV. Tiết kiệm nhiên liệu chỉ là một yếu tố, người dùng cần biết xe lái có sướng và an toàn hơn không. Người dùng cũng cần phải biết để tối ưu xe PHEV, tận dụng sạc ngoài thay vì lười và chỉ trông chờ vào phanh tái sinh, trông chờ vào những lúc chạy tốc độ cao xe chỉ dùng máy xăng.
Trong khi đó, TS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô Đại học Bách khoa Hà Nội, tiếp tục khẳng định xe PHEV được sinh ra với thiết kế cổng sạc thì phải được sạc điện thường xuyên. Nếu không sạc thường xuyên, PHEV sẽ mất hết lợi thế, còn nếu sạc đúng – sạc đều – sạc thông minh, PHEV có thể giúp tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải, kéo dài tuổi thọ pin và đặc biệt là giảm "đau ví" về lâu dài.
"Đối với PHEV, việc sử dụng động cơ đốt trong liên tục (không sạc) trong điều kiện lái xe đô thị có nhiều pha tăng tốc/phanh không chỉ gây phát thải cao mà còn tăng hao mòn pin, do các giai đoạn chuyển đổi năng lượng diễn ra thường xuyên. Việc vận hành PHEV không sạc (chạy xăng) trong điều kiện đô thị là rất không khuyến khích, cả về môi trường lẫn chi phí hao mòn pin", TS. Phúc kết luận.
Chia sẻ sự quan tâm về công nghệ trên xe PHEV, chuyên gia ô tô Nguyễn Vinh cũng có góc nhìn tương tự TS. Phúc. Anh Vinh nhận định trên trang cá nhân: "Vậy sao lại cần sạc ? Việc bạn cắm sạc ban đêm đơn giản là làm đầy nó vào những lúc không cần đi xe. Điều này tốt cho kinh tế và nếu bạn muốn một chiếc xe điện thật sự. Việc không sạc PHEV tất nhiên sẽ không khai thác triệt để tiềm năng của nó".
Tuy nhiên, hiện các trạm sạc điện ở Việt Nam đang được đầu tư phần lớn bởi hãng xe điện VinFast, chưa chia sẻ cho thương hiệu khác. Việc phụ thuộc vào trạm sạc bên thứ 3 cho đến thời điểm hiện tại là khó khăn chung của các hãng xe điện ngoài VinFast, dẫn đến sự rút lui mới nhất của thương hiệu xe điện Trung Quốc AION.
Anh Nguyễn Đức Hậu (Long Biên, Hà Nội) là một người rất quan tâm đến mức tiết kiệm nhiên liệu, bởi hàng ngày đi và về từ Sóc Sơn trên 60 km. Nhưng đứng trước sự quảng cáo hấp dẫn của các xe PHEV đến từ Trung Quốc, anh Hậu chưa thấy thuyết phục.
"Tôi nhẩm tính với giá bán 969 triệu đồng của chiếc Jaecoo J7 PHEV đang đắt hơn tới 170 triệu so với chính bản máy xăng của nó. Kể cả đang trong giai đoạn khuyến mại giá hạ còn 879 triệu đồng, thì con số chênh lệch tiền vẫn còn khoảng 80 triệu đồng. Số tiền này để đổ xăng chạy thì trong 3 năm vẫn thoải mái, trong khi mức tiêu hao của xe PHEV trung bình vẫn tới 4L/100km khi chạy hỗn hợp. Nhà tôi không có chỗ để xe thì chuyện cắm sạc qua đêm để tận dụng tính tiết kiệm của xe PHEV gần như là con số 0. Đấy là còn chưa kể độ bền của xe này đến đâu, mức độ mất giá sau khi hết bảo hành. Trong khi ô tô chạy xăng liên tục khuyến mại giảm giá thì người có tài chính không quá dư dả như tôi sẽ phải tính toán kỹ từng đồng", anh Hậu chia sẻ quan điểm.

Mẫu xe KIA Sorento PHEV hiện có giá bán lên tới 1,5 tỷ đồng tại Việt Nam. Ảnh: KIA
Anh Hậu cho biết thêm nếu giá bán của xe PHEV không còn chênh lệch quá cao so với xe xăng thì anh sẽ có thể cân nhắc, nhưng vẫn phải quan sát hệ thống đại lý và bảo hành của nhà phân phối duy trì như thế nào trước khi quyết định mua xe.
Cho đến thời điểm hiện tại, mới có 2 hãng ô tô Trung Quốc đưa xe PHEV giá dưới 1 tỷ đồng vào kinh doanh tại Việt Nam là Jaecoo và BYD, còn những mẫu xe PHEV đến từ thương hiệu khác như KIA, Mitsubishi hay Volvo đều có giá bán đắt đỏ, khó tiếp cận với đại đa số người Việt.
Trong khi đó, thị phần toàn thị trường vẫn đang chiếm lĩnh bởi xe động cơ đốt trong và ô tô điện VinFast. Điều này cho thấy chặng đường "loay hoay" tìm thị trường của ô tô Trung Quốc vẫn còn khá dài dù khai phá ở phân khúc mới là PHEV.