'Xe mì 0 đồng' - 'ngọt' yêu thương, 'thơm' chia sẻ
Bưng tô mì nghi ngút khói, những cô cậu học trò vui ra mặt vì được bữa ăn ngon có thịt, có trứng. Nhiều em vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon: 'Lâu lắm rồi con mới được ăn ngon như vậy'; 'Mới đi học về bụng đói, có tô mì ăn, tuyệt quá'; 'Tô mì con có nhiều thịt lắm, rất ngon'… Đó là cảm nhận chung của các em học sinh Trường Trung học cơ sở (THCS) Phú Mỹ (xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) khi thưởng thức tô mì từ 'Xe mì 0 đồng tuổi trẻ Cảnh sát giao thông Sóc Trăng'.
Đối với nhiều người, một bữa ăn có thịt, có trứng là rất đổi bình thường. Nhưng với những hoàn cảnh khó khăn, bữa cơm chỉ có dưa mắm, cá, rau đắp đổi qua ngày, tô mì, tô bún trở nên xa xỉ với không ít gia đình. Thấu hiểu những hoàn cảnh đó, Chi đoàn Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Sóc Trăng đã thực hình mô hình thanh niên “Xe mì 0 đồng tuổi trẻ Cảnh sát giao thông Sóc Trăng”, nhằm phục vụ bữa ăn ngon miễn phí cho người dân, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chuẩn bị nguyên liệu cho các tô mì phục vụ các em học sinh Trường THCS Phú Mỹ (xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: NGỌC HẢI
Đại úy Trần Thanh Phương - Bí thư Chi đoàn Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, mô hình “Xe mì 0 đồng tuổi trẻ Cảnh sát giao thông Sóc Trăng” được triển khai thực hiện đầu tháng 3, hưởng ứng Tháng Thanh niên năm 2025. Mục đích là mang đến phần ăn ngon miệng, dinh dưỡng dành cho người dân và trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Định kỳ mỗi tuần, Chi đoàn Phòng Cảnh sát giao thông nấu 200 - 300 suất mì cho người dân. Ngoài ra, chi đoàn còn mở quầy quần áo 0 đồng để người dân lựa chọn quần áo mang về. Tính đến nay, xe mì 0 đồng này đã đến 4 địa điểm (xã Đại Tâm (2 lần) thuộc huyện Mỹ Xuyên, xã Phú Mỹ, xã Thuận Hưng thuộc huyện Mỹ Tú), nấu 1.400 suất mì phục vụ người dân và trẻ em. Thời gian tới, xe mì tiếp tục lưu động đến các xã trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Và Chi đoàn Phòng Cảnh sát giao thông sẽ cố gắng đưa xe mì đến tất cả các huyện trong tỉnh.
Đều đặn vào những buổi chiều cuối tuần, cán bộ đoàn, đoàn viên Phòng Cảnh sát giao thông lại bận rộn hơn để chuẩn bị bếp, nồi, nguyên liệu cần thiết, bàn, ghế, tô, đũa… đưa lên xe để đến điểm nấu mì phục vụ cho mọi người. Theo Đại úy Trần Thanh Phương, kinh phí mua các dụng cụ, nguyên liệu nấu nướng, bàn ghế… do anh em cơ quan đóng góp, phần thì có các nhà hảo tâm góp thêm. Anh em nào biết nấu thì vào bếp, còn bạn nào không giỏi nấu ăn thì phụ sơ chế nguyên liệu, dọn bàn ghế, cho mì ra tô để phục vụ mọi người. Trong quá trình làm, anh em đều đeo bao tay, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chi đoàn muốn mang đến bữa ăn ngon và lành cho người dân, các em nhỏ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mô hình “Xe mì 0 đồng tuổi trẻ Cảnh sát giao thông Sóc Trăng” ấm áp sự sẻ chia. Ảnh: NGỌC HẢI
Xe mì rất đắt hàng, mở phục vụ tầm 30 phút là gần hết các suất ăn. Có em ăn được 2 suất mì, có em ăn, húp hết nước súp nhưng vẫn còn thấy ngon và mong muốn xe mì sẽ đến lần nữa. Em Lâm Anh Duy, học sinh lớp 9, Trường THCS Phú Mỹ chia sẻ: “Con rất bất ngờ vì tan trường thấy xe mì 0 đồng trước cổng trường. Tô mì có đủ rau, thịt, trứng, con ăn thấy rất ngon. Ngoài mì còn có dưa hấu, nước uống. Bụng con no căng vì bữa ăn hôm nay”.
Ngồi cạnh bên, em Lý Chí Tài, học sinh lớp 6, Trường THCS Phú Mỹ tiếp lời: “Tô mì này phải nói là ngon nhất. Con ăn xong rồi còn muốn ăn thêm tô nữa đây. Được ăn chung với bạn bè chung lớp, chung trường, con rất thích. Con thấy các anh chị cảnh sát giao thông thật gần gũi, nhiệt tình nấu những suất mì cho chúng con”.
Còn em Dương Lâm Yến Phương, học sinh lớp 6, Trường THCS Phú Mỹ cảm nhận: “Các anh chị cảnh sát giao thông đã quá vất vả, đảm bảo an toàn giao thông. Nay các anh chị còn dành thời gian để nấu mì ngon cho chúng con ăn”.
Mô hình “Xe mì 0 đồng tuổi trẻ Cảnh sát giao thông Sóc Trăng” không chỉ mang đến phần ăn ngon phục vụ người dân, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số mà còn mang đến sự ấm áp, sẻ chia của Chi đoàn Phòng Cảnh sát giao thông dành cho những hoàn cảnh còn khó khăn. Bên cạnh đó, Chi đoàn Phòng Cảnh sát giao thông còn lồng ghép tuyên truyền, nhắc nhở người tham gia giao thông chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Đây được xem làm mô hình dân vận khéo, nâng cao kiến thức, tự giác chấp hành các quy định pháp luật khi tham gia giao thông của người dân, góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông và hạn chế các lỗi vi phạm là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến tai nạn.