Cầu Hàm Rồng xưa và nay

Hơn 120 năm, trải qua bao biến cố lịch sử, dưới mưa bom, bão đạn và sự bào mòn của thời gian, cầu Hàm Rồng vẫn hiên ngang, in bóng bên dòng sông Mã.

Cầu Hàm Rồng được khởi công xây dựng lần đầu tiên vào năm 1901 do hai kỹ sư người Đức thiết kế. Năm 1904, cầu mái vòm được xây xong, rộng 9m. Ngày 17/3/1905 cây cầu đã được khánh thành và cho thông xe. Năm 1946, trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến, cây cầu đã bị phá hủy.

 Hình ảnh "Cầu Hàm Rồng 1905"

Hình ảnh "Cầu Hàm Rồng 1905"

Đến năm 1962, cầu Hàm Rồng được khởi công xây dựng lại. Cầu gồm 2 nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ô tô và đường dành cho người đi bộ. Nơi đây từng là trọng điểm của cuộc chiến tranh, hàng trăm máy bay Mỹ bỏ mạng, hàng chục giặc Mỹ bị bắt sống.

Sau bao lần bị đánh phá ác liệt, cầu Hàm Rồng vẫn hiên ngang, đứng vững tựa vào sườn núi bên bờ sông Mã, trở thành biểu tượng của sức mạnh ý chí quật cường dân tộc.

Theo nhiều nguồn tư liệu, để bảo vệ cầu Hàm Rồng, quân dân ta đã bố trí tại đây nhiều đại đội pháo và lực lượng vũ trang trực sẵn sàng chiến đấu quyết tâm bảo vệ bằng được cầu Hàm Rồng. Trong 2 ngày 3 và 4/4, tại khu vực Hàm Rồng - Nam Ngạn, không quân Mỹ liên tục tổ chức các đợt đánh phá dữ dội. Trọng điểm của bom đạn địch là cầu Hàm Rồng.

 Hình ảnh "Công trường xây dựng Cầu Hàm Rồng, năm 1962-1963"

Hình ảnh "Công trường xây dựng Cầu Hàm Rồng, năm 1962-1963"

Bom đạn địch rơi xuống khắp nơi. Các khu vực như núi Ngọc, chợ Chớp, Nam Ngạn,... đều bị bom đạn địch tàn phá. Quân địch liên tiếp đánh phá Hàm Rồng với hàng chục chiếc máy bay chia làm nhiều tốp.

Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ Thanh Hóa vẫn kiên cường đánh trả máy bay địch. Các trận địa hỏa lực ở hai đầu cầu cùng các trận địa của dân quân Nam Ngạn, Yên Vực, Hoàng Long, Hoàng Lý... được bố trí để bảo vệ cầu.

 Cầu Hàm Rồng chứng tích lịch sử. Ảnh tư liệu

Cầu Hàm Rồng chứng tích lịch sử. Ảnh tư liệu

Trong 2 ngày 3 và 4/4/1965, không quân Mỹ đã xuất kích 454 lượt/chiếc máy bay, ném hàng nghìn tấn bom đạn xuống khu vực Nam Ngạn - Hàm Rồng. Cũng trong 2 ngày chiến đấu, quân và dân ta đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái. Quân và dân Hàm Rồng đã lập nên kỷ lục đầu tiên về thành tích bắn rơi máy bay Mỹ trên miền Bắc.

Theo chia sẻ của cựu chiến binh Lê Xuân Giang, nguyên Chính trị viên Đại đội 4, Trung đoàn 228: "Gần 3 nghìn ngày đêm chiến đấu kiên cường, nhân dân Thanh Hóa vượt qua mọi gian khổ hy sinh quyết tâm bảo vệ bằng được cầu Hàm Rồng với tình cảm thiêng liêng vì miền Nam ruột thịt. Vì thế ở Hàm Rồng có câu ca: “Hàm Rồng là máu là xương/ Là niềm tin của bốn phương gửi về”.

 Hàm Rồng còn là cây cầu được mang tên ngày sinh Bác Hồ, cầu 19/5

Hàm Rồng còn là cây cầu được mang tên ngày sinh Bác Hồ, cầu 19/5

Hàm Rồng còn là cây cầu được mang tên ngày sinh Bác Hồ, cầu 19/5. Tình cảm của quân và dân Hàm Rồng luôn luôn hướng về Bác Hồ, hướng về thủ đô. Quân dân Hàm Rồng hứa với nhau: Quyết bảo vệ cầu Hàm Rồng an toàn để được đón Bác đi qua cầu vào thăm đồng bào miền Nam ruột thịt.

 Cầu Hàm Rồng có 2 nhịp dầm thép, dài 160 m, rộng 17 m

Cầu Hàm Rồng có 2 nhịp dầm thép, dài 160 m, rộng 17 m

Từ một vùng đất phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự tàn phá khốc liệt trong mưa bom, bão đạn nay đã thực sự hồi sinh, phát triển từng ngày. Ngày nay, đứng ở Quảng trường Hàm Rồng, nơi từng được gọi với cái tên “Ngã ba Bom”, hướng mắt trông về bốn hướng, đâu đâu cũng thấy những công trình quy mô, trọng điểm quốc gia được xây dựng.

 Cầu Hàm Rồng hôm nay

Cầu Hàm Rồng hôm nay

Bên cạnh cầu Hàm Rồng là tượng đài và khu tưởng niệm 64 giáo viên, học sinh hy sinh bên bờ sông Mã vừa khánh thành ngày 31/3/2025, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (3,4/4/1965 - 3,4/4/2025).

 Khu vực tái hiện lại bối cảnh các giáo viên, học sinh lao động, đắp đê sông Mã trước khi bị máy bay Mỹ oanh tạc năm 1972

Khu vực tái hiện lại bối cảnh các giáo viên, học sinh lao động, đắp đê sông Mã trước khi bị máy bay Mỹ oanh tạc năm 1972

Chiến thắng Hàm Rồng đã làm nức lòng quân, dân cả nước, trở thành động lực để quân, dân cả nước tiếp tục tiến lên đánh thắng hoàn toàn đế quốc Mỹ và tay sai, giành lại độc lập tự do, thống nhất đất nước.

Chiến tranh đã lùi xa, chiến thắng Hàm Rồng đã đi vào lịch sử như một mốc son sáng chói. Những hố bom xưa nay đã liền miệng, mọc phía trên là cây trái tốt tươi. Hàm Rồng ngày nay đã trở thành điểm nhấn về du lịch của thành phố Thanh Hóa nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cau-ham-rong-xua-va-nay-post341323.html
Zalo