Xe máy có liên quan tới khoảng 65-70% số vụ tai nạn giao thông

Xe máy hiện nay đóng vai trò là phương tiện đi lại chủ đạo đối với phần lớn người dân tại Việt Nam nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ va chạm thương tích và tử vong.

Xe máy hiện nay đóng vai trò là phương tiện đi lại chủ đạo đối với phần lớn người dân tại Việt Nam. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Xe máy hiện nay đóng vai trò là phương tiện đi lại chủ đạo đối với phần lớn người dân tại Việt Nam. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Trong những năm tới đây, xe máy vẫn là phương tiện chủ đạo lưu thông chính của người dân Việt Nam, do đó việc triển khai các giải pháp nâng cao an toàn giao thông cho xe máy là một vấn đề có ý nghĩa rất lớn với hàng triệu người dân đang sử dụng phương tiện này hàng ngày.

Chiếm 30% số ca tử vong do va chạm giao thông

Phát biểu tại buổi hội thảo: “Các giải pháp nâng cao an toàn giao thông cho người đi xe máy tại Việt Nam - Những thách thức và bài học kinh nghiệm” do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và phối hợp với Tổ chức y tế thế giới (WHO) vào sáng 12/2, theo ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hiện nay, xe máy vẫn đang là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Việt Nam, với khoảng 77 triệu xe được đăng ký theo số liệu thống kê hết năm 2024.

Ông Thành dẫn chứng một số nghiên cứu độc lập đã chỉ ra xe máy hiện nay đóng vai trò là phương tiện đi lại chủ đạo đối với phần lớn người dân tại Việt Nam. Trong tương lai (tới 2030 và những năm tiếp theo), xe máy sẽ vẫn được sở hữu và sử dụng bởi trong điều kiện cơ sở hạ tầng đường xá còn bất cập, mức thu nhập cá nhân còn khá thấp và các dịch vụ giao thông công cộng ở các tỉnh, thành chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại thì xe máy vẫn là lựa chọn ưu tiên, đóng vai trò quan trọng trong đời sống, sinh kế của người dân.

Mặc dù là phương tiện đi lại chính và có nhiều ưu điểm, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá xe máy cũng có những nhược điểm (độ tiện nghi, tính năng an toàn không cao như ôtô....).

Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, xe máy có liên quan tới khoảng 65-70% số vụ tai nạn giao thông, không phải tất cả trong số đó xe máy đều là nguyên nhân nhưng nhiều vụ việc trong số đó người đi xe máy là nạn nhân.

“Chính vì sự phổ biến của xe máy và xu hướng sử dụng xe máy, cũng những đặc thù về giao thông vận tải tại Việt Nam, việc triển khai các giải pháp nâng cao an toàn giao thông cho xe máy là một vấn đề có ý nghĩa rất lớn với hàng triệu người dân đang sử dụng phương tiện này hàng ngày và chắc chắn sẽ góp phần nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam,” ông Thành khẳng định.

Bà Dương Khánh Vân, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng người đi xe máy và những người đi xe máy chiếm 30% số ca tử vong do va chạm giao thông đường bộ trên toàn cầu. Các yếu tố rủi ro chính gây ra thương tích do va chạm xe máy gồm: không đội mũ bảo hiểm, tốc độ xe, sử dụng rượu bia, điều kiện giao thông hỗn hợp, xe không được bảo vệ trong trường hợp xảy ra va chạm và thiếu cơ sở hạ tầng an toàn cho xe máy như mặt đường kém…

 Học sinh điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, có nguy cơ thương tích khi xảy ra tai nạn giao thông. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Học sinh điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, có nguy cơ thương tích khi xảy ra tai nạn giao thông. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Nhìn nhận Việt Nam đã làm tốt công tác đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy (chiếm 90-95% tại nhiều địa phương), kiểm soát nồng độ cồn, tốc độ lái xe, tuy nhiên, ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng chỉ ra vẫn còn nhiều thách thức như nhóm 16-18 tuổi điều khiển xe máy phân khối dưới 50cc nhưng thiếu kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện, số vụ tai nạn giao thông liên quan trẻ dưới 16 tuổi điều khiển xe hai bánh diễn biến phức tạp; nhiều vụ tai nạn giao thông do vi phạm quy tắc giao thông (đi vào điểm mù, chuyển hướng thiếu quan sát).

“Các quy định pháp luật hiện chưa có làn dành riêng cho xe máy; chưa có quy định xử phạt với trẻ dưới 6 tuổi khi ngồi trên xe máy không đội mũ, chưa có tiêu chuẩn mũ bảo hiểm đi xe máy cho trẻ dưới 6 tuổi; tỷ lệ đội mũ bảo hiểm của trẻ em ngồi xe máy còn thấp; chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ trên xe máy,” ông Minh nêu ra thực tế.

Lấp nhiều khoảng trống về kiến thức, kỹ năng và chế tài

Đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông cho người đi xe máy tại Việt Nam, theo ông Minh cần thay đổi chương trình đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe cho người đi xe máy sao cho chặt chẽ hơn, nâng cao nhận thức về các nguy cơ (tốc độ, rượu bia, mũ bảo hiểm, sử dụng điện thoại); chú trọng thực hành kỹ năng (tốc độ, phần đường làn đường, các quy tắc khi chuyển hướng, điểm mù, quan sát gương, an toàn giao thông khi đi vào ban đêm).

Ông Minh cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần bổ sung các kiến thức, kỹ năng cho người đi ôtô trong tham gia giao thông hỗn hợp với xe máy; có quy định pháp luật về thiết kế kết cấu hạ tầng giao thông xe máy như tiêu chuẩn làn đường riêng cho xe máy; chú trọng giáo dục, đào tạo và sát hạch kiến thức lái xe phân khối dưới 50cc cho học sinh; tăng cường ứng dụng, trang bị công nghệ để nâng cao tính an toàn cho xe máy; ứng dụng công nghệ trong xử phạt nguội xe máy…

Đại diện Viện Chiến lược Phát triển Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) đề xuất ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu giao thông, dự đoán rủi ro tai nạn giao thông; từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa và cảnh báo kịp thời cho người đi xe máy./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/xe-may-co-lien-quan-toi-khoang-65-70-so-vu-tai-nan-giao-thong-post1011914.vnp
Zalo