Việt Nam sắp có 3 Trung tâm Xạ trị Proton điều trị ung thư

Theo Bộ Y tế, đề án Xây dựng Trung tâm Xạ trị Proton ở 3 bệnh viện lớn là Bệnh viện K, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế, dự kiến chuẩn bị đầu tư trong năm 2025.

 Bệnh nhân mắc ung thư vòm hầu được điều trị tại khoa Xạ trị Tổng quát, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Ảnh: Khương Nguyễn.

Bệnh nhân mắc ung thư vòm hầu được điều trị tại khoa Xạ trị Tổng quát, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Ảnh: Khương Nguyễn.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị báo cáo tiến độ hoàn thiện đề án Xây dựng Trung tâm Xạ trị Proton. Ông nhấn mạnh việc triển khai xạ trị proton và xây dựng trung tâm xạ trị proton tại Việt Nam là cần thiết để đáp ứng công tác điều trị bệnh ung thư cho người dân.

3 trung tâm xạ trị ở 3 miền

Theo đó, Bộ Y tế giao các đơn vị triển khai đề án Xây dựng Trung tâm Xạ trị Proton ở 3 bệnh viện lớn là Bệnh viện K, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế. Đề án này dự kiến đầu tư trong năm 2025, phấn đấu hoàn thành trong giai đoạn 2026-2030.

Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, với các hạng mục công việc không đòi hỏi ngân sách đầu tư, Thứ thưởng Y tế đề nghị 3 bệnh viện trên chủ động thực hiện để đẩy nhanh tiến độ. Các đơn vị liên quan cũng nỗ lực để hoàn thành xây dựng đề án.

Về nội dung đề án, GS Trần Văn Thuấn yêu cầu các đơn vị nêu rõ tính cần thiết, trong đó làm rõ hậu quả ở trẻ em khi không có xạ trị proton, bổ sung bằng chứng về các quốc gia ưu tiên xạ trị proton cho trẻ em, tỷ lệ chi trả bảo hiểm y tế...

Về dự kiến đề xuất tỷ lệ thanh toán từ quỹ bảo hiểm, yêu cầu nghiên cứu, xếp theo thứ tự ưu tiên trẻ em, người cao tuổi (ví dụ, trẻ em được chi trả 80%, người già 60%).

Bộ Y tế cũng yêu cầu bổ sung số lượng người Việt Nam ra nước ngoài điều trị bằng xạ trị proton. Bên cạnh đó, xây dựng đề án cần phân tích rõ về hiệu quả kinh tế xã hội, đặc biệt là hiệu quả về xã hội của đề án: tăng tỷ lệ chữa khỏi, hạn chế tái phát, di căn, tạo ra của cải, vật chất.

Vấn đề thu hồi vốn phụ thuộc nhiều vào cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế. Việc triển khai trước mắt từ 1 đến 3 máy là bước đầu, sau đó tiếp tục nhân rộng dựa trên kết quả thực tiễn.

 Bệnh nhân chờ lượt khám và điều trị tại khu vực Hóa xạ trị trong ngày, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Khương Nguyễn.

Bệnh nhân chờ lượt khám và điều trị tại khu vực Hóa xạ trị trong ngày, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Khương Nguyễn.

Ngoài ra, cơ quan này cũng yêu cầu cần phân tích cụ thể ưu điểm, hạn chế, bổ sung tính đặc thù của từng loại công nghệ xạ trị proton; bổ sung dữ liệu về tình hình, tỷ lệ sử dụng các loại công nghệ xạ trị proton trên thế giới, đề xuất công nghệ cho Việt Nam.

Theo số liệu Globocan (dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế) năm 2022, Việt Nam có 180.400 ca mắc ung thư mới và 120.000 ca tử vong. TS.BS Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết riêng tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi năm người bệnh ung thư tăng khoảng 25%.

Bệnh ung thư đang có xu hướng tăng nhanh ở các nước đang phát triển, Việt Nam cũng phải đối phó với vấn đề này trong thời gian tới.

Xạ trị proton là gì?

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), xạ trị proton là một phương pháp xạ trị tiên tiến, sử dụng chùm tia proton để tiêu diệt tế bào ung thư. Không giống như xạ trị truyền thống dùng tia X, xạ trị proton có thể nhắm chính xác vào khối u mà ít gây tổn thương đến các mô khỏe mạnh xung quanh. Nhờ khả năng kiểm soát năng lượng bức xạ với biên độ hẹp, phương pháp này giúp giảm thiểu tổn thương đến mô lành xung quanh, đặc biệt quan trọng khi điều trị các khối u nằm gần cơ quan thiết yếu như não, tủy sống hay tim.

Với lợi thế giảm tác dụng phụ và nâng cao hiệu quả điều trị, xạ trị proton đã trở thành lựa chọn tối ưu cho nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư nhi khoa, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vùng đầu - cổ.

Nghiên cứu về proton bắt đầu từ đầu thế kỷ 20, ban đầu phục vụ mục đích nghiên cứu vật lý hạt nhân. Đến năm 1946, giáo sư Robert R. Wilson (Đại học Harvard) lần đầu tiên đề xuất sử dụng proton để điều trị ung thư.

Gần 60 năm qua, liệu pháp này đã được áp dụng rộng rãi trong điều trị khối u và đến năm 1988, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chính thức phê duyệt phương pháp này để điều trị ung thư.

Năm 1990, Đại học Loma Linda trở thành cơ sở y tế đầu tiên trên thế giới triển khai xạ trị proton trong môi trường bệnh viện. Từ đó đến nay, số lượng trung tâm xạ trị proton trên toàn cầu đã tăng đáng kể nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng cao. Theo một nghiên cứu được công bố trên PubMed Central vào năm 2022, hiện có hơn 100 trung tâm proton đang hoạt động trên toàn thế giới, với hơn 60 trung tâm khác đang được xây dựng hoặc lên kế hoạch.

Mỹ có số lượng trung tâm xạ trị proton nhiều nhất thế giới (45 trung tâm). Châu Á có 39 cơ sở proton đang hoạt động, phân bổ tại Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)... Tuy vậy, tại Việt Nam chưa có máy xạ trị proton điều trị ung thư công nghệ cao nào.

Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) chỉ ra mặc dù mang lại nhiều lợi ích, khả năng tiếp cận xạ trị proton vẫn còn hạn chế, đặc biệt tại các khu vực có gánh nặng ung thư cao như châu Á - Thái Bình Dương.

Chi phí cho liệu pháp xạ trị proton có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào quốc gia, cơ sở y tế và tình trạng cụ thể của bệnh nhân. Tại Mỹ, chi phí điều trị có thể dao động 25.000-150.000 USD (khoảng 600 triệu đến 3,5 tỷ đồng). Ở Singapore, chi phí có thể từ 40.000 USD trở lên (tương đương hơn 1 tỷ đồng cho liệu trình, vài chục triệu đồng cho mỗi lần điều trị). Tại Nhật Bản, chi phí dao động khoảng 1,5-3,5 triệu yên (250 triệu đồng đến 580 triệu đồng).

Ở Trung Quốc, với việc tự sản xuất máy proton, chi phí điều trị cho bệnh nhân ung thư tại đây này giảm đáng kể, khoảng 5.556 USD (khoảng 130 triệu đồng) cho lần điều trị đầu tiên và 2.000 USD (khoảng 47 triệu đồng) cho mỗi lần điều trị tiếp theo.

Phương Anh - Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/viet-nam-sap-co-3-trung-tam-xa-tri-proton-dieu-tri-ung-thu-post1530953.html
Zalo