Xe không chuyên dụng chở dưới 1.500 lít xăng dầu có được miễn giấy phép vận chuyển?
Theo Vụ Vận tải và An toàn giao thông - Bộ Xây dựng, việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm được thực hiện theo quy định của Nghị định 161/2024.
Gửi câu hỏi qua thư điện tử đến Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Thanh T - chủ một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết: Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp của ông luôn tuân thủ nghiêm túc các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC), đồng thời thường xuyên được cơ quan chức năng hướng dẫn, kiểm tra nhằm bảo đảm an toàn trong kinh doanh xăng dầu.

Nghị định 161/2024 quy định trường hợp miễn cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm chỉ quy định định lượng về dung tích hàng vận chuyển, không quy định tải trọng và loại phương tiện (ảnh minh họa).
Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp ông đang gặp khó khăn trong việc hiểu rõ quy định về việc miễn giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm cháy, nổ, cụ thể là trong trường hợp sau:
Công ty ông có sử dụng một phương tiện là ô tô tải, biển số đăng ký 68C-064.xx, nhãn hiệu THACO, có khối lượng chuyên chở theo thiết kế là 1.900 kg. Đây không phải là xe bồn chuyên dụng vận chuyển xăng dầu.
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 161/2024/NĐ-CP về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và trình tự, thủ tục cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, trường hợp vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là nhiên liệu lỏng có tổng dung tích nhỏ hơn 1.500 lít thì được miễn cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.
Từ đó, ông T. đặt câu hỏi: Quy định này được hiểu như thế nào? Việc miễn giấy phép có áp dụng nếu mỗi lần vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là nhiên liệu lỏng có tổng dung tích nhỏ hơn 1.500 lít, không phụ thuộc vào tải trọng thiết kế của phương tiện, với điều kiện không vượt quá tải trọng cho phép, có đúng hay không?
Về vấn đề trên, Vụ Vận tải và An toàn giao thông (Bộ Xây dựng) cho biết: Theo Điều 14 Nghị định 161/2024/NĐ-CP, việc miễn giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm đối với nhiên liệu lỏng được xác định dựa trên dung tích hàng hóa vận chuyển (< 1.500 lít), không phụ thuộc vào tải trọng hay loại phương tiện sử dụng để vận chuyển.
Tuy nhiên, phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm vẫn phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại Điều 9 của Nghị định này, cụ thể: Phương tiện phải đủ điều kiện tham gia giao thông theo quy định pháp luật hiện hành;
Thiết bị chuyên dùng trên phương tiện phải bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc theo quy định của bộ quản lý chuyên ngành.
tiện phải được dán biểu trưng nhận diện hàng hóa nguy hiểm; lắp đèn, tín hiệu cảnh báo theo quy định tại Điều 51 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trường hợp phương tiện vận chuyển nhiều loại hàng hóa nguy hiểm, phải dán đầy đủ biểu trưng tương ứng. Vị trí dán: Hai bên, phía trước và phía sau phương tiện, bảo đảm dễ quan sát, nhận biết.
Sau khi dỡ hết hàng hóa nguy hiểm, nếu không tiếp tục vận chuyển loại hàng hóa đó, người vận tải hoặc lái xe có trách nhiệm làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện.