Phó Thủ tướng kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 tại Thanh Hóa

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, tỉnh Thanh Hóa cần chủ động, linh hoạt, chuyển trọng tâm chỉ đạo kịp thời, để ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai.

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng, chống bão tại công trình kè chống sạt lở hai bên cầu Vạn Hà. Nguồn: VGP.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng, chống bão tại công trình kè chống sạt lở hai bên cầu Vạn Hà. Nguồn: VGP.

Sáng 22/7, khi bão số 3 (bão Wipha) bắt đầu đổ bộ vào đất liền ven biển các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác Trung ương kiểm tra công tác phòng, chống bão tại một số điểm xung yếu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, gồm công trình kè chống sạt lở hai bên cầu Vạn Hà, cống Ngọc Quang (xã Xuân Lập) và hồ thủy lợi Cửa Đạt.

Công trình kè chống sạt lở hữu – tả sông Chu khu vực cầu Vạn Hà có tổng chiều dài khoảng 7,8 km, tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng, được triển khai từ tháng 12/2023, đến nay đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính.

Đây là vị trí từng xảy ra sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến trụ cầu Vạn Hà và các khu dân cư lân cận. Việc hoàn thiện tuyến kè hai bên bờ không chỉ bảo vệ kết cấu cầu mà còn giúp ổn định dòng chảy, phòng ngừa rủi ro sạt lở trong mùa mưa bão.

Kiểm tra công trình kè chống sạt lở hữu – tả sông Chu khu vực cầu Vạn Hà, Phó Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của địa phương và các đơn vị thi công trong việc hoàn thành dự án đúng tiến độ, góp phần bảo đảm an toàn hạ tầng giao thông và phòng, chống thiên tai cho khu vực.

Tại cống Ngọc Quang (xã Xuân Lập), nơi đã có hiện tượng ngấm nước, địa phương đã dự trữ khoảng 1.000 m3 đất đắp, phương tiện cơ giới và sẵn sàng phương án huy động khoảng 200 người để xử lý ngay nếu xảy ra sự cố.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, đây là vị trí có nguy cơ cao, cần thường xuyên kiểm tra, trực ban 24/24h trong thời gian bão đổ bộ và mưa lớn kéo dài, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực để ứng phó kịp thời.

Tại hồ Cửa Đạt, công trình thủy lợi – thủy điện quan trọng ở thượng nguồn sông Chu với dung tích 1,4 tỷ m3, đại diện đơn vị quản lý - vận hành cho biết, dữ liệu nước từ thượng nguồn đổ về hồ, trong đó có thủy điện Hủa Na (Lào) đang được theo dõi, cập nhật liên tục. Tỉnh Thanh Hóa cũng tổ chức chỉ đạo tập trung bảo đảm dữ liệu quan trắc và dự báo được cập nhật liên tục, trực tuyến, phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của hồ Cửa Đạt đối với an toàn hạ du, vì vậy, công tác vận hành phải hết sức chủ động, tính toán kỹ các kịch bản, không để bị động khi mưa lớn xảy ra. Bên cạnh đó, yêu cầu các cơ quan chuyên môn phải theo dõi sát tình hình mưa, dòng chảy về hồ từ lưu vực, nhất là khu vực phía thượng nguồn bên Lào.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của hồ Cửa Đạt đối với an toàn hạ du. Nguồn: VGP.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của hồ Cửa Đạt đối với an toàn hạ du. Nguồn: VGP.

Về nguyên tắc điều hành, Phó Thủ tướng cho rằng, dù hệ thống vận hành hồ hiện đại nhưng các đơn vị phải tập trung cao độ, chủ động điều tiết sớm để giảm thiểu thiệt hại trong bối cảnh mưa lũ ngày càng khó lường.

Mặt khác, việc nắm chắc thông tin dự báo mưa, phân bố lưu vực nước về là yếu tố then chốt để đưa ra quyết định điều tiết phù hợp, tránh bị động và thiệt hại.

Chủ động, linh hoạt, chuyển trọng tâm chỉ đạo kịp thời

Sau khi kiểm tra các điểm xung yếu trên địa bàn tỉnh, trao đổi với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Phó Thủ tướng cho biết, trọng tâm ứng phó lúc này phải chuyển sang vấn đề mưa lớn – nhất là mưa lớn kéo dài, có thể tiếp diễn trong hôm nay và ngày mai.

"Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến các khu vực hồ, đập, hồ chứa, nhất là các hồ lớn. Đây là nơi tiềm ẩn nguy cơ sự cố khi lượng mưa vượt ngưỡng. Bên cạnh đó, các vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét cũng phải được rà soát kỹ lưỡng," Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý.

Ông đề nghị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trực tiếp kiểm tra, phân công kiểm soát những khu vực trọng điểm có thể xảy ra tình huống nguy hiểm; cần chủ động, linh hoạt, chuyển trọng tâm chỉ đạo kịp thời để ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai, nhất là khi Thanh Hóa và Bắc Nghệ An được xác định là những địa bàn trọng điểm về mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3.

Theo bản tin cập nhật lúc 15h30 chiều 22/7 của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong đêm 21/7 và ngày 22/7, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to và dông; riêng Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rất to.

Một số nơi có lượng mưa lớn: Trạm Đồng Giao (Ninh Bình): 253,8mm; Trạm Sầm Sơn (Thanh Hóa): 398,6mm; Trạm Như Xuân (Thanh Hóa): 374,0mm; Trạm Châu Nga (Nghệ An): 316,8mm.

Dự báo từ chiều tối ngày 22/7 đến sáng 23/7, ở Thanh Hóa, Nghệ An sẽ có mưa to đến rất to, lượng mưa 50-100mm, có nơi trên 200mm; phía Nam Phú Thọ và Sơn La sẽ có mưa to đến rất to, 40-80mm, cục bộ trên 120mm; các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh sẽ có mưa, mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to, 20-40mm, có nơi trên 100mm; tại cao nguyên Trung Bộ và Nam Bộ sẽ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to, 10-30mm, có nơi trên 70mm.

Thu Thảo

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/pho-thu-tuong-kiem-tra-cong-tac-ung-pho-bao-so-3-tai-thanh-hoa-44071.html
Zalo