Xe đạp - vòng xoay của phố

Từ độ phố Hà Nội thong dong toàn xe đạp, từ độ lốp xe được bán bằng các ô phiếu ngoài cửa hàng mậu dịch, đến giờ, xe đạp vào phố bằng những mẫu mã mới, đi kèm những công dụng mới.

Đã mấy mươi năm có lẻ, xe đạp vẫn “sống” trong phố Hà thành, ghi dấu theo những vòng quay bánh xe bao đổi thay của mảnh đất Hà Nội.

Ký ức mênh mang

Câu chuyện về xe đạp đã gắn với chữ “ngày xưa” và những câu chuyện khiến trẻ con thấy thú vị, còn người lớn thì rưng rưng. Cả một trời ký ức hiện về với những vòng quay “mòn đường, đứt cỏ”.

Ngày ấy, cái thời bao cấp khốn khó xe đạp quý như vàng, vì chiếc xe hai bánh hoạt động bằng sức người này chất chứa rất nhiều “vai”: là tài sản, là phương tiện đi lại, là vật dụng mưu sinh. Xe đạp cũng là thứ để “làm đỏm” hay “phô phang của nả” thời ấy. Nhà có cái xe đạp là giải quyết được bao nhiêu việc, từ thăm hỏi đến chuyên chở, sức lao động được giải phóng nhiều, đỡ gánh gồng, đỡ cuốc bộ, con người nhìn thanh nhàn hơn hẳn.

Những cái tên Phượng Hoàng, Thống Nhất đã in hằn trong ký ức của nhiều thế hệ từ 3X đến 7X, sang hơn thì có Peugeot, Favorit... Nhớ mênh mang tiếng xích líp xe xịn, kêu ro ro mỗi khi chủ nhân giảm tốc độ, ngừng đạp, xe trôi êm ru. Đến con ốc và má phanh cũng chuẩn, nên vành xe láng bóng, sạch tinh, chân nan hoa không hoen gỉ…

Thế hệ tóc pha khói sương chẳng ai không nhớ dáng xe, nhớ cả dáng hình, trang phục người sở hữu xe, rồi nhớ người ngồi sau, đội nón, mặc tấm áo hoa, tóc tết đuôi sam hoặc buông xõa ôm lưng…

Người ta nhớ cả những “săm lốp chửa”, “lốp bục”, “vá chín”, “vá sống”… - những cụm từ mà đám trẻ bây giờ may ra chỉ gặp trong câu chuyện “ngày xưa” được kể lại.

Chương trình đạp xe qua các di tích lịch sử, di sản văn hóa trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Chương trình đạp xe qua các di tích lịch sử, di sản văn hóa trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Hồi đó, chuyện cái lốp xe mòn vẹt và cái săm nằm trong đó thì đã “vá chằng vá đụp” là rất thường tình. Chẳng may lốp mòn gặp đúng chỗ săm cũng mòn là phình ra thành… chửa. Lốp chửa thì nguy hiểm, có thể nổ bất kể lúc nào; mà có phải cứ muốn thay lốp, thay săm là được đâu. Vì có thể thợ cũng không sẵn đồ để thay thế, có khi chủ nhân lại không đủ tiền thay ngay cái mới, thậm chí phải chờ mua phân phối… Thế là người ta đành gia cố bằng những vòng dây chun đen được cắt ra từ chiếc săm cũ nào đó. Chiếc xe nặng nề, giật cục bò trên đường, mà chở theo nó biết bao ký ức về tháng năm và cuộc sống.

Đấy là chưa kể những câu chuyện về “xe cởi truồng” vì thiếu chắn bùn, chắn xích; xe không phanh, không chuông và pê-đan chỉ còn trơ cái trục nhọn hoắt… Có những chiếc Phượng Hoàng, Thống Nhất mờ cả nhãn hiệu vì tháng năm, ấy thế mà vẫn cứ là vật dụng thân thiết của người lớn, là niềm tự hào của những đứa trẻ khi được đạp xe đến trường.

Hòa nhịp tháng năm

Cuộc sống thay da đổi thịt, kinh tế mở cửa, đô thị hóa bước chân vào TP, phố Hà thành bắt đầu râm ran tiếng nổ của động cơ; câu chuyện bên hè phố, trong các ngõ nhỏ cũng ngả sang những Honda, Suzuki, Yamaha… Thế nhưng, nhà có con cháu tuổi đi học thì vẫn cứ chuộng chiếc xe đạp cho con đến trường. Chả thế mà vào “giờ tầm” mỗi sáng chiều, phố xá lại như đan xen giữa hối hả xe máy và thong dong xe đạp.

Người lớn nhìn những cửa hàng xe đạp ngồn ngộn xe nhập khẩu, xe nội địa khắp từ phố thị đến huyện, xã không khỏi so sánh và nhớ về thời của mình. Xe đạp thời nay đẹp và hiện đại, mua cái xe đạp thử thấy nhẹ tênh mà cứ nghĩ đến cái cảnh “trượt cá” ngày xưa. Rồi xe địa hình khỏe khoắn, xe đạp lại có số điều chỉnh, xe đạp lại gấp gọn được... Và xe đạp cũng nhiều loại, loại bình dân vài trăm, vài triệu, loại đắt đỏ có thể lên đến vài chục triệu đồng.

Cũng không nhớ từ độ nào, nhiều người chọn xe đạp là môn thể thao rèn luyện sức khỏe. Người đô thị bận bịu quanh năm, nhưng khung giờ sớm mai hoặc tối khuya với những tuyến đường thuận lợi như nội khu, vòng quanh hồ đã trở thành lựa chọn cho các “cuarơ”. Có những đôi vợ chồng cùng sở thích kéo theo các con làm thành nhóm gia đình trang bị từ xe cho đến mũ, áo, giày... thật chuyên nghiệp.

Cũng có không ít người bỏ xe máy để hằng ngày đạp xe tới văn phòng, công sở. Họ không ngại chặng đường xa mướt mải mồ hôi ngày hè, mà coi đây là trải nghiệm thú vị, không chỉ tốt cho sức khỏe, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm lượng khí thải từ động cơ xăng.

Khác là phố hôm nay đã vắng những góc phố, cột đèn, cột điện lúc lỉu tấm biển bằng bìa “Bơm, vá chín săm lốp” cùng chiếc bơm xe đạp dựng phía dưới. Những tưởng thời công nghệ hôm nay không còn quán sửa xe đạp để những chiếc xe hiện đại được chăm sóc đúng lúc. Nhưng không, trên các con phố Hà thành sầm uất, vẫn có những ông, những bác hành nghề sửa xe đạp từ mấy chục năm nay.

Giờ đây, tuy không còn cái bơm nhấn vất vả ngày xưa, mà có bơm điện thay thế, nhưng vẫn đầy đủ đầu để bơm cho van giun, van gạo. Các bác vẫn thay từng cái má phanh cho bọn trẻ hay bóp phanh cháy vành và đặc biệt là phụ tùng thay thế không hề khan hiếm. Nếu xe hỏng, chỉ cần gửi ở cửa hàng quen một buổi là được đại tu lại ngon lành như mới, không phải đi xe long ốc kêu xòng xọc mấy khi…

Vào phố hôm nay, còn bắt gặp những “bến” xe đạp công cộng. Người sử dụng chỉ cần tải “app” nạp tiền là mở được khóa để đạp xe bon bon trên khắp các tuyến phố, rồi khi trở về địa điểm tập hợp xe thanh toán là xong. Người không có nhu cầu sở hữu xe và không sử dụng xe thường xuyên, thì việc lựa chọn xe đạp công cộng này có thể là một lựa chọn tối ưu.

Nhìn những hàng xe đẹp xếp bên hồ Ngọc Khánh hay nhiều địa điểm khác trong TP, cảm nhận thấy Hà Nội đang hòa nhịp với phố xá của những Thủ đô lớn trên thế giới - nơi mà người dân đang hướng tới lối sống xanh đầy văn minh và hiện đại.

Câu chuyện về xe đạp ở Hà thành có thể nói là vô tận và sẽ còn tiếp nối trong hành trình Hà Nội đi tới TP văn hiến - văn minh - hiện đại và người đô thị đang cùng nhau hướng tới cuộc sống xanh từng ngày. Vòng quay bánh xe ấy sẽ còn tiếp tục chở theo nó những chung riêng của cuộc sống, của đời người và những đổi thay không ngừng nghỉ trong tiến trình đô thị hóa Thủ đô.

Như một ngày đầu Đông này được đạp xe trong hanh hao gió lạnh đầu mùa đến công sở hay lòng vòng trên phố để tìm một ly cà phê, một chén trà… cũng đã là một dấu ấn tuyệt vời của Hà Nội phố hôm nay. Quay đều, quay đều, vòng quay bánh xe đạp trên đường dẫu có vô tình trở lại hay chủ đích tìm về thì bao giờ cũng ăm ắp kỷ niệm.

Nguyễn Minh Hoa

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xe-dap-vong-xoay-cua-pho.html
Zalo