Nghệ thuật AI bất ngờ tạo nên bức tranh có giá trị cao
Bức chân dung nhà toán học người Anh Alan Turing vừa trở thành tác phẩm nghệ thuật đầu tiên do robot sáng tác được bán đấu giá lên tới 1,32 triệu USD trong tuần qua.
Nghệ thuật AI giá trị cao
Theo hãng CNN, bức tranh do robot Ai-Da vẽ nhà khoa học máy tính và nhà giải mã người Anh Alan Turing đã được bán với giá 1,08 triệu đô la, bất ngờ trở thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao nhất trong một cuộc đấu giá tại New York trong tuần qua.
Alan Turing, sinh ngày 23/6/1912, được biết đến là một nhà toán học, logic học và mật mã học người Anh, được xem là một trong những nhà tiên phong của ngành khoa học máy tính và A.I. Ông mất vào ngày 7/6/1954.
Bức tranh trải qua 27 lượt trả giá trước khi thuộc về khách hàng giấu tên. Giá trị của tác phẩm đánh dấu một cột mốc mới trong lịch sử nghệ thuật hiện đại và đương đại, phản ánh vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong nghệ thuật.
Tác phẩm có tên AI God: Portrait of Alan Turing, cao 2,2 m, do Ai-Da - nghệ sĩ robot siêu thực đầu tiên trên thế giới thực hiện.
Ai-Da hiện là một trong những người máy tiên tiến nhất, do Aidan Meller - chuyên gia nghệ thuật đương đại - sáng chế. Ông có đội ngũ sản xuất riêng, làm việc cùng các chuyên gia AI tại đại học Oxford và Birmingham.
"Có vẻ như đây là thời điểm thích hợp để suy ngẫm về thực tế đang diễn ra trong xã hội. Chúng ta đang bước vào thế giới của trí tuệ nhân tạo bùng nổ. Tác phẩm nghệ thuật của Ai-Da thực sự cho bạn thấy tương lai tiềm năng mà chúng ta có thể hướng đến", ông Aidan Meller nói thêm.
Ông Meller nhận định rằng những họa sĩ vĩ đại trong lịch sử luôn trăn trở với thời đại của họ, vừa tôn vinh vừa đặt câu hỏi về những thay đổi xã hội trong tương lai. Robot Ai-Da, với tư cách một công nghệ, sẽ là họa sĩ hoàn hảo để thảo luận về những phát triển công nghệ hiện tại và di sản đang hình thành.
Ai-Da hình thành ý tưởng thông qua các cuộc trò chuyện với các thành viên làm việc cùng và đã đề xuất tạo ra hình ảnh chân dung Turing ở một cuộc thảo luận về "AI vì điều tốt đẹp".
AI đóng góp vào thị trường nghệ thuật
Bức tranh của Ai-Da được đánh giá cao trong buổi bán đấu giá đánh dấu sự thay đổi trong cách nhìn nhận và đánh giá của thế giới với AI trong thị trường nghệ thuật – một sự thay đổi mà ông Meller ví như phát minh ra máy ảnh.
"Máy ảnh đã thay đổi thế giới nghệ thuật rất nhiều… Tôi cảm thấy khá giống với nghệ thuật AI và còn hơn thế nữa. AI có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau trong khi máy ảnh chỉ là một hình ảnh vật lý của ánh sáng đơn lẻ", ông Meller nói.
Robot Ai-Da được ra mắt vào năm 2019 sau khi ông Meller hợp tác với một công ty robot có trụ sở tại Cornwall, Anh để tạo ra nó.
"Ai-Da là robot họa sĩ siêu thực đầu tiên có thể vẽ, tô màu, làm thơ và điêu khắc. Là một cỗ máy có trí tuệ nhân tạo, Ai-Da cũng được xem là một tác phẩm nghệ thuật", ông Meller nói.
Khi được phóng viên hỏi liệu robot có vẽ theo trí tưởng tượng không, Ai-Da nói thích vẽ những gì cô thấy, có góc nhìn khác con người vì không có ý thức. Trước khi bắt đầu các tác phẩm nghệ thuật, Ai-Da thảo luận với những người sáng tạo về những thứ mà cô muốn vẽ.
"Trong trường hợp này, chúng tôi đã thảo luận với cô ấy về AI với mục đích giúp Ai-Da định hình nhân vật muốn vẽ", ông Meller cho biết trong một tuyên bố.
Sau khi trả lời các câu hỏi về phong cách, nội dung, tông màu và kết cấu của bức tranh, Ai-Da đã sử dụng máy ảnh trong mắt và nhìn vào bức ảnh của Alan Turing, sau đó tạo ra các bản phác thảo sơ bộ về nhân vật. Cô đã vẽ 15 bức tranh riêng lẻ về các bộ phận trên khuôn mặt của nhân vật, mỗi bức đều khác nhau, tùy thuộc vào cách thuật toán diễn giải bức ảnh.
Mỗi bức tranh mất khoảng sáu đến tám giờ và sau đó robot được yêu cầu lắp ráp chúng. Cuối cùng, chọn ra ba bức. Vì cánh tay của Ai-Da chỉ có thể vẽ trên một tấm vải nhỏ, kích thước 11,7 x 16,5 inch, nên hình ảnh cuối cùng được in lên một tấm vải lớn hơn và sử dụng máy in có kết cấu 3D. Đại diện đơn vị đấu giá ghi nhận "không có thay đổi nào đối với hình ảnh cơ bản trong quá trình này".
Ông Meller cho biết cách Ai-Da vẽ đã thay đổi kể từ khi nó được tạo ra lần đầu tiên bởi các công nghệ liên tục được cập nhật để hỗ trợ trong thời gian qua.
Giá trị cốt lõi của tác phẩm là khả năng khơi gợi những cuộc thảo luận về các công nghệ mới chân dung Alan Turing khuyến khích người thưởng tranh suy ngẫm về bản chất "thần thánh" của AI và các lập trình, cũng như cân nhắc tác động về mặt đạo đức và xã hội từ những tiến bộ này trong thế giới hiện đại./.